Giá vàng lên đỉnh, các nước tăng mua vào, hơn 1.100 tấn vào kho dự trữ

Bích Thủy - 25/03/2023 14:29 (GMT+7)

(VNF) - Trong tuần này, giá vàng tăng vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce và chạm mức cao nhất 1 năm. Xu hướng mua vàng đang diễn ra trong lúc những bất ổn hệ thống tài chính chưa được giải quyết ổn thỏa.

VNF
Khủng hoảng ngân hàng đang đẩy giá vàng lên đỉnh, các ngân hàng trung ương vẫn mua vào (ảnh minh họa)

Ngày cuối tuần 25/3, giá vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 66,6- 67,3 triệu đồng/lượng, giữ nguyên ở chiều mua vào và giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối tuần trước.

Hiện nay chênh lệch giá mua- bán đang đứng ở mức 700.000 đồng/lượng, giảm 200.000 đồng so với các tuần trước.

Giá vàng thế giới hôm nay 25/3 cũng đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, sau khi vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce, giá vàng đã giảm trở lại với mức 1.978,7 USD/ounce, giảm 11 USD/ounce so với cuối giá tuần trước.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại ngày 25/3 mua bán quanh mức  54,8- 55,85 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng so với cuối tuần trước. Đáng chú ý, chênh lệch mua- bán vàng trang sức cũng được điều chỉnh lên hơn 1 triệu đồng/lượng so với mức 900.000 đồng/lượng các tuần trước.

Giá vàng thế giới đã trải qua 2 tuần biến động mạnh sau vụ khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và châu Âu. Sau khi vọt lên trên mức 2.000 USD/ounce, giá vàng đã lùi về dưới mức 2.000 USD/ounce và liên tục trồi sụt. Điều này đã tác động đến giá vàng trong nước, nhất là vàng trang sức đã có nhiều phiên tăng giảm đột ngột theo sát giá thế giới. Trong khi đó giá vàng miếng SJC có vẻ ổn định do đã có khoảng chênh khá cao so với vàng thế giới.

Trong tuần, có lúc vàng trang sức rẻ hơn vàng thế giới 600.000- 700.000 đồng/lượng, sau đó được điều chỉnh trở về mức giá vàng trang sức cao hơn già thế giới khoảng 1 triệu đồng/lượng Hiện khoảng cách chênh lệch giữa vàng thế giới và vàng miếng SJC đã thu hẹp. Giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá thấp hơn giá vàng SJC gần 11 triệu đồng/lượng.

Tuy cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Thụy Sỹ đã được dập tắt khi Ngân hàng UBS đã mua Tập đoàn Credit Suisse, nhưng giới đầu tư tại châu Âu vẫn dấy lên lo ngại khủng hoảng tài chính có thể xảy ra. Phản ứng thông tin này, đồng euro và bảng Anh đã bị bán tháo, giúp đồng USD đảo chiều tăng giá rất mạnh. Giá vàng vì thế rơi vào thế bất lợi.

Mặt khác, sau khi vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce, giới kinh doanh đã có động thái bán ra khiến giá vàng cuối tuần rớt mạnh. Diễn biến trên thị trường cho thấy trong ngày 24/3, giá vàng thế giới có lúc xuống còn 1.985 USD/ounce nhưng sau đó lại lao lên 2.004 USD/ounce lúc 21 giờ. Lập tức, giới đầu cơ vàng liền bán ra thu về lợi nhuận.

Đến đầu ngày 25/3, giá vàng hôm nay của thế giới giảm mạnh 21 USD xuống còn 1.978,7 USD/ounce rồi đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần tại mức giá này.

Giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.978,2 USD/ounce. Giá vàng giao tương lai tháng 6 trên sàn Comex New York ở mức 2.001,7 USD/ounce.

Theo chuyên gia về tiền tệ tại Forexlive, giá vàng có mức tăng tốt trong 2 tuần qua do nhu cầu trú ẩn an toàn. Khủng hoảng ngân hàng toàn cầu đã đẩy giá lên mức cao nhất trong 1 năm là 2.000 USD/ounce. Giá vàng thế giới giữ đà tăng và neo ở mức trên 1.990 USD/ounce sau khi loạt ngân hàng trung ương tại châu Âu tăng lãi suất.

Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tăng lãi suất cơ bản đồng bảng Anh (GBP) 0,25% so với trước đó, lên mức lên 4,25%. Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) tăng 0,5% lên mức 1,5%, bất chấp những biến động trong hoạt động ngân hàng mấy tuần gần đây. Bên cạnh đó Ngân hàng Trung ương Na Uy cũng tăng thêm 0,25% lãi suất điều hành.

Nguyên nhân chính khiến các ngân hàng trung ương ở khu vực châu Âu tiếp tục tăng lãi suất điều hành, bất chấp những biến động xấu từ hệ thống ngân hàng là do lạm phát tiếp tục tăng mạnh.

Theo các ngân hàng, nếu lạm phát còn tăng thì họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Với thời gian lạm phát kéo dài, nhiều doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm nhân công bởi hàng hóa tồn kho nhiều. Điều này sẽ đẩy các nền kinh tế rơi suy thoái.

Do đó, vàng đã tiếp tục tỏa sáng và có khả năng thiết lập mức giá cao kỷ lục trong thời gian không xa nữa.

Một trong yếu tố thúc đẩy giá vàng tăng mạnh là lực cầu mạnh của các quỹ ETF vàng. Theo dữ liệu của Bloomberg, các quỹ này vừa mua 300.000 ounce vàng (hơn 360.000 lượng vàng). Nga đã mua một triệu ounce (31 tấn) vàng sau chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Tính đến tháng 3/2023, ngân hàng trung ương Nga nắm giữ 74,9 triệu once vàng, trị giá 135,6 tỷ USD. Con số này nhiều hơn một triệu ounce so với 73,9 triệu ounce được báo cáo vào tháng 2/2022. Trong cùng khoảng thời gian một năm, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã mua hơn 100 tấn vàng .

Theo Hội đồng Vàng Thế giới, mua vàng là một xu hướng đang diễn ra. Năm 2022, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới mua 1.136 tấn vàng - con số kỷ lục.

 

Cùng chuyên mục
Tin khác