Giới thiệu nhân sự quy hoạch Trung ương khóa 14

Viết Tuân - 12/08/2023 14:17 (GMT+7)

Các cấp ủy, tổ chức Đảng ở Trung ương và tỉnh thành đang tổ chức hội nghị giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 14, nhiệm kỳ 2026-2031.

VNF

Ngày 11/8, Tỉnh ủy Bình Dương thống nhất chọn ông Võ Văn Minh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - người duy nhất đủ điều kiện, để giới thiệu quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Trong ngày 10/8, Đảng ủy khối các cơ quan trung ương và Bộ Quốc phòng cũng tổ chức hội nghị giới thiệu nhân sự quy hoạch Ủy viên Trung ương khóa 14. Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu bỏ phiếu giới thiệu Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Minh Thông vào danh sách quy hoạch.

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước giới thiệu hai Phó tổng kiểm toán là ông Doãn Anh Thơ và bà Hà Thị Mỹ Dung quy hoạch Ủy viên Trung ương; giới thiệu ông Bùi Quốc Dũng, Phó tổng kiểm toán Nhà nước quy hoạch Ủy viên dự khuyết. Ban Nội chính Trung ương, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài nguyên Môi trường, Công Thương và nhiều cơ quan trung ương khác cũng tổ chức hội nghị giới thiệu nhân sự.

Vĩnh Phúc giới thiệu ông Lê Duy Thành, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và ông Phạm Hoàng Anh, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; Quảng Ninh giới thiệu bà Trịnh Thị Minh Thanh, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy.

Đây là những cán bộ lần đầu được giới thiệu quy hoạch Ủy viên Trung ương. Ban Chấp hành Trung ương khóa 14 sẽ còn có các ủy viên đương nhiệm được giới thiệu tái cử.

Lãnh đạo Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng bỏ phiếu giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa 14, sáng 10/8. Ảnh: MOD

Xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ kế tiếp được thực hiện một lần vào năm thứ hai của nhiệm kỳ đại hội đảng, theo quy định của Bộ Chính trị. Hàng năm, các cơ quan sẽ rà soát, bổ sung một đến hai lần cho quy hoạch nhiệm kỳ hiện tại và nhiệm kỳ kế tiếp.

Bộ Chính trị quy định chỉ quy hoạch chức danh cao hơn. Mỗi chức danh lãnh đạo, quản lý, quy hoạch không quá ba cán bộ. Mỗi cán bộ quy hoạch không quá ba chức danh ở cùng cấp. Quy hoạch không được thực hiện đồng thời với đề xuất bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Diện được quy hoạch chức danh bí thư tỉnh, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc trung ương, Bộ trưởng và tương đương là các phó bí thư; Chủ tịch UBND, HĐND, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành; thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, cấp phó ban, bộ ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội, cơ quan đơn vị trung ương; tư lệnh, chính ủy cấp quân khu và tương đương.

Giải thích rõ hơn về quy định chỉ quy hoạch cán bộ vào chức danh cao hơn, Ban Tổ chức Trung ương cho biết nếu một người hiện là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025, sẽ được giới thiệu quy hoạch Phó bí thư hoặc Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2025-2030. Một người là Thứ trưởng sẽ được giới thiệu quy hoạch làm Bộ trưởng nhiệm kỳ tới hoặc chức danh khác cao hơn vị trí đang đảm nhiệm.

Tiêu chuẩn nhân sự được giới thiệu quy hoạch

Cán bộ được giới thiệu quy hoạch chức danh diện Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý phải đáp ứng tiêu chuẩn về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, có năng lực, uy tín, đủ sức khỏe; tốt nghiệp đại học, cử nhân hoặc cao cấp lý luận chính trị.

Người được giới thiệu quy hoạch Ủy viên Trung ương phải tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác; tích cực tham gia thảo luận, góp ý, hoạch định đường lối, chính sách và sự lãnh đạo của Trung ương; có năng lực tổ chức thực hiện và dự báo, xử lý tình huống đột xuất; có tố chất, năng lực lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược; có hoài bão, khát vọng đổi mới vì dân, vì nước.

Nếu như trước đây, Ủy viên Trung ương phải kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp dưới trực tiếp, quy định năm 2020 đã điều chỉnh là "hoàn thành tốt nhiệm vụ". Ủy viên dự khuyết Trung ương là cán bộ trẻ, có năng lực, triển vọng phát triển về tố chất lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược.

Cán bộ được quy hoạch nhiệm kỳ kế tiếp phải đủ tuổi công tác hai nhiệm kỳ trở lên, ít nhất trọn một nhiệm kỳ (60 tháng). Khi rà soát, bổ sung quy hoạch hàng năm cho nhiệm kỳ hiện tại, cán bộ đưa vào quy hoạch phải còn đủ tuổi công tác ít nhất 72 tháng. Bộ Chính trị sẽ phê duyệt quy hoạch các chức danh cấp ủy, lãnh đạo, quản lý với nhân sự là Ủy viên Trung ương chính thức và dự khuyết.

Lãnh đạo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bỏ phiếu giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa 14, ngày 8/8. Ảnh: Cổng thông tin tỉnh Vĩnh Phúc

 

Quy trình quy hoạch

Quy trình xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ kế tiếp từ nguồn nhân sự tại chỗ gồm 5 bước. Đó là xây dựng kế hoạch và chuẩn bị nguồn cán bộ; tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo lần một; hội nghị cán bộ chủ chốt lấy ý kiến bằng phiếu kín; hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng; hội nghị tập thể lãnh đạo lần hai.

Quy trình rà soát, bổ sung quy hoạch hằng năm đối với nguồn nhân sự tại chỗ gồm 4 bước: Hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 1); hội nghị cán bộ chủ chốt; hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng; hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 2). Quy trình rà soát, bổ sung đối với nguồn nhân sự từ nơi khác cũng gồm 4 bước: Chuẩn bị và xác định nguồn quy hoạch; hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 1); trao đổi với nhân sự và lấy ý kiến tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác; hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 2).

Nhân sự được giới thiệu phải đạt 50% phiếu của tổng số người được triệu tập tại hội nghị. Nếu có hai nhân sự bằng phiếu nhau, người đứng đầu sẽ quyết định lựa chọn. Kết quả sẽ được báo cáo lên cấp trên để báo cáo Ban Tổ chức Trung ương trình Bộ Chính trị xem xét, phê duyệt quy hoạch. Cán bộ quá tuổi quy hoạch hoặc bị kỷ luật từ khiển trách, không đảm bảo tiêu chuẩn chính trị sẽ bị đưa ra khỏi quy hoạch.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ hồi tháng 5, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa 14 nhiệm kỳ 2026-2031; chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội 14 của Đảng.

Năm 2004, Bộ Chính trị khóa 9 ra nghị quyết số 42 về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tháng 10/2012, Hội nghị trung ương lần 6 (khóa 11) đã thông qua đề án Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Gần đây nhất, khi xây dựng quy hoạch nhân sự khóa 13, các bộ ngành, địa phương đã giới thiệu gần 250 người lần đầu vào Trung ương. Trên cơ sở danh sách này và ủy viên Trung ương đương nhiệm được giới thiệu tái cử, Đại hội Đảng lần thứ 13 đầu năm 2021 đã bầu 200 ủy viên Trung ương chính thức và 20 ủy viên dự khuyết.

 

Theo vnexpress
Cùng chuyên mục
Tin khác