Giải pháp nào cho thị trường xăng dầu Việt Nam?

Thế Anh - 27/03/2022 08:14 (GMT+7)

(VNF) - Năng lượng đang là câu chuyện nổi bật, đi cùng đà hồi phục kinh tế sau dịch và trong quý I năm 2022. Sau khi tăng hơn 50% trong năm 2021, giá dầu thế giới liên tục xác lập đỉnh mới. Dù chưa hết quý I/2022 nhưng giá dầu đã vượt ngưỡng 100 USD/thùng. Điển hình ngày 8/3/2022, giá dầu Brent biển Bắc đứng ở mức 127,98 USD/thùng, còn giá dầu WTI đạt mức 123,7 USD/thùng. Tại Việt Nam, giá xăng dầu trong quý I đã tăng tới 6 lần, tăng cao nhất là ngày 11 /3/2022, đưa giá xăng dầu lập đỉnh cao mới

VNF
Chính phủ cũng cần giám sát kế hoạch hoạt động của các nhà máy khai thác và lọc dầu trong nước để có giải pháp kịp thời tránh gián đoạn các nguồn cung và nâng cao sản lượng xăng dầu trong nước.

Nuyên nhân dẫn đến giá xăng dầu tăng cao trước hết là thiếu nguồn cung. Đây có thể hiểu sự tăng trở lại bất ngờ của các nhu cầu khi nền kinh tế đang phục hồi trở lại sau đại dịch Covid-19 và chuyển sang trạng thái “thích ứng”. Đi kèm với sự phục hồi của nền kinh tế là nhu cầu năng lượng tăng cao hơn từ nhiều lĩnh vực. Một nguyên nhân khác của sự thiếu hụt nguồn cung dầu là Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất liên minh, gọi là OPEC+ không đạt mức hạn ngạch sản lượng hàng tháng của họ, liên minh các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu này không thể kiểm soát được sự biến động mạnh của giá dầu trên các thị trường quốc tế.

Nguyên nhân được lý giải là do đại dịch đã khiến một loạt các nước xuất khẩu dầu phải cắt giảm đầu tư. Tính toán cho thấy các nước xuất khẩu dầu phải đầu tư khoảng 600 tỷ USD/năm nếu muốn đáp ứng đủ nhu cầu của thế giới. Nhưng tổng đầu tư vào ngành công nghiệp dầu và khí đốt năm 2021 chỉ ở mức 341 tỷ USD. Việc Mỹ tuyên bố cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga đã khiến thị trường thế giới tiếp tục biến động mạnh theo hướng khan hiếm nguồn cung, tác động trực tiếp tới châu Âu, sau đó lan sang các khu vực khác trên thế giới.

Những căng thẳng chính trị thế giới cũng tác động đến thị trường dầu. Chiến tranh Nga – Ukraine đã khiến giá dầu tăng cao và lập đỉnh trong tháng 3 vừa qua cùng với các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ và phương Tây đối với Nga. Trong khi đó Nga là nước cung cấp năng lượng chính ở Tây Âu. Ngoài ra còn những biến động chính trị tại Trung Đông, Trung Á như tình hình tại Kazakhstan, Lybia, hay bế tắc trong vấn đề hạt nhân Iran cũng có thể làm giá dầu tăng cao.

Giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn và giá xăng dầu thế giới vì nguồn cung xăng dầu trong nước không đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Bên cạnh đó, do khó khăn về tài chính, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã giảm sản lượng làm cho nguồn cung xăng dầu trong nước bị suy giảm và gián đoạn. Theo Bộ Công Thương, nguồn cung xăng dầu trong nước đáp ứng đương 75% nhu cầu thị trường, còn lại 25% là nhập khẩu. 75% nhu cầu thị trường phụ thuộc chủ yếu vào các nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Dung Quất. Trong đó, Nghi Sơn chiếm gần 40% nguồn cung. Bởi thế, Nghi Sơn chỉ giảm công suất là thị trường xăng dầu trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Giá xăng dầu tăng không chỉ tác động làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Chỉ số CPI cao ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, họ sẽ cơ cấu, điều chỉnh và cắt giảm chi tiêu điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế. Điều này có thể làm ảnh hưởng tới một số chính sách của chương trình phụ hồi kinh tế tổng thể của Chính phủ.

Theo dự báo của các chuyên gia và các tổ chức kinh tế trên thế giới, giá xăng dầu tiếp tục tăng trong năm 2022. Để hạn chế những tác động của giá dầu thế giới tới nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ cần sự phối hợp của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để phân tích những yếu tố về giá và thuế để điều chỉnh các loại thuế có liên quan đến xăng dầu.

Cụ thể, mỗi lít xăng bán giá thị trường gánh gần 40% chi phí thuế. Bao gồm các loại thuế: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, và thuế giá trị gia tăng. Trong đó thuế bảo vệ môi trường có mức thu cao nhất, vì vậy sau khi thống nhất Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 31 để thông qua dự án nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu mỡ nhờn theo đề nghị của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nội dung cụ thể như sau: đề xuất giảm mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít.

Đồng thời, trong dự thảo, Bộ Tài chính đề nghị nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Đây được coi là giải pháp tối ưu nhất và áp dụng được nhanh nhất để giảm gánh nặng về giá xăng dầu cho doanh nghiệp và người dân tại thời điểm này. Chúng tôi hy vọng Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ sớm thông qua nội dung này theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Ngoài ra, một số nước như Hà Lan, Thái Lan, Hàn Quốc cũng đang áp dụng biện pháp giảm thuế tiêu thụ đặc biệt lên xăng dầu để kìm đà tăng sốc của giá xăng dầu trước biến động mạnh từ giá dầu thế giới. Do đó, sau khi được chấp thuận phương án giảm thuế môi trường, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương có thể nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ các phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để phù hợp với sự tăng giá dầu chung của thế giới và mục tiêu phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Đối với quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương tiếp tục dự báo diễn biến giá xăng dầu để đánh giá và phối hợp nhịp nhàng để sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu để từ đó có quyết định giá bán sao cho phù hợp với giá thế giới, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và người dân; ứng dụng công nghệ 4.0 để xây dựng mô hình dự báo giá xăng, dự báo xác định mức trích lập và chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu, như mô hình dự báo giá xăng dầu của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đang trong giai đoạn thử nghiệm và hoàn thiện.

Chính phủ cũng cần giám sát kế hoạch hoạt động của các nhà máy khai thác và lọc dầu trong nước để có giải pháp kịp thời tránh gián đoạn các nguồn cung và nâng cao sản lượng xăng dầu trong nước.

Trên thế giới rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đã thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm giá bằng các hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn ở vùng giá 65 - 70 USD/thùng. Điều này có nghĩa là dù giá dầu tăng đến 100 hay thậm chí 150 USD/thùng thì giá đầu vào của các doanh nghiệp này sẽ vẫn ở mức 65 - 70USD/thùng. Đây là giải pháp vô cùng hiệu quả khi mà giá dầu thế giới vẫn có dự báo tiếp tục tăng, do đó các doanh nghiệp Việt Nam và các tổ chức liên quan cần có cơ chế bảo hiểm giá cho doanh nghiệp xăng dầu để tránh được những cú sốc về giá và đưa chi phí này vào kết cấu hình thành giá cơ sở.

Đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng là xăng dầu thì nên rà soát định mức để tiết kiệm và giảm lượng tiêu thụ năng lượng đồng thời có thể nghiên cứu các năng lượng thay thế xăng dầu như chuyển xe chạy bằng xăng dầu sang dòng xe chạy bằng điện, sử dụng pin năng lượng mặt trời...

Cùng chuyên mục
Tin khác