Giải ngân vốn đầu tư công: 'Vì sao cùng một cơ chế nhưng nơi làm tốt, nơi chưa?'

Kỳ Thư - 16/07/2024 12:55 (GMT+7)

(VNF) - Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu làm rõ tại sao cùng một cơ chế, chính sách, có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt.

Giải ngân 6 tháng đầu năm thấp hơn cùng kỳ

Báo cáo về tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tính đến ngày 10/7, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã giao chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 639,4 nghìn tỷ đồng, đạt 95,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Số vốn còn lại chưa phân bổ chi tiết là 29,9 nghìn tỷ đồng, bao gồm: vốn ngân sách trung ương là 8,2 nghìn tỷ đồng của 20/44 bộ, cơ quan trung ương và 21/63 địa phương; vốn ngân sách địa phương là 21,7 nghìn tỷ đồng của 23/63 địa phương.

Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Về giải ngân, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6 là 196,7 nghìn tỷ đồng, đạt 29,39% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cùng kỳ năm 2023 đạt 30,49%.

Có 11/44 bộ, cơ quan trung ương và 35/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước. Trong đó một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân cao là: Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng; Đài Truyền hình Việt Nam; Hội văn học nghệ thuật Việt Nam; Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Các địa phương: Nam Định; Thanh Hóa; Lào Cai; Phú Thọ; Bà Rịa Vũng Tàu; Tiền Giang.

Tỷ lệ giải ngân vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đạt 78,23% kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đạt 35,43%, cao hơn trung bình của cả nước (29,39%), cải thiện đáng kể so 6 tháng đầu năm 2023 (28,23%).

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, tỷ lệ giải ngân chung của cả nước 6 tháng đầu năm đạt 29,39%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (30,49%). Số lượng bộ, cơ quan trung ương, địa phương giải ngân dưới trung bình cả nước còn cao (33 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương). Một số bộ, địa phương có số vốn kế hoạch năm 2024 chiếm tỷ trọng lớn, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân thấp .

Tỷ lệ giải ngân vốn của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài còn thấp, đạt 12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước là 29,39%.

Ưu tiên cho tăng trưởng

Về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hiện nay đang ưu tiên cho tăng trưởng theo các kết luận của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Để làm được điều này thì cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng, trong đó có đầu tư, gồm đầu tư trong nước và ngoài nước, trực tiếp và gián tiếp, đầu tư công, đầu tư xã hội và người dân…

“Kết luận của Trung ương đã khẳng định lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội phục vụ cho phát triển”, Thủ tướng nêu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội thảo về đầu tư công.

Thủ tướng cho rằng đầu tư công có ý nghĩa quan trọng đối với triển khai đột phá chiến lược về hạ tầng, nhất là mục tiêu đến năm 2025 có 3.000km đường cao tốc, đến năm 2030 có 5.000 km đường cao tốc. Đầu tư tạo không gian phát triển mới, các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới và kích hoạt các hoạt động kinh tế - xã hội khác.

Thủ tướng chỉ rõ, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia. 5 tổ công tác của Thủ tướng và 26 tổ công tác của thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm tốt, Thủ tướng cho rằng những địa phương, cơ quan, lĩnh vực đạt kết quả tích cực, kết quả giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 so với yêu cầu đặt ra và số vốn được giao vẫn thấp.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận, đánh giá tình hình, những mặt tích cực, kết quả đạt được, những mặt chưa được, tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan, những vướng mắc, “điểm nghẽn”.

“Làm rõ tại sao cùng một cơ chế, chính sách, có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt; đúc kết những kinh nghiệm quý, bài học hay, xác định các giải pháp, nhiệm vụ để thúc đẩy đầu tư công năm 2024, phấn đấu giải ngân đạt trên 95% kế hoạch”, Thủ tướng nêu.

Thúc đẩy giải ngân đầu tư công, triển vọng cho doanh nghiệp xây dựng hạ tầng

Thúc đẩy giải ngân đầu tư công, triển vọng cho doanh nghiệp xây dựng hạ tầng

Bất động sản
(VNF) - Giải ngân đầu tư công được thúc đẩy, kỳ vọng sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tới nhiều ngành nghề, doanh nghiệp trong nền kinh tế như vật liệu xây dựng, xây dựng, bất động sản, logistics… trong đó, xây dựng hạ tầng được đánh giá là ngành triển vọng nhất.
Cùng chuyên mục
Tin khác