Fintech ASEAN trụ vững qua ‘mùa đông gọi vốn’
(VNF) - Theo báo cáo “Fintech in ASEAN 2024” do UOB, PwC Singapore và Hiệp hội Fintech Singapore phối hợp thực hiện, dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực fintech tại ASEAN đã bắt đầu phục hồi và thể hiện sự “bền bỉ” giữa “cơn bão” kinh tế và “mùa đông gọi vốn”.
Tính đến hết tháng 9/2024, dòng vốn đầu tư vào fintech tại sáu nền kinh tế lớn trong khu vực - bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam - đạt 1,41 tỷ USD, giảm chưa đến 1% so với cùng kỳ năm 2023. Đây được xem là một tín hiệu tích cực, khi tốc độ suy giảm đã chậm lại rõ rệt so với “cú rơi” 71% vào năm 2023 so với năm 2022.
Trong khi đó, nguồn tài trợ cho fintech toàn cầu 9 tháng năm 2024 đã giảm tới 28% so với cùng kỳ, xuống còn khoảng 39,6 tỷ USD. Còn tại hai khu vực kinh tế dẫn đầu về fintech là Bắc Mỹ và châu Âu, dưới tác động của lạm phát và lo ngại về rủi ro địa chính trị, dòng vốn đầu tư hao hụt tới hơn một phần ba.
“Dòng vốn ổn định tại ASEAN cho thấy khả năng thích ứng và sức mạnh của khu vực trước những thách thức toàn cầu”, UOB đánh giá.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2024, ASEAN chiếm 4% tổng nguồn vốn đầu tư fintech toàn cầu, tăng 1% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, 62% tổng vốn đầu tư fintech trong khu vực đổ vào các vòng hạt giống và giai đoạn đầu, với hai thương vụ lớn từ GuildFi (140 triệu USD) và Longbridge (100 triệu USD). Việc các nhà đầu tư quan tâm và sẵn sàng “đặt cược” vào những sáng kiến đổi mới ngay từ bước khởi đầu cho thấy ASEAN vẫn là “vùng đất màu mỡ” cho các ý tưởng fintech mới, khẳng định sức sống bền vững và triển vọng lâu dài của lĩnh vực này.
Xét theo cơ cấu lĩnh vực, mảng thanh toán tiếp tục giữ vững ngôi đầu khi thu hút 23% tổng vốn đầu tư. Theo sau là mảng blockchain trong dịch vụ tài chính với tỷ trọng 21%. Mảng công nghệ ngân hàng vươn lên vị trí thứ ba, với thương vụ đình đám ANEXT Bank trị giá 148 triệu USD.
Ngược lại, các công ty fintech hoạt động trong mảng cho vay thay thế đang đối mặt với “vận đen” khi tỷ lệ vốn đầu tư sụt giảm còn 10%. Lãi suất cao gây áp lực lên hoạt động cho vay được cho là lý do khiến các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn và kế hoạch rót vốn vào mảng này chậm lại.
Tín hiệu lạc quan cho tương lai
Báo cáo “Fintech in ASEAN 2024” chỉ ra rằng, nguồn vốn đầu tư fintech trong khu vực đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 2015 (so sánh 9 tháng đầu năm 2015 và 9 tháng đầu năm 2024). Động lực chính cho sự bùng nổ này là sự phát triển mạnh mẽ của mảng thanh toán và cho vay thay thế.
Trong thập kỷ qua, lĩnh vực fintech tại ASEAN đã huy động được hơn 20 tỷ USD. Trong đó, hai mảng thanh toán và cho vay thay thế chiếm hơn một nửa tổng vốn đầu tư, lần lượt thu hút được 6,5 tỷ USD và 4,1 tỷ USD.
Mặt khác, sự ra đời của hàng loạt “kỳ lân” fintech, mà gần một nửa trong số đó hoạt động trong mảng thanh toán, cũng là minh chứng rõ nét cho thấy sự hấp dẫn và tiềm năng của lĩnh vực này.
Theo bà Wong Wanyi, Trưởng nhóm Fintech của PwC Singapore khẳng định, các công ty fintech đang không ngừng củng cố niềm tin của các nhà đầu tư dài hạn và góp phần định vị ASEAN là trung tâm đổi mới sáng tạo.
Vị chuyên gia nhận định, Singapore và Thái Lan, hai trong số các quốc gia dẫn đầu về nguồn vốn đầu tư fintech ASEAN sẽ là động lực quan trọng cho sự phát triển năm 2024. Hai quốc gia này hiện chiếm tới 76% tổng vốn đầu tư của ASEAN, với 4 thương vụ lớn.
Việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất gần đây cũng sẽ là một “cú huých” cho sự phát triển của lĩnh vực fintech thời gian tới. Bởi lẽ, lãi suất thấp giúp giảm chi phí huy động vốn, tăng khẩu vị của các nhà đầu tư mạo hiểm, đẩy định giá cao hơn và mở rộng các cơ hội thoái vốn. Thực tế, sau khi FED giảm lãi suất vào quý III/2019, nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực fintech tại ASEAN đã đạt đỉnh ở mức 6,36 tỷ USD vào năm 2021.
Bên cạnh đó, những tiến bộ công nghệ như AI tạo sinh, điện toán lượng tử và blockchain cũng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho lĩnh vực fintech khi mang tới các giải pháp nhanh hơn và an toàn hơn.
Quỹ ngoại mắc kẹt, Fintech Việt hẹp cửa gọi vốn mới
- Để Fintech Việt bớt phụ thuộc nguồn vốn ngoại 23/08/2024 09:00
- Bị ‘coi thường’ trong quá khứ, Fintech vụt lớn thành đối thủ của ngân hàng 09/08/2024 10:00
- Giải cơn khát vốn cho DN nhỏ và siêu nhỏ: Trông chờ fintech được tháo rào 06/07/2024 11:30
Toàn cảnh Sân vận động Chi Lăng đang thế chấp ngân hàng vay nghìn tỷ
(VNF) - Đà Nẵng sẽ điều chỉnh sân vận động Chi Lăng từ đất thể thao thành đất thương mại dịch vụ và đấu giá toàn bộ dự án để thi hành án.