Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Giá vàng trong nước và thế giới đều tăng cao kỷ lục
Giá vàng trong nước và thế giới những phiên giao dịch gần đây tăng mạnh, hướng tới mốc cao nhất mọi thời đại.
Trên thị trường thế giới, theo Kitco, vào lúc 5h57' ngày 9/3 (giờ Việt Nam), kim loại quý thế giới tăng lên 2.178,6 USD/ounce. Hiện giá vàng quốc tế lên mức cao nhất trong vài tháng trở lại đây và lập đỉnh cao nhất mọi thời dại.
Ở thị trường trong nước, giá vàng cũng tăng mạnh và đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Thị trường vàng đang chứng kiến diễn biến chưa từng có khi giá vàng liên tục “đổ xô” các mốc kỷ lục chỉ trong thời gian ngắn, không chỉ với vàng miếng mà cả vàng nhẫn. Chỉ trong vòng 1 tuần, giá vàng trong nước liên tục lập kỷ lục mới.
Kết phiên 8/3, giá vàng miếng SJC đã đạt đỉnh cao nhất mọi thời đại ở mức 79,9 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 81,92 triệu đồng/lượng ở chiều chiều bán.
Giá vàng nhẫn khoảng 2 tuần nay gần như mỗi phiên lại tăng lên một mức kỷ lục mới và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Chốt phiên 8/3, giá vàng nhẫn trơn tại Bảo Tín Minh Châu đã đạt mức giá 68,58 triệu đồng ở chiều mua vào và 69,78 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Tính từ đầu năm, giá vàng miếng SJC tăng 6,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và tăng 7,4 triệu đồng/lượng chiều mua vào. So với cùng kỳ năm 2023, mỗi lượng vàng miếng SJC đã tăng 14 triệu đồng chiều bán ra và tăng 13 triệu đồng chiều mua vào. Giá vàng nhẫn cũng tăng 12 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 13 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Nhiều người lao vào “đu đỉnh” giá vàng, bất chấp cảnh báo của chuyên gia về rủi ro cơn sóng vàng này.
Trên các phố vàng ở Hà Nội như Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng), Cầu Giấy..., khoảng 2 tuần nay, nhiều cửa hàng vàng tấp nập khách mua bán. Thậm chí có cửa hàng thông báo khách mua vàng nhẫn với số lượng trên 4 lượng, sau gần 1 tháng mới lấy được vàng.
Nói về việc mua vàng trong bối cảnh giá cao như hiện nay, nhiều người cho biết mua vàng để tích trữ nên dù giá cao vẫn mua vì cảm giác cầm vàng yên tâm hơn.
Nhiều người thấy vàng thế giới tăng liên tiếp nên tin giá vàng trong nước sẽ tăng theo. Họ mua vào và chỉ chờ sóng lên tiếp rồi bán ra.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, giai đoạn này, đầu tư vàng vẫn rủi ro.
Trong lịch sử, cơn sóng vàng diễn ra cách đây hơn 10 năm trước khi có Nghị định 24 về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) độc quyền vàng miếng SJC và nhập khẩu vàng. Giá vàng tăng liên tục và người dân lao vào “đu đỉnh” mua vào bất chấp cảnh báo. Sau đó, không ít người khóc ròng khi giá vàng sau đó lao dốc.
Thị trường vàng hiện nay đang lập lại tương tự khi từ đầu năm đến nay, cả giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn đều liên tục lập đỉnh kéo theo các loại vàng khác như vàng trang sức, vàng nhẫn tròn trơn tăng theo.
Giá vàng tăng cao do đâu?
Theo giới phân tích, cả yếu tố trong nước và thế giới đang hỗ trợ giá vàng trong nước lập đỉnh.
Những yếu tố đẩy vàng tăng giá bao gồm bất ổn địa chính trị ở nhiều khu vực trên thế giới, khả năng đồng USD suy yếu và triển vọng các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất.
Ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc Khối Tài chính cá nhân FIDT - cho rằng vàng không thể giảm giá trong năm nay. Ông Huấn nhận định Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chưa hạ lãi suất thì cơ hội để vàng tăng giá vẫn còn.
Hơn nữa, nhu cầu vàng lớn từ Trung Quốc và Ấn Độ đang giúp giá vàng tăng một cách vững chắc. Không chỉ có những người lớn tuổi, thế hệ trẻ tại Trung Quốc cũng đầu tư vào vàng.
Tại thị trường trong nước, tỷ giá USD/VND đang trong đà tăng mạnh vài tuần gần đây. Trong khi giá vàng thường được tính theo giá USD, việc tỷ giá tăng cao đẩy giá vàng tăng theo."
Cùng với đó, nhu cầu đầu tư vàng để bảo toàn giá trị tài sản, đầu tư sinh lời của người dân đang thực sự tăng cao. Nhiều người chuyển sang các sản phẩm đa dạng hơn khi không chỉ mua vàng miếng SJC mà còn lựa chọn các sản phẩm vàng nhẫn, vàng thương hiệu của các doanh nghiệp uy tín. Điều này dẫn đến giá miếng SJC và vàng nhẫn đua nhau lập kỷ lục.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, lãi suất huy động ngân hàng thấp, kinh doanh bất động sản còn khó khăn nên một số nhà đầu tư đổ tiền vào kinh doanh vàng. Chính tâm lý “đám đông” khiến giá vàng tăng cao. Chưa kể, với tính chất phòng thủ, vàng vẫn được coi là lựa chọn an toàn cho người dân và nhà đầu tư trong bối cảnh xung đột tại Trung Đông kéo dài.
Ông cho biết thêm, nguồn cung và cầu của vàng SJC hiện lệch nhau, trong đó, cầu nhiều nhưng cung hạn chế. Các ngân hàng mua đi bán lại các lượng vàng SJC đang có trên thị trường trong khi nhiều người dân đang mong muốn giữ vàng. Lượng bán vàng ít nên giá tăng là đương nhiên.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, cho rằng việc giá vàng trong nước tăng ngoài nguyên do giá thế giới đi lên còn có yếu tố khan hiếm. Khi chưa có biện pháp can thiệp thị trường nào từ NHNN, giá vàng SJC sẽ có mức chênh lệch ngày càng cao so với giá thế giới.
Ông Khánh nhận định, nếu NHNN sửa Nghị định 24 theo hướng tăng nguồn cung, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, giá vàng SJC có thể sẽ giảm cả chục triệu đồng, xuống mức 70 triệu đồng/lượng. Còn nếu không tăng nguồn cung, giá vàng SJC có thể tăng lên mức 85 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, chuyên gia vàng Trần Duy Phương khuyên nhà đầu tư thời điểm này không nên mua vào. Đối với những người mua trước đây nên xem xét bán chốt lời. Nếu muốn mua thì chờ đến tháng 4-5, khi giá vàng được điều chỉnh lại sẽ có giá tốt.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nhà đầu tư không nên giữ vàng miếng SJC do sắp tới Chính phủ có thể điều chỉnh Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng.
So về chất lượng, vàng miếng SJC về cơ bản cũng không khác biệt với vàng nhẫn. Vì thế, nếu có nhu cầu mua vàng đầu tư thời điểm này, nhà đầu tư nên lựa chọn vàng nhẫn, bởi so với giá vàng SJC, giá vàng nhẫn mềm hơn; giá vàng nhẫn trong nước bám sát giá vàng thế giới, biên độ giao dịch tương đối ổn định nên giảm thiểu được mức độ rủi ro.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.