Bị ‘coi thường’ trong quá khứ, Fintech vụt lớn thành đối thủ của ngân hàng
(VNF) - Trong quá khứ, Fintech từng bị coi thường khi chỉ là những công ty khởi nghiệp nhỏ bé, với mô hình kinh doanh không khác gì một "hiện tượng nhất thời". Tuy nhiên, những bước tiến mạnh mẽ của Fintech đã thay đổi hoàn toàn cục diện ngành tài chính. Giờ đây, thi trường đã nhìn nhận Fintech như một đối thủ cạnh tranh đáng gờm của các ngân hàng truyền thống.
Từ thanh toán hóa đơn lẻ đến đối tác chiến lược
Fintech, viết tắt của cụm từ “financial technology” (công nghệ tài chính), đã trở thành một từ quen thuộc ở Việt Nam từ những năm 2015 - 2017. Tuy nhiên, thực tế là các công ty Fintech đã bắt đầu xuất hiện và hoạt động tại thị trường này từ trước đó.
Theo dữ liệu từ Statista, vào năm 2010, Việt Nam chỉ có khoảng 10 công ty Fintech, nhưng con số này đã tăng gấp đôi chỉ sau một năm.
Ban đầu, những công ty Fintech chủ yếu cung cấp các dịch vụ tài chính nhỏ lẻ, chẳng hạn như tích hợp hóa đơn điện, nước. Trong giai đoạn đầu này, nhiều người cho rằng Fintech không đủ sức cạnh tranh với các tổ chức tài chính truyền thống, và chỉ là "bong bóng" công nghệ, khó tồn tại lâu dài và có thể tan vỡ bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, thời gian đã chứng minh điều ngược lại. Những công ty Fintech này không những không biến mất, mà ngược lại, đã phát triển mạnh mẽ và tạo ra những thay đổi cơ bản trong ngành dịch vụ tài chính. Đặc biệt, chúng đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong các ngân hàng truyền thống, một điều mà ít ai ngờ tới.
Tại diễn đàn Ngân hàng Bán lẻ 2024, TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho biết, trái với sự coi thường trong quá khứ, hiện nay, nhiều ý kiến đã bắt đầu nhìn nhận Fintech như một đối thủ cạnh tranh tiềm năng của các ngân hàng.
Dù vậy, ông Hùng cũng nhấn mạnh rằng không nên coi Fintech và ngân hàng là hai đối thủ trực tiếp của nhau. "Không ai nuốt ai" trong ngành này, mà thay vào đó, cả hai phải hợp tác để cùng phát triển và xây dựng một hệ sinh thái tài chính chung.
Nhìn từ góc độ của các ngân hàng, ông Trần Thái Bình, Giám đốc Khối Ngân hàng số tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho rằng, sự hợp tác giữa Fintech và ngân hàng đã bắt đầu từ rất lâu, ngay từ khi Fintech chỉ mới hình thành ở Việt Nam khoảng những năm 2010 - 2011.
Một trong những hoạt động đầu tiên của Fintech tại Việt Nam là xây dựng các trung tâm (hub) tích hợp tất cả hóa đơn điện, nước của người dân. Đây cũng là hoạt động mở đầu cho sự hợp tác giữa Fintech và các ngân hàng.
Ông Bình cho biết, Sacombank đã chủ động kết hợp với các công ty Fintech để tích hợp các hóa đơn điện, nước, thay vì phải liên kết riêng lẻ với từng nhà cung cấp dịch vụ. Các ngân hàng, bao gồm Sacombank, luôn coi Fintech là đối tác, là "cánh tay nối dài" giúp đưa các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng đến gần hơn với người dùng.
"Đây là một sự hợp tác bền vững, kéo dài qua nhiều năm. Cho đến hiện tại, Fintech đã lớn mạnh hơn rất nhiều", ông Bình nhấn mạnh.
Ưu tiên hàng đầu của ngành tài chính ngân hàng
Ông Lê Đức Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. HCM, cho biết số lượng người dùng Internet tại Việt Nam đã tăng gần bốn lần từ năm 2007 (20,76%) đến năm 2022 (78,59%). Đặc biệt, tỷ lệ người dùng Internet trên điện thoại di động cũng tăng liên tục qua các năm.
Sự hỗ trợ từ Chính phủ trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt qua thiết bị di động, theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg, cũng tạo ra một cơ hội lớn cho Fintech. Thực tế, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã tăng trưởng đều đặn qua các năm, là một tín hiệu lạc quan cho sự phát triển của Fintech.
Ông Trần Huyền Dinh, Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech thuộc Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) từng khẳng định rằng, Fintech là một trong những ưu tiên hàng đầu của ngành tài chính – ngân hàng tại Việt Nam.
Dự kiến, đến cuối năm 2024, thị trường Fintech Việt Nam có thể đạt mốc 18 tỷ USD. Hiện nay, trong nước đã có ba công ty Fintech đạt mức “kỳ lân” (tức là có vốn hóa trên 1 tỷ USD), gồm Sky Mavis, MoMo và VNPay.
Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng sự phát triển của Fintech tại Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là về khía cạnh pháp lý. Nhiều chuyên gia cho rằng hành lang pháp lý cho Fintech hiện chưa thực sự hoàn thiện, và việc cập nhật, sửa đổi các văn bản pháp luật chưa bắt kịp với tốc độ phát triển của ngành.
Tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ Dự thảo lần thứ 7 Nghị định Quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) cho Fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Nhiều chuyên gia kỳ vọng rằng nghị định này sẽ được ban hành trong năm 2024, mở ra con đường rõ ràng hơn cho Fintech phát triển tại Việt Nam.
Dám đi ngược thói quen: Thách thức để Fintech khẳng định mình
- Giải cơn khát vốn cho DN nhỏ và siêu nhỏ: Trông chờ fintech được tháo rào 06/07/2024 11:30
- 9 đội vào chung kết cuộc thi liên trường đại học ‘Fintech – Blockchain Hackathon 2024’ 13/06/2024 03:41
- Lấp khoảng trống pháp lý Fintech: Không thể chậm trễ 07/06/2024 06:30
Bên trong dự án ở Đắk Lắk từng đạt giải Quy hoạch đô thị quốc gia
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.