(VNF) - Tính đến ngày 24/9/2019, huy động vốn của nền kinh tế tăng 9,03% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng 8,64% của dư nợ tín dụng. Các chuyên gia của SSI cho rằng nếu tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng huy động tốt, lãi suất huy động có khả năng sẽ giảm vào đầu năm 2020. Còn với năm 2019, lãi suất sẽ khó giảm bởi nhu cầu huy động vốn quý IV của các ngân hàng vẫn cao.
Theo bản tin thị trường tiền tệ tuần từ 30/9 đến 4/10/2019 vừa được Công ty Chứng khoán SSI công bố, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh kênh tín phiếu với 87.000 tỷ đồng được phát hành mới, trong khi có 69.000 tỷ đồng đến hạn. Kênh OMO không có giao dịch, số dư duy trì bằng 0.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 18.000 tỷ đồng trong tuần.
Việc Ngân hàng Nhà nước liên tục hút ròng và nhu cầu tăng dự trữ bắt buộc đầu tháng đã khiến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng trở về mức 2,3%/năm với kỳ hạn qua đêm, sau khi giảm thấp xuống dưới 2% vào ngày 30/9/2019.
Tuy nhiên, theo đánh giá của SSI, mức lãi suất này hiện vẫn thấp hơn lãi suất tín phiếu, do đó thanh khoản trên liên ngân hàng rất dồi dào, dự kiến lãi suất trên liên ngân hàng vẫn dao động ở mức thấp, quanh mức 2,5%/năm của lãi suất tín phiếu. C
Trong khi đó, lãi suất huy động trên thị trường 1 (thị trường tổ chức kinh tế và dân cư) vẫn duy trì ở mức 4,3-5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,5-7,5%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-8,1%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 24/9/2019, tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng 8,64% so với đầu năm, huy động vốn tăng 9,03% và tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 8,58%.
SSI cho hay thông thường, con số tăng trưởng thực tế cả 9 tháng sẽ cao hơn mức trên. Như năm 2018, số tăng trưởng tín dụng chốt quý III là 10,33% - cao hơn số công bố ngày 20/9/2018 tới 0,81%, chỉ trong 6 ngày làm việc cuối quý.
Tuy vậy, các chuyên gia của SSI cho rằng dù có đẩy mạnh giải ngân trong 3 ngày làm việc cuối tháng (tính từ 24/9/2019), dự tính con số tăng trưởng tín dụng 9 tháng 2019 cũng sẽ chỉ quanh 9% – là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm gần đây.
"Dư địa cho tăng trưởng tín dụng trong quý IV/2019 còn rất lớn và nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng thương mại sẽ vẫn ở mức cao khiến lãi suất khó giảm. Tuy nhiên, nếu duy trì được đà tăng trưởng huy động tốt như quý vừa qua, lãi suất huy động có khả năng sẽ giảm vào đầu năm 2020", SSI nhận định.
Về diễn biến tỷ giá, bất chấp chênh lệch lãi suất VND-USD trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh những tuần gần đây, tỷ giá vẫn đi ngang.
Cụ thể, tuần qua, tỷ giá giao dịch trên ngân hàng giảm 25 VND/USD ở chiều mua vào và tăng 5 VND/USD ở chiều bán ra, ở mức 23.155/23.265. Tỷ giá tự do giảm 5 VND/USD ở chiều mua vào và tăng 10 VND/USD ở chiều bán ra, ở mức 23.180/23.210.
So với thời điểm cuối năm 2018, tỷ giá USD/VND không tăng mà còn giảm 0,22%. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm hiện ở mức 23.159 – tăng 1,46% so với đầu năm.
Tỷ giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước cũng được tăng thêm 500 VND/USD (tương đương 2,2%) lên 23.200 ngay từ đầu năm 2019 và giữ nguyên cho đến nay, tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước mua vào được lượng lớn ngoại tệ, gia tăng dự trữ ngoại hối.
"Chúng tôi cho rằng, khi nguồn ngoại tệ dư thừa được hút bớt, tỷ giá cuối năm có thể sẽ nhích tăng, tiệm cận về tỷ giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước", SSI dự báo.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone