Để Fintech Việt bớt phụ thuộc nguồn vốn ngoại
(VNF) - Những năm qua, các quỹ đầu tư mạo hiểm nội địa đã tham gia khá tích cực vào hoạt động cấp vốn cho các công ty fintech. Tuy vậy, vai trò dẫn dắt hiện vẫn thuộc về các quỹ đầu tư nước ngoài.
Do đó, phát huy vai trò của các quỹ đầu tư mạo hiểm nội địa có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam nói chung và đối với công nghệ tài chính nói riêng.
Thị trường fintech Việt Nam: Dư địa lớn
Việt Nam được xem là điểm sáng trên bản đồ ngành công nghệ tài chính (fintech) của khu vực Đông Nam Á khi liên tục duy trì mức tăng trưởng cao kể từ năm 2018 đến nay. Theo Statistic, ngành fintech của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, số lượng công ty mới tăng hơn 180% trong giai đoạn 2018-2022. Tính đến cuối năm 2022, có khoảng 263 công ty Fintech đang hoạt động. Tốc độ tăng trưởng số lượng người dùng fintech cũng đạt cấp số nhân, từ 27 triệu người dùng vào năm 2017 tăng lên 69 triệu người dùng năm 2022.
Mặc dù vậy, quy mô của thị trường fintech Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn và có khoảng cách khá xa với một số nước dẫn đầu khu vực như Singapore, Indonesia. Xét về cơ cấu ngành, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu của làn sóng tăng trưởng. Có đến 1/3 số công ty fintech hoạt động trong lĩnh vực thanh toán và phần lớn số vốn đầu tư cũng tập trung tài trợ cho các công ty này. Trong khi đó, tại Indonesia hay Singapore, phân khúc thị trường của các sản phẩm, dịch vụ tài chính khác (ngoài dịch vụ thanh toán) đã bắt đầu phát triển mạnh tạo nên một hệ sinh thái fintech đa dạng và cân đối hơn.
Dư địa phát triển của thị trường fintech tại Việt Nam là rất lớn và đây cũng là cơ hội cho các mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo và các công ty startup. Tuy nhiên, các công ty startup trong lĩnh vực fintech vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư. Trong bối cảnh đó, vốn đầu tư mạo hiểm (venture capital) thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm (QĐTMH) là một trong những giải pháp hiệu quả để giúp các startup vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu và tiến tới những bước phát triển đột phá và bền vững. Các QĐTMH không chỉ cung cấp nguồn vốn mà còn mang lại kiến thức, kinh nghiệm và một hệ sinh thái cần thiết để các startup phát triển và mở rộng quy mô.
Theo đó, thị trường đầu tư mạo hiểm vào các lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam ghi nhận những bước tăng trưởng đáng kể và vẫn là một trong những quốc gia có giữ được mức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước. Theo Báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2024 do Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) và Do Ventures công bố, tính đến cuối năm 2023, Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vịtríthứ3khuvựcĐôngNamÁvềgiátrịđầutư và số lượng thương vụ đầu tư công nghệ.
Trong giai đoạn từ 2013 đến 2023, số tiền đầu tư cho fintech chiếm tỷ trọng cao nhất so với các lĩnh vực đổi mới sáng tạo khác, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thanh toán và dịch vụ tài chính với số vốn đầu tư lần lượt là 1,043 tỷ USD và 459 triệu USD. Trong đó, dịch vụ thanh toán là lĩnh vực nhận được nhiều vốn đầu tư nhất trong nhiều năm và trong năm 2022, nhóm dịch vụ tài chính trở thành lĩnh vực thu hút nguồn vốn đầu tư cao nhất với đa dạng các lĩnh vực như phân tích dữ liệu & chấm điểm tín dụng, quản lý tài sản & thị trường vốn, cho vay tiêu dùng, ngân hàng như một dịch vụ (BaaS)...
Sự nổi lên của quỹ nội địa giữa “mùa đông gọi vốn”
Giai đoạn từ năm 2022 đến nay được xem là “mùa đông gọi vốn” của giới khởi nghiệp toàn cầu khi quy mô các QĐTMH liên tục suy giảm kéo theo dòng vốn này cũng trở nên thận trọng và kén chọn hơn. Điều này thể hiện thông qua sự mức giảm đáng kể đến 65% tổng số giá trị đầu tư vào nửa cuối năm 2022 và 35% vào năm 2023. Trong bối cảnh đó, theo Báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2023 và 2024, vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam cũng suy giảm 56% vào năm 2022 so với năm 2021. Năm 2023, vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đạt 529 triệu USD, ghi nhận mức giảm 17% so với năm 2022. Tuy vậy, đi vào chi tiết bối cảnh thị trường tại Việt Nam thì vẫn thấy nhiều điểm sáng nếu so sánh với xu hướng suy giảm của toàn cầu.
Đầu tiên, mức độ suy giảm giá trị đầu tư cũng như số thương vụ tại Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với mức suy giảm toàn cầu và bắt đầu xuất hiện dấu hiệu phục hồi vào cuối năm 2023. Đặc biệt, số lượng các thương vụ giai đoạn đầu với giá trị từ 0,5 triệu USD đến 3 triệu USD có mức suy giảm ít nhất cho thấy sự lạc quan của các nhà đầu tư mạo hiểm đối với các công ty khởi nghiệp ngay cả trong bối cảnh thế giới nhiều biến độn.
Đáng chú ý hơn là sự nổi lên của các QĐTMH nội địa. Đây là các QĐTMH có thị trường đầu tư chính tại Việt Nam, các quyết định đầu tư được thực hiện bởi hội đồng đầu tư ở Việt Nam, có đội ngũ hoạt động chính tại Việt Nam. Trong nhiều năm liền, thị trường đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam chủ yếu là sân chơi của các QĐTMH ngoại với sự đóng góp tích cực của các quỹ đến từ Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ,..
Tuy nhiên, vào năm 2022, giữa “mùa đông gọi vốn”, các QĐTMH Việt Nam đã trở thành nhóm nhà đầu tư tích cực nhất, đóng góp 41% số thương vụ và 45% giá trị tổng số tiền đầu tư với giá trị kỷ lục là 287 triệu USD.
Nhiều trở ngại cản bước phát triển của quỹ nội
Sự tham gia và phát triển của các QĐTMH nội địa có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung và hệ sinh thái công nghệ tài chính nói riêng, đặc biệt là trong giai đoạn đầu đầy thử thách của các startup với hàng loạt những rào cản về tiếp cận nguồn vốn. Nhắc đến đầu tư mạo hiểm, không chỉ gói gọn trong phạm vi tài chính mà còn những khía cạnh quan trọng không kém, đó là sự đồng hành và các nguồn lực phi tài chính làm trợ lực cho các startup. Nếu các quỹ ngoại có lợi thế về tiềm lực tài chính và trình độ công nghệ hay kinh nghiệm tiếp cận thị trường đa quốc gia thì các quỹ nội địa lại có những lợi thế rất riêng biệt.
Các quỹ nội địa với nguồn lực tại chỗ có thể hỗ trợ hiệu quả cho các startup không chỉ về tài chính mà còn bao gồm sự am hiểu về thị trường nội địa, một hệ sinh thái kiến thức, kinh nghiệm thị trường, tệp khách hàng, sự am hiểu về môi trường pháp lý cũng như các mối quan hệ, mạng lưới đối tác. Các quỹ nội địa cũng có thể trở thành chủ thể dẫn dắt, tạo xung lực để kết nối startup với các nguồn vốn ngoại. Vì vậy, mạng lưới các QĐTMH nội địa quy mô lớn và xứng tầm là một mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc gia, trong đó có fintech.
Mặc dù bản thân nội tại các QĐTMH nội địa cũng cố gắng chuyển mình để phù hợp với sự thay đổi của thị trường và nền kinh tế nhưng bối cảnh chính sách, khung pháp lý và thị trường hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều trở lực và thiếu những trợ lực cần thiết cho sự phát triển của thị trường đầu tư mạo hiểm nói chung cũng như sự vươn lên dẫn dắt của các QĐTMH nội địa nói riêng.
Quá trình vận động của chính sách và khung pháp lý để phục vụ cho các lĩnh vực đổi mới sáng tạo và hoạt động đầu tư cho công nghệ vẫn còn khá chậm, chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tế của thị trường. Hàng loạt các vấn đề liên quan đến đầu tư mạo hiểm, QĐTMH vẫn còn chưa được quy định hoặc bất cập như những hạn chế trong quy định về huy động vốn, những rắc rối trong hoạt động hạch toán kế toán và khai báo thuế, thiếu chính sách hỗ trợ tài chính hay ưu đãi thuế phù hợp với tính đặc thù của loại hình đầu tư này.
Vừa qua, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được thông qua, trong đó có quy định: Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vốn vào doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực quan trọng về khoa học, công nghệ.
Đây là một tín hiệu tích cực trong quá trình vận động của chính sách. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại như một cơ chế thí điểm tại đạo luật dành riêng cho một địa phương thì chiếc áo pháp lý này khá chật so với nhu cầu thực tế của thị trường. Thay vào đó, các cơ quan hữu quan cần sớm bắt tay vào nghiên cứu, xây dựng và ban hành khung chính sách tổng thể về phát triển các hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam và ban hành đạo luật điều chỉnh riêng cho hoạt động này
Bị ‘coi thường’ trong quá khứ, Fintech vụt lớn thành đối thủ của ngân hàng
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.