Giữ giá điện thấp quá lâu: Thị trường méo mó, DN không mặn mà đầu tư

Minh Sơn - 29/11/2022 15:37 (GMT+7)

(VNF) - Chuyên gia cho rằng giá điện phải ở một mức hài hòa giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nếu để giá thấp, nhiều nhà đầu tư phát triển hạ tầng điện sẽ không mặn mà đầu tư, lâu dài có thể dẫn đến thiếu điện.

VNF
EVN dự con số lỗ nặng trong năm 2022 lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Từ đầu 2022, do biến động giá của các loại nhiên liệu như than, dầu, khí... trên thế giới làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng rất cao.

Từ đầu năm, theo phê duyệt của Bộ Công Thương, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN có thể lỗ lên tới 64.805 tỷ đồng. Theo tính toán, tổng các khoản EVN đã tiết kiệm để giảm lỗ nêu trên đạt khoảng 33.445 tỷ đồng và tác động làm giảm chi phí sản xuất của EVN Nếu EVN tiếp tục khó khăn về tài chính như hiện tại, sẽ dẫn tới nguy cơ có rất nhiều hệ quả phát sinh trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Trước thực tế, các chuyên gia cho rằng, không chỉ EVN mà giá điện thấp sẽ khiến nhiều nhà đầu tư không mặn mà, có thể dẫn tới giảm đầu tư, thiếu điện, mất an ninh năng lượng.

Đầu vào tăng, giá bán đứng im

Chuyên gia Hà Đăng Sơn (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và Tăng trưởng xanh) cho rằng, Việt Nam đang chịu sức ép khá lớn khi nhắm đến mục tiêu đưa lượng phát thải về 0 vào năm 2050. Muốn đạt được điều đó thì phải có sự đầu tư rất lớn về hạ tầng năng lượng, trong đó có hạ tầng điện, đường dây chuyền tải...

Muốn tăng đầu tư thì phải thu hút các nhà đầu tư bằng một mức giá điện hấp dẫn, hợp lý. Dẫn chứng trong lĩnh việc điện mặt trời, các nhà đầu tư trông chờ vào cơ chế giá FIT trong một thời gian nhất định để yên tâm đầu tư.

"Để đầu tư lại phải có tiền và ai là người bỏ ra chi phí đó? Đó là câu hỏi cực kì khó, bởi giá điện cứ giữ như này thì chẳng tạo ra được bất kì một động lực cho bất kì một bên nào chơi cả", ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng nhấn mạnh, điện là một trong lĩnh vực đầu tư đặc thù, đầu tư lớn, trong thời gian rất dài. Có những dự án mà khối tư nhân không mặn mà, thì chính các doanh nghiệp quốc doanh lớn  phải trực tiếp triển khai. Tuy nhiên, việc giữ giá điện thấp quá lâu như vậy lại tạo ra rủi ro rất cao cho chính tập đoàn nhà việc trong việc mất uy tín về mặt tài chính, DN sẽ khó huy động được vốn để triển khai các dự án năng lượng lớn.

Doanh nghiệp Nhà nước khó triển khai các dự án lớn, còn doanh nghiệp tư nhân thì không mặn mà do không có nhiều lợi ích để phát triển nguồn. Vì thế, có thể dẫn đến tình trạng thiếu điện trong tương lai, dẫn đến nguy cơ mất an ninh năng lượng, ông Sơn phân tích.

"Quan trọng nhất phải có sự đồng thuận cơ quan quản lý để hiểu được câu chuyện rằng tại sao chúng ta phải tăng giá điện, tăng thì có những thiệt hại nhất định nhưng nó cũng có lợi ích gì. Chúng ta phải cân đối giữa các phương án khác nhau để lựa chọn phương án phù hợp nhất, người tiêu dùng chấp nhận được, nhưng cũng phải giúp cho các DN hay cụ thê như EVN sống được", ông Sơn nhấn mạnh.

Giá điện bị nén quá lâu

TS. Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính cho rằng, cùng với giá xăng dầu biến động, giá điện sẽ bị ảnh hưởng lớn. Xăng dầu là hàng hóa đầu vào của nhiều hoạt động sản xuất, có tác động dây chuyền đến hàng hóa hóa. Bên cạnh đó, giá than thế giới liên tục tăng thời gian đã tác động kép đến giá điện. Chi phí giá điện chịu nhiều tác động từ giá nhiên liệu.

"Đứng từ góc độ người tiêu dùng, không ai muốn tăng giá hàng hóa, nhất là những hàng hóa thiết yếu như điện, xăng dầu,... Thế nhưng, giá điện đã bị nén quá lâu, lần điều chỉnh tăng gần đây nhất vào tháng 3/2019, trong khi các chi phí đầu vào tăng chóng mặt", ông Long nói.

Theo ông Ngô Trí Long, hiện nay chúng ta chủ yêú kêu gọi DN tiết giảm chi phí để cân đối tài chính, giảm lỗ và giữa giá điện. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ là Chính phủ và Bộ Công Thương cần rà soát lại chi phí giá điện để có giải pháp phù hợp.

Một chuyên gia về năng lượng cho rằng, bài học xương máu từ việc điều hành giá xăng dầu thời gian qua cần được cơ quan chức năng rút kinh nghiệm trong việc điều tiết giá hàng hóa thiết yếu, có sức ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội. Nếu các chi phí cấu thành giá thành không được tính đúng, tính đủ, hợp lý sẽ khiến cho thị trường méo mó, doanh nghiệp không mặn mà kinh doanh.

Từ thực tế đối mặt khoản lỗ khổng lồ trong năm nay EVN lo ngại,, việc tiết giảm chi phí kéo dài sẽ dẫn đến những rủi ro nhất định. Trước hết là khó khăn trong việc không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện và do đó ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp điện.

Vấn đề thứ hai là trong vài năm gân đây, chi phí sửa chữa lớn đã phải cắt giảm chi phí theo định mức từ 10-30% và việc sửa chữa tài sản tiếp tục bị cắt giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến an toàn vận hành hệ thống điện các năm tới.

Thứ ba là khó khăn trong việc huy động vốn, cân đối nguồn vốn để đầu tư các dự án điện, sửa chữa bảo dưỡng các công trình điện để đảm bảo cung ứng điện.

Cùng chuyên mục
Tin khác