Dám đi ngược thói quen: Thách thức để Fintech khẳng định mình
(VNF) - Tỷ lệ dùng tiền mặt của Việt Nam ở khu vực nông thôn vẫn còn cao, một phần do thói quen tiêu dùng, một phần do những người lớn tuổi khá chậm trong việc tiếp cận các thiết bị công nghệ.
Tài chính toàn diện là một trong những mục tiêu của Chính phủ nhằm hướng tới việc mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững.
Trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, công nghệ tài chính (Fintech) đang đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện bằng cách mở rộng quy mô tiếp cận tài chính; cung cấp dịch vụ tài chính với chi phí thấp đối với người dùng và nhà cung cấp; mang đến nhiều tiện ích và trải nghiệm cho khách hàng. Các ứng dụng Fintech cho phép người dùng thực hiện giao dịch, thanh toán và quản lý tài chính từ thiết bị di động bất kể thời gian và địa điểm.
Fintech tạo sức bật cho tài chính toàn diện
Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, TS Trịnh Thị Phan Lan, giảng viên Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng đã có một sự chuyển biến rõ rệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng kể từ khi Fintech bùng nổ. Tác động của Fintech được thể hiện rõ ràng ở 3 khía cạnh.
Thứ nhất là tăng cường tiếp cận tài chính. Theo TS Trịnh Thị Phan Lan, Fintech cung cấp các dịch vụ tài chính với chi phí thấp, giúp nhiều người dùng tiếp cận hơn. Đơn cử như các ứng dụng ví điện tử là Momo, ZaloPay cho phép người dùng thực hiện thanh toán, chuyển tiền một cách thuận tiện và nhanh chóng.
Thứ hai là sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng. Theo đó, Fintech đã thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain). Điều này mang lại tiềm năng cho các công ty Fintech trong hoạt động thanh toán số, cho vay, bảo hiểm và tài chính nhúng. Thứ ba là tích hợp công nghệ vào ngành ngân hàng. TS Trịnh Thị Phan Lan cho hay Fintech đã giúp các ngân hàng số hóa nhiều dịch vụ, giảm rủi ro và tối ưu hóa quy trình, giúp tiết kiệm chi phí và tăng trải nghiệm cho người dùng.
Vị nữ tiến sĩ này cho rằng, Fintech đang có rất nhiều cơ hội để thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam. Dân số của nước ta khá đông, trong đó chiếm 65-70% là người trên 35 tuổi với khả năng thích nghi nhanh với công nghệ. 67% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và đa phần không có tài khoản ngân hàng và khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ tài chính ngân hàng, cho thấy nhu cầu rất lớn trong thị trường cung ứng các sản phẩm, dịch vụ tài chính ở khu vực nông thôn Việt Nam.
Một cơ hội nữa để Fintech thúc đẩy tài chính toàn diện là cơ sở hạ tầng viễn thông trong nước được đầu tư và phát triển hoàn thiện. Mạng điện thoại di động 4G/5G phủ khắp cả nước và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh và Internet tại Việt Nam rất phổ biến.
Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam còn thấp. Tỷ lệ người trưởng thành sở hữu tài khoản ngân hàng tại Việt Nam chỉ đạt khoảng 60%, thấp hơn nhiều so với Thái Lan và Malaysia ( khoảng 70 - 80%). TS Trịnh Thị Phan Lan cho rằng đây là khoảng trống rất lớn cho để Fintech phát triển và thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Không ngại đi ngược thói quen
Một trong những điểm hạn chế của Fintech là chưa thể phủ rộng tới tệp người dùng lớn tuổi do những rào cản kiến thức công nghệ và tài chính. Trong khi bộ phận người dân ở khu vực này lại chiếm một phần không nhỏ, cũng như là những đối tượng cần được tiếp cận với tài chính toàn diện nhất. Nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa Fintech trở thành công cụ giúp thúc đẩy tài chính toàn diện có thể khiến những khu vực chưa được “phủ sóng” bởi Fintech gặp khó khăn trong việc tiếp cận, tạo ra một hướng đi ngược với mục tiêu của tài chính toàn diện.
Tuy nhiên, ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản (FIDT) lại không nghĩ như vậy. “Tôi cho rằng không ai bị bỏ rơi lại trong chiến lược tài chính toàn diện, cũng không phải đang đi ngược với mục tiêu này. Chúng ta đang đi đúng lộ trình mà Chính phủ định hướng, chỉ có điều tốc độ hơi chậm so với kỳ vọng”, ông Huấn cho biết.
Theo ông, tỷ lệ dùng tiền mặt của Việt Nam ở khu vực nông thôn vẫn còn cao, một phần do thói quen tiêu dùng, một phần do những người lớn tuổi vẫn khá chậm trong việc tiếp cận các thiết bị công nghệ và thanh toán không dùng tiền mặt. Chiến lược tài chính toàn diện với sự hỗ trợ của Fintech là để thay đổi thực trạng này, không phải đi ngược.
“Nỗ lực của Chính phủ khi thực hiện chiến lược tài chính toàn diện kết hợp với sự hỗ trợ của Fintech sẽ xử lý được vấn đề về thói quen tiêu dùng của người dân, đặc biệt ở vùng nông thôn. Thói quen bản chất chỉ là lối mòn về tư duy, để thay đổi thói quen, cần phải thay đổi bằng những hành động bắt buộc, mang tính thiết yếu để người dân làm quen với Fintech, làm quen với sự tiện lợi, sự an toàn”, Giám đốc điều hành FIDT cho biết.
Vị chuyên gia này cho rằng, để việc thúc đẩy tài chính toàn diện thông qua Fintech trở thành một cuộc cách mạng, cần phải có cuộc đấu tranh nội tại trong xã hội, thay đổi thói quen cũ để đạt được sự tiện lợi hơn. Người dân khi bị bắt buộc thay đổi sẽ dần nhận ra sự thay đổi này mang lại những tiện ích tốt hơn, từ đó hình thành thói quen và nâng cao dân trí tài chính.
“Tôi cho rằng việc đi ngược thói quen là rất tốt. Phải có sự đối nghịch như vậy để tạo ra sự vận động phát triển tích cực cho xã hội”, ông Ngô Thành Huấn cho biết.
Theo ông, lộ trình để thúc đẩy bức tranh tài chính toàn diện với sự hỗ trợ của Fintech phải đi từ khu vực trung tâm và thành thị trước, nơi mà người dân có thu nhập, trình độ dân trí và khả năng hấp thụ cao nhất, sau đó tạo sự lan toả, đồng bộ lên các khu vực còn lại. Mặt khác, bức tranh còn cần được “tô vẽ” bởi nhận thức và kiến thức trước, sau đó tới sự áp dụng người dân.
“Phải đi từ giáo dục kiến thức trong các trường đại học, sau đó lan toả ra toàn bộ người dân và xã hội thông qua các định chế tài chính, các cơ quan quản lý, từ đó sẽ phát triển được các chương trình, công cụ thúc đẩy, cũng như các sản phẩm tài chính phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng cuối cùng tại nông thôn”, Giám đốc FIDT cho biết.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, việc tập trung vào giáo dục và đào tạo giới trẻ về kiến thức tài chính giống như tạo ra và bơm một tế bào tốt vào một gia đình, từ đó tế bào này sẽ lan toả, tác động lên những thành viên còn lại – những người vẫn còn hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ và tài chính.
FiinGroup khởi động dự án chuyển đổi số dữ liệu tài chính cùng FSI
Bộ Tài chính đề xuất không mua bán vàng bằng tiền mặt
3 điểm nghẽn trong hoạt động tư vấn tài chính ở Việt Nam
- Thanh toán không tiền mặt tăng mạnh, giao dịch qua ATM giảm nhanh 28/05/2024 06:31
- Dân chuộng quét mã QR, đến thời chợ không tiền mặt 27/05/2024 10:30
- Đề nghị miễn, giảm phí nhân Ngày không tiền mặt 2024 21/05/2024 11:08
Bên trong dự án ở Đắk Lắk từng đạt giải Quy hoạch đô thị quốc gia
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.