Toàn cảnh khu phức hợp 26 tầng của Daewoo E&C tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.
Tại phiên chất vấn trước Quốc hội ngày 11/11, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận chính sách tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn còn nhiều trở ngại, nhu cầu vốn của nhóm doanh nghiệp này vẫn chưa được đáp ứng.
Trong chia sẻ với Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance, ông Ngô Thành Huấn, CEO Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và quản lý tài sản FIDT - đơn vị tư vấn cho khoảng 300 khách hàng cá nhân là chủ SMEs, cho biết: “Có tới hơn 60% gặp vấn đề về nguồn vốn, nhất là vốn tín dụng. Thậm chí, có những doanh nghiệp dù đã thành lập được nhiều năm nhưng vẫn chưa có khoản vay tại ngân hàng. Việc thiếu vốn đã kìm hãm sự phát triển của SMEs”.
Ông Huấn phân tích: “Đặc điểm thường thấy ở nhóm doanh nghiệp này là thiếu năng lực hoạch định tài chính, thiếu định hướng về dòng tiền. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng không có hóa đơn đầu vào, nhập tiểu ngạch, dẫn đến việc không đủ các yếu tố để lập báo cáo tài chính. Thiếu hiểu biết về cơ chế, chính sách, các gói tín dụng của các định chế tài chính; thiếu tính minh bạch trong hồ sơ tài chính; thiếu tài sản đảm bảo là những lý do khiến các ngân hàng không mặn mà với nhóm doanh nghiệp này”.
“Thậm chí, dù tiếp cận được vốn tín dụng nhưng thời gian giải ngân lâu khiến các doanh nghiệp lỡ mất cơ hội mở rộng kinh doanh. Kết quả là nhiều ông chủ SMEs phải đau đầu với bài toán về vốn, có những người buộc phải bán nhà, bán đất, bán cả xe để có thêm nguồn vốn kinh doanh”, ông Huấn chia sẻ.
Thực tế, nhiều ngân hàng đã bắt đầu chú trọng đến cho vay SMEs bằng việc triển khai nhiều gói vay ưu đãi, đẩy mạnh cho vay trực tuyến, giảm thủ tục, tăng tốc độ giải ngân khoản vay... Chính phủ cũng phát triển các kênh hỗ trợ vốn khác cho SMEs, đặc biệt là 3 quỹ hỗ trợ gồm: Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai, dư nợ cho vay của các quỹ này vẫn còn thấp. Số lượng các quỹ hoạt động cũng không nhiều, nguồn vốn cũng không đủ để đáp ứng cho nhu cầu vay vốn ngày càng cao của SMEs ở nhiều địa phương.
Khảo sát của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương chỉ ra số lượng SMEs tiếp cận các nguồn tài chính chính thống qua hệ thống ngân hàng và các nguồn chính thống khác chỉ chiếm 25%. Còn theo FiinGroup, khoảng trống tài chính của SMEs ở Việt Nam ước tính khoảng 24 tỷ USD, gấp 2,11 lần mức cho vay SMEs hiện tại. Trong khi đó, con số này ở các nước đang phát triển chỉ là 1,23 lần.
Nhận thấy nhu cầu vốn chưa được đáp ứng của SMEs, những năm gần đây, nhiều công ty fintech đã bắt đầu “nhảy vào” sân chơi này với các thủ tục đơn giản và nhanh chóng. Chẳng hạn như ZaloPay, VNPay, VietQR đang hỗ trợ vốn cho SMEs với nhiều gói cho vay khác nhau. Hay như Validus Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, SMEs tiếp cận tín dụng và cung cấp các khoản vay không cần thế chấp với lãi suất từ 1,5% mỗi tháng. Các công ty khác như Sapo hay SoBanHang cung cấp các giải pháp quản lý mở rộng đa kênh, kiểm soát tài chính, dịch vụ khách hàng, thu hồi nợ, và tiếp cận tín dụng cho SMEs.
Phân tích về lợi thế của nhóm fintech, TS Nguyễn Nhật Minh, giảng viên ngành Kinh doanh trên ứng dụng blockchain, Đại học RMIT, cho biết khác với cách cung cấp tín dụng truyền thống của ngân hàng, các công ty fintech đang áp dụng nhiều phương pháp sáng tạo để đánh giá và hỗ trợ SMEs.
“Thay vì chỉ dựa vào các hồ sơ tài chính truyền thống, các công ty fintech phân tích lịch sử giao dịch của doanh nghiệp, mô hình dòng tiền, hành vi thanh toán, thậm chí cả dữ liệu từ thương mại điện tử hoặc hóa đơn dịch vụ. Điều này giúp tạo ra bức tranh tài chính rộng hơn, mang lại thông tin chi tiết về khả năng trả nợ hoặc quản lý tín dụng của doanh nghiệp, ngay cả khi thiếu hồ sơ tài chính truyền thống”, ông Minh nói với Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance.
Bên cạnh đó, các công ty fintech cũng phân tích hành vi của SMEs dựa trên những yếu tố như mức độ tương tác của khách hàng, tần suất mua hàng, hoặc hoạt động kinh doanh lặp lại. Qua đó, các công ty fintech có thể đánh giá sự ổn định và tiềm năng tăng trưởng. Dữ liệu này đặc biệt hữu ích cho các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ, hoặc thị trường mới nổi.
Để giảm thiểu rủi ro, nhiều công ty fintech còn sử dụng các mô hình học máy cập nhật và cải tiến liên tục để đánh giá rủi ro tín dụng. Các mô hình này tận dụng lượng dữ liệu khổng lồ, giúp xác định sớm các dấu hiệu cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ và điều chỉnh hạn mức tín dụng một cách linh hoạt. Một số công ty cũng áp dụng cấu trúc cho vay theo từng cấp độ, bắt đầu với số tiền vay nhỏ hoặc thời hạn ngắn và dần tăng mức hỗ trợ khi doanh nghiệp thể hiện khả năng trả nợ đáng tin cậy.
Mặc dù mang lại nhiều lợi ích song theo TS Nguyễn Nhật Minh, SMEs vẫn có thể đối mặt với một số rủi ro khi vay vốn tại các công ty fintech, như an ninh dữ liệu. Các công ty fintech xử lý dữ liệu tài chính nhạy cảm – có thể trở thành mục tiêu hàng đầu của các mối đe dọa mạng, dẫn đến tổn thất tài chính và tổn hại danh tiếng của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, khung pháp lý liên quan đến fintech vẫn chưa được hoàn thiện, dẫn đến rủi ro cho doanh nghiệp nếu vô tình sử dụng các sản phẩm không phù hợp với quy định hiện hành. Điều này kéo theo các vấn đề pháp lý nếu quy định thay đổi hoặc trở nên khắt khe hơn.
Nhiều nền tảng fintech cung cấp quyền truy cập tín dụng nhanh và dễ dàng, điều này có thể thu hút các doanh nghiệp nhỏ gặp vấn đề về dòng tiền. Tuy nhiên, việc dễ dàng tiếp cận tín dụng này cũng có thể dẫn đến nguy cơ vay quá mức. Với quy trình phê duyệt đơn giản, SMEs có thể vay nhiều hơn khả năng họ có thể quản lý bền vững, gia tăng nguy cơ rơi vào vòng xoáy nợ, đe dọa sự ổn định lâu dài.
Ngoài ra, một số sản phẩm fintech có các khoản phí ẩn hoặc điều khoản phức tạp, chẳng hạn như phí giao dịch, phạt trả nợ trước hạn, hoặc lãi suất thay đổi, có thể tăng lên một cách bất ngờ và gây căng thẳng cho dòng tiền của doanh nghiệp.
Ở chiều ngược lại, các công ty fintech cũng phải đối mặt với không ít rủi ro khi cung cấp vốn cho SMEs. Chẳng hạn như quy định pháp lý dành cho lĩnh vực fintech vẫn còn rất thiếu sót và chưa đồng bộ. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều công ty fintech hoạt động trong một môi trường pháp lý mơ hồ, "vừa làm, vừa lo".
Sự thiếu vắng một khung pháp lý chặt chẽ cũng tạo ra khoảng trống lớn trong việc bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia. Trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp fintech phải đối mặt với tình trạng bùng nợ khi khách hàng vay vốn không có ý định hoàn trả. Không chỉ gây tổn thất về tài chính, tình trạng này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hoạt động của chính các công ty fintech.
Theo nhận định của các chuyên gia, Chính phủ nên sớm ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động fintech (Sandbox) trong lĩnh vực ngân hàng, nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nhân danh fintech, bảo vệ lợi ích của cả người cung ứng lẫn người sử dụng dịch vụ. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần phát triển các quy trình thu hồi nợ, giúp giảm thiểu tổn thất cho các công ty fintech.
(VNF) - Dự án khu phức hợp thương mại, văn phòng, nhà ở cao cấp tại lô đất K8HH1 thuộc khu đô thị Starlake dự kiến sẽ bổ sung lượng nguồn cung lớn cho thị trường Hà Nội trong năm 2025.