Reuters cho biết Foxconn sẽ bỏ ra 10 tỷ USD trong 4 năm tới để xây dựng một nhà máy "có thể tạo ra 13.000 công việc mới cho bang Wisconsin". Trước đó có đến 7 bang tại Mỹ cạnh tranh nhau để thu hút kế hoạch đầu tư trên của Foxconn.
"Đây sẽ là sự khởi đầu cho một loạt các đầu tư của Foxconn trong dây chuyền sản xuất tại Mỹ trong những năm tới", Foxconn tuyên bố.
Tổng thống Donald Trump đã ca ngợi Terry Gou - Chủ tịch Foxconn tại một sự kiện của Nhà Trắng và khẳng định: "Nếu tôi không được bầu làm Tổng thống, ông ấy chắc chắn sẽ không chi 10 tỷ USD ... Đây là một ngày tuyệt vời đối với nước Mỹ".
Thống đốc bang Wisconsin, ông Scott Walker cho biết bang sẽ dành ra 3 tỷ USD gọi là tiền khích lệ dành cho Foxconn và sẽ ký một bản ghi nhớ về việc đầu tư trong ngày 27/7.
Thông tin trên được Foxconn đưa ra sau khi tạp chí Wall Street Journals, số ra ngày 25/7 dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết tập đoàn công nghệ Apple cam kết mở rộng quy mô sản xuất tại thị trường nội địa với dự án xây dựng 3 nhà máy mới.
Tổng thống Donald Trump cho biết Giám đốc điều hành Apple Tim Cook đã cam kết xây dựng "3 nhà máy lớn" tại Mỹ. Tuy nhiên, thông tin chi tiết liên quan đến dự án này vẫn chưa được tiết lộ và Apple chưa có bất cứ bình luận nào trước thông tin trên.
Năm 2013, Foxconn từng tuyên bố đầu tư 30 triệu USD và thuê 500 công nhân cho một nhà máy mới ở Pennsylvania. Tuy nhiên nhà máy này chưa bao giờ hoàn thành.
Trước đó, tháng 5/2017, ông Tim Cook thông báo thành lập một quỹ Apple trị giá 1 tỷ USD khuyến khích nhân công Mỹ tham gia lực lượng sản xuất dây truyền công nghệ cao. Năm ngoái, Apple đã chi 50 tỷ USD thâu tóm các nhà cung cấp linh kiện như Corning Glass cũng như đẩy mạnh hợp tác với các nhà phát triển phụ trách việc cung cấp ứng dụng cho các thiết bị của Apple.
Với quy mô hoạt động hiện nay, Apple đã tuyển dụng 80.000 nhân công tại Mỹ và hãng có kế hoạch thuê thêm hàng nghìn nhân công trong tương lai. Điều này phù hợp với chính sách thúc đẩy kinh tế mà Tổng thống Mỹ theo đuổi.
Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Donald Trump tuyên bố sẽ tìm mọi cách buộc Apple - thương hiệu thành công của Mỹ với dòng sản phẩm công nghệ hiện đại và được ưa chuộng trên toàn thế giới, đưa quy trình sản xuất trở lại trên đất Mỹ.
Tuy nhiên, giới phân tích lâu nay vẫn cho rằng Apple sẽ tiếp tục vận hành các nhà máy sản xuất tại nước ngoài để đảm bảo lợi nhuận của hãng, thay vì chuyển về trong nước như các hãng sản xuất xe ô tô của Mỹ để cắt giảm chi phí.
Trên thực tế, các yếu tố chi phối lợi nhuận của hãng như linh kiện, nhân công giả rẻ, thị trường tiêu thụ mạnh đều tập trung ở châu Á.
Sau tuyên bố của Foxconn, Nhà Trắng cũng nhanh chóng nhấn mạnh tầm ảnh hưởng và sự tham gia của Tổng thống Donald Trump trong việc hình thành thỏa thuận trên.
"Điều khiến họ thực hiện cam kết này là chính sách của chính quyền tổng thống Trump với nguyên tắc "Mua hàng Mỹ". Tổng thống đã gặp Chủ tịch Foxconn để thảo luận về vấn đề này", Nhà Trắng tuyên bố.
Tuy nhiên, theo Reuters, không phải tất cả các khoản đầu tư của Foxconn từng công bố đều mang lại nhiều việc làm mới.
Năm 2013, Foxconn từng tuyên bố đầu tư 30 triệu USD và thuê 500 công nhân cho một nhà máy mới ở Pennsylvania. Tuy nhiên nhà máy này chưa bao giờ hoàn thành.