(VNF) - Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đang xây dựng Bộ chỉ số FTA Index. Đây là bộ chỉ số đo lường mức độ thực thi, tận dụng và hiệu quả các hiệp định FTA của các địa phương và bộ ngành.
Giúp cho các doanh nghiệp tận dụng FTA hơn nữa
Đến nay, cơ quan chuyên ngành của Bộ Công Thương đã phối hợp với Trường Đại học Ngoại thương xây dựng bảng câu hỏi điều tra cho doanh nghiệp tại các địa phương, phương pháp điều tra và phương pháp tính toán Bộ chỉ số FTA Index năm 2024.
Trong đó, dự kiến đối tượng điều tra gồm 4.000 doanh nghiệp thuộc 63 tỉnh, thành phố có hoạt động xuất khẩu hàng hóa hoặc nhập khẩu hàng hóa, thuộc một số ngành kinh tế trực tiếp liên quan đến tận dụng các FTA.
Có 4 nội dung khảo sát, bao gồm: tiếp cận thông tin về các FTA; thực hiện quy định pháp luật, đánh giá các vướng mắc trong quá trình tuân thủ pháp luật thực hiện các FTA; việc triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội của các FTA; thực hiện các cam kết về phát triển bền vững.
PGS-TS Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thươngcho biết: “Việc xây dựng các chỉ số đánh giá FTA sẽ được thực hiện thông qua hoạt động khảo sát, thu thập dữ liệu sơ cấp doanh nghiệp thuộc cả khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước tại địa phương, thu thập dữ liệu thứ cấp từ nguồn thông tin đáng tin cậy từ trong và ngoài nước, phân tích, xây dựng và kiểm định mô hình tính toán Bộ chỉ số, đánh giá và đưa ra giải pháp thúc đẩy việc thực thi FTA tại từng địa phương thông qua Bộ chỉ số của địa phương đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập, xử lý dữ liệu vừa trực tuyến vừa trực tiếp”.
Đánh giá việc tham gia FTA, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết việc tham gia các FTA đã mang lại cho Việt Nam những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu.
“Việc thực hiện các cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới với tiêu chuẩn cao cũng dần tạo ra những động lực đổi mới trong nước, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân”, ông nói.
Nếu tất cả 63 tỉnh, thành đều quan tâm đến việc thực hiện các FTA, đều quan tâm và trăn trở làm thế nào để giúp cho các doanh nghiệp tận dụng FTA hơn nữa chắc chắn kết quả sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn, giống như những kết quả chúng ta đã đạt được từ khi có chỉ số PCI, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên nhấn mạnh.
"Chúng tôi hy vọng, với tư duy tương tự như PCI thì FTA Index giúp các tỉnh quan tâm hơn, chú trọng nhiều hơn đến việc tận dụng hiệu quả các FTA và đó là những định hướng lớn mà Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ", ông Ngô Chung Khanh chia sẻ thêm.
FTA Index: Mô hình chưa có tiền lệ trên thế giới
Song, PGS-TS Đào Ngọc Tiến thừa nhận, “Đây là mô hình mới, chưa có tiền lệ trên thế giới, vì vậy, trong quá trình thực hiện, phải tự tìm hiểu, nghiên cứu và thử nghiệm chứ không có mô hình cụ thể để tham khảo”, ông Tiến cho hay.
Nhận định về tình hình, ông Ngô Chung Khanh cho biết: “Thời gian qua, công tác dự báo, sự quan tâm và đánh giá đúng mức phạm vi tác động của hội nhập và thực thi FTA còn nhiều hạn chế, chưa có tính hệ thống và kịp thời. Nhiều địa phương chưa thực sự chủ động vào cuộc trong việc xây dựng định hướng, chiến lược tận dụng FTA cho các doanh nghiệp tại địa phương mình”.
Để xây dựng Bộ chỉ số FTA Index năm 2024, các chuyên gia cũng thảo luận nhiều về các vấn đề về đối tượng, nội dung khảo sát, phương pháp thu thập, quy trình xử lý thông tin, tổng hợp kết quả điều tra,…
TS Võ Trí Thành nhận định: “Việt Nam tham gia vào các FTA với 5 mục đích lớn, trong đó có đẩy mạnh thương mại, thu hút đầu tư trong đó có FDI, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và cải cách thể chế. Chúng ta phải xác định được hàm ý quan trọng, mục đích để của việc xây dựng bộ chỉ số FTA Index, từ đó mới đưa ra được những nội dung khảo sát chính xác nhất. Ngoài ra, bộ chỉ số này cũng phải có sự tương thích với các bộ chỉ số khác”.
Bên cạnh đó, TS Võ Trí Thành cũng cho rằng nên khảo sát, trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp để từ đó tìm ra những điều cần sửa đổi, điều chỉnh cũng như hạn chế các câu hỏi mở đối với doanh nghiệp. “Đây là điều rất quan trọng vì nó tác động trực tiếp lên kết quả điều tra và thông tin.
Ngoài ra, ESG, xanh, số đang là xu hướng hiện nay nên chúng ta có thể cân nhắc đặt thêm các câu hỏi về ESG cho các doanh nghiệp”, ông Thành kiến nghị.
Theo kế hoạch, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai thủ tục, quy trình phê duyệt phương án điều tra, bảng hỏi và phương pháp tính chỉ số FTA; xây dựng hệ thống phần mềm xử lý điều tra; hạ tầng công nghệ thông tin; kiểm tra, giám sát công tác điều tra thu thập thông tin tại các địa phương; công bố kết quả điều tra và lưu giữ toàn bộ phiếu thu thập thông tin gốc, dữ liệu điều tra trong thời gian từ tháng 10 – 11/2024. Dự kiến, cuối tháng 12/2024, Bộ Công Thương sẽ công bố kết quả FTA Index.
Việc nghiên cứu triển khai xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực thi các FTA của các địa phương đã được Bộ Công Thương đề xuất tại Báo cáo kết quả triển khai Hiệp định CPTPP của các Bộ, ngành và địa phương năm 2019 tại công văn 696/BCT-ĐB ngày 5/2/2020.
Kể từ năm 2023 trở đi, việc điều tra để thu thập dữ liệu sơ cấp làm cơ sở để đánh giá và tính toán Bộ chỉ số FTA Index được tiến hành hàng năm. Trong đó, vào mỗi năm, Bộ Công Thương sẽ đánh giá, điều chỉnh các kết quả đã đạt được trong năm trước đó cùng với các phản hồi của các Bộ, ngành có liên quan, các địa phương, các chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực để đưa ra và thí điểm những điều chỉnh cần thiết nhằm hoàn thiện hơn Bộ chỉ số này.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.