Giữa hàng loạt bê bối, Eximbank lãi đậm nhờ bán vốn tại Sacombank

Minh Minh - 31/08/2018 20:35 (GMT+7)

Eximbank đã không còn sở hữu chéo tại ngân hàng nào sau khi công bố thoái sạch vốn khỏi Sacombank.

VNF
Eximbank đã không còn sở hữu chéo tại ngân hàng nào sau khi công bố thoái sạch vốn khỏi Sacombank

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa có báo cáo gửi ủy ban Chứng khoán Nhà nước, giải trình về việc lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2018 tăng mạnh hơn 400 tỷ đồng so cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, thu nhập lãi thuần của ngân hàng tại quý II/2018 đạt hơn 1.504 tỷ đồng, tăng 9,6% so với quý II/2017. Tuy chi phí hoạt động cũng tăng tới 19% song nhờ khoản thu nhập từ góp vốn mua cổ phần trị giá hơn 521 tỷ đồng mà lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp tăng tới hơn 410 tỷ đồng.

Eximbank giải thích, lãi thuần tăng do ngân hàng đẩy mạnh cho vay khách hàng (dư nợ cho vay trung bình 6 tháng đầu năm 2018 tăng hơn 14%), đẩy mạnh thu hồi nợ, riêng thu lãi từ xử lý nợ xấu tăng hơn 50% so cùng kỳ năm trước.

Đối với khoản thu nhập bất thường trị giá hơn 521 tỷ đồng, ngân hàng cho biết đó là số tiền nhờ bán hết cổ phiếu đầu tư vào một tổ chức tín dụng.

Điều này thể hiện trên báo cáo tài chính bán niên đã kiểm toán của Eximbank, khoản mục đầu tư cổ phiếu của các TCTD khác đã niêm yết giảm từ gần 1.215 tỷ đồng (thời điểm cuối năm 2017) xuống 0 đồng vào giữa năm 2018.

Tuy báo cáo không cho biết Eximbank đã bán vốn tại đâu, song từ thông tin hiện ngân hàng không còn đầu tư vào tổ chức tín dụng nào đã niêm yết thì có thể đoán được rằng thương vụ bán vốn này tại Sacombank.

Trước đó, Eximbank đã thoái sạch vốn tại Sacombank, thời gian thực hiện từ ngày 29/11/2017 - 19/1/2018 qua phương thức khớp lệnh trên sàn. Giá bán bình quân của các cổ phiếu này là 14.064 đồng/cổ phiếu, giá cao nhất là 15.600 đồng và thấp nhất là 12.300 đồng.

Thu nhập từ thoái vốn đối với khoản đầu tư này đã đóng góp vào lợi nhuận tổng cộng gần 648 tỷ đồng, trong đó năm 2017 ghi nhận hơn 126 tỷ đồng vào lãi thuần và quý 1/2018 ghi nhận hơn 521 tỷ đông vào thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần.

Eximbank bắt đầu đầu tư vào cổ phiếu STB hồi năm 2012, và từng cử ông Phạm Hữu Phú sang đại diện vốn, trở thành chủ tịch của ngân hàng này trong 2 năm thời kỳ hậu Đặng Văn Thành, rồi lại quay về làm Tổng Giám đốc Eximbank và rời khỏi ngân hàng này năm 2016.

Trong năm 2018, ngân hàng này cũng dính nhiều bê bối dẫn đến phải đến tiền khách hàng, trong đó nổi bật nhất là vụ Phó Giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM – ông Lê Nguyễn Hưng chiếm đoạt 245 tỷ đồng (tiền gốc) tiết kiệm của khách hàng Chu Thị Bình rồi bỏ trốn.

Sau nhiều tranh cãi về mặt pháp lý, nhiều cuộc hòa giải, cuối cùng ngân hàng này đã tạm ứng đủ 245 tỷ đồng cho bà Chu Thị Bình vào ngày 18/8/2018.

Hiện cơ quan chức năng vẫn đang truy nã bị can Lê Nguyễn Hưng.

Trước khi xảy ra vụ việc mất tiền này, cổ phiếu EIB của Eximbank là một trong những cổ phiếu được săn đón nhiều nhất. Thế nhưng chỉ sau khi có thông tin bà Chu Thị Bình bị mất tiền vào ngày 28/2, ngay lập tức cổ phiếu EIB lao dốc, chỉ chưa đầy nửa tháng vốn hóa của nhà băng này "bốc hơi" hơn 2.400 tỷ đồng. 

Theo NĐT
Cùng chuyên mục
Tin khác