FTSE Russell giữ Việt Nam ở nhóm theo dõi nâng hạng, đánh giá cao cam kết từ Chính phủ

Thanh Long - 29/09/2023 09:12 (GMT+7)

(VNF) - Mặc dù vẫn giữ Việt Nam trong nhóm theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging Market) nhưng FTSE Russell đánh giá cao cam kết thúc đẩy nâng hạng của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là về nỗ lực giải quyết vấn đề pre-funding (đảm bảo 100% vốn trước khi thực hiện giao dịch).

VNF
FTSE Russell giữ Việt Nam ở nhóm theo dõi nâng hạng, đánh giá cao cam kết từ Chính phủ

FTSE Russell mới đây đã công bố kết quả xếp hạng thị trường tháng 9/2023, theo đó, TTCK Việt Nam tiếp tục nằm trong nhóm theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging Market). Hiện TTCK Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thị trường cận biên (Frontier Market).

FTSE Russell nhấn mạnh Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí “Chu kỳ thanh toán (DvP)" – vốn đang ở được xếp ở mức “hạn chế” (Restricted). Đó là do thông lệ thị trường về việc kiểm tra trước giao dịch, theo đó phải đảm bảo có vốn trước khi thực hiện giao dịch (pre-funding). Thị trường cũng chưa gặp phải các giao dịch thất bại nào, do đó mục “thanh toán – chi phí liên quan tới giao dịch thất bại” chưa được đánh giá (unrated).

Tổ chức này cho biết: “Mặc dù kế hoạch cải tổ thị trường vẫn tiến triển chậm nhưng các quan chức cấp cao của Chính phủ Việt Nam đã thể hiện cam kết đẩy mạnh quá trình nâng hạng. Bên cạnh đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cũng tích cực tìm kiếm các giải pháp về vấn đề pre-funding”.

FTSE Russell cho rằng Việt Nam cần phải cải thiện quá trình đăng ký tài khoản mới và đưa ra một cơ chế hiệu quả để tạo điều kiện cho hoạt động giao dịch giữa các nhà đầu tư nước ngoài ở các cổ phiếu đã hết hoặc sắp hết giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại).

Trong báo cáo nhận định về tiến trình nậng hạng TTCK Việt Nam công bố gần đây, SSI cho hay một trong những hạn chế lớn nhất của Việt Nam chính là việc quy định phải có tiền trước khi giao dịch (prefunding). Theo SSI, việc thỏa mãn yếu tố này (hoặc có thể ít nhất thực hiện giao dịch ký quỹ cho các nhà đầu tư nước ngoài) nên được được áp dụng sớm hơn so với việc nới sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, tuy nhiên cần nhìn nhận là cả hai chính sách/biện pháp này tốt nhất cần được phối hợp cùng nhau để đưa lại hiệu quả tối đa của quá trình đón nhận dòng vốn từ nước ngoài vào.

Để có thể làm được điều này, việc vận hành hệ thống KRX là điều kiện cần và sự xuất hiện của cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) là điều kiện đủ để các giao dịch này được thực hiện và kiểm soát rủi ro về mặt thanh toán, trong trường hợp giao dịch không được thực hiện. Việc vận hành có hiệu quả của cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm CCP cần sự tham gia nỗ lực từ các bên trong đó, về phía các cơ quan quản lý có Ngân hàng Nhà Nước, Bộ Tài chính hay Ủy Ban Chứng khoán, các Luật liên quan cần phải sửa đổi như Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp.

Đối với vấn đề về sở hữu nước ngoài, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định 60/2015 cho phép nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% đối với các doanh nghiệp không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, số lượng cổ phiếu chính thức nới room vẫn khá khiêm tốn, một phần do bị hạn chế bởi các quy định từ các luật liên quan, một phần do không nhận được sự đồng tình của cổ đông về việc nới room.

Một lựa chọn khác là đề xuất áp dụng NVDR (chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết) tương tự như mô hình ở Thái Lan. Tuy nhiên, hiện nay cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng do cơ cấu sở hữu doanh nghiệp có thể bị thay đổi và lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần được chuẩn bị kiến thức một cách đầy đủ và cẩn thận để có thể hiểu và áp dụng các thay đổi này mà không bị lúng túng.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.