[Góc nhìn VNF] Đặng Lê Nguyên Vũ: Người vác đá trên vai

Thành Trung - 06/04/2019 16:24 (GMT+7)

(VNF) - Đặng Lê Nguyên Vũ chưa bao giờ ngừng thu hút sự chú ý của công luận, kể từ khi ông xuất hiện trên thương trường trong vai trò nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên. Bất chấp những ồn ào sau các phiên tòa vừa qua, ông chủ Trung Nguyên cần được đánh giá công bằng hơn bởi một lý do: đất nước cần thêm nhiều doanh nhân hừng hực khát vọng và ngùn ngụt lý tưởng như ông!

VNF
Đặng Lê Nguyên Vũ tại TAND TP. HCM chiều 27/3, ngày tuyên án vụ ly hôn.

Năm 1996, chàng trai học ngành Y, Đại học Tây Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ thành lập Công ty Trung Nguyên với số vốn ban đầu là chiếc xe đạp cà tàng, chính thức khởi nghiệp từ một xưởng rang xay cà phê nhỏ với máy móc thô sơ và nhân công ít ỏi. Tài sản quý giá nhất của Nguyên Vũ khi đó là niềm tin mãnh liệt và khát vọng làm giàu cháy bỏng.

Mười bốn năm sau, vào năm 2010 sản phẩm cà phê “Made by Trung Nguyên” được xuất khẩu đến hơn 60 nước như Mỹ, Canada, Nga, Anh, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, khối ASEAN… Năm 2011-2012, Trung Nguyên từng vươn lên dẫn đầu thị phần cà phê rang xay trong nước khi chiếm đến 80% thị phần và được người tiêu dùng bình chọn là thương hiệu được yêu thích nhất.

Có thể nói một cách chắc chắn rằng, nếu không có sự ngông cuồng và cá tính mạnh mẽ đến cực đoan của Đặng Lê Nguyên Vũ thì Việt Nam đã không có một Trung Nguyên đủ tự tin tiến vào nước Mỹ bằng những gói cà phê G7 3in1. 

90% thời gian lo việc “trên trời”

Quan sát vị doanh nhân đặc biệt này trong một thời gian dài có thể thấy một điều: ông dành rất nhiều thời gian và công sức để trăn trở, nghiên cứu về vị thế của đất nước trên thế giới cũng như thử đưa ra các kiến giải nhằm đưa Việt Nam cất cánh. Có thời điểm, như chính ông từng thừa nhận trước đây với người viết, ông dành tới 90% quỹ thời gian của mình để đào sâu suy nghĩ, đi tìm nguyên lý cho sự phát triển bền vững của dân tộc.

“Quả thực trong suốt lịch sử 16 năm hình thành và phát triển của Trung Nguyên (nói tại thời điểm năm 2012-PV), tôi đã dành đến hơn 90% quỹ thời gian của mình để đi tìm những nguyên lý cho sự phát triển bền vững của đất nước này. Hàng chục chuyến đi nước ngoài nghiên cứu, vô số cuộc gặp với những nhà lãnh đạo vĩ đại của thế giới cùng với rất nhiều chiêm nghiệm từ mắt thấy tai nghe đã cho tôi một kiến giải về chìa khóa thành công của một quốc gia. Cà phê đã là báu vật trời đất ban tặng chúng ta, vấn đề Việt Nam phải biết cách biến nó thành giải pháp của tương lai”.

Ông cũng từng đưa ra sáng kiến hợp tác với báo Thanh Niên mở chuyên mục “Việt Nam nhỏ hay không nhỏ?”,  trong đó đăng tải nhiều bài viết cổ xúy mạnh mẽ cho tinh thần dám nghĩ dám làm của giới trẻ Việt Nam, truyền cho họ động lực học tập và rèn luyện để đưa đất nước thoát nghèo. Diễn đàn này đã truyền lửa cho rất nhiều thanh niên Việt Nam, ít nhất về mặt tinh thần, bất chấp việc người khởi xướng ra nó bị gán cho cái mác “vĩ cuồng”.

Chưa dừng lại ở đó, mức độ “vĩ cuồng”, “khác người”, “lập dị” của doanh nhân họ Đặng còn được nâng lên đến cấp độ “max” khi ông thuê tạc 30 bức tượng vĩ nhân của nhân loại như Napoleon Bonaparte, Ludwig van Beethoven, Albert Einstein, Thomas Edison, Trần Hưng Đạo… rồi hàng đêm… đối chất với những vĩ nhân này để biết ông đang ở đâu, ông nhỏ bé tầm thường ra sao so với họ đặng lao động nhiều hơn nữa, tư duy nhiều hơn nữa.

Chưa già nhưng Nguyên Vũ đã rụng hết tóc, hệ quả của hàng ngàn giờ chau mày suy tư bên ly cà phê đắng và điếu cigar lúc nào cũng đỏ cháy trên tay. Đó là những câu hỏi quay cuồng trong trí não ông: “Tại sao có người thành công và có kẻ thất bại? Tại sao có nước giàu (dù nhỏ bé về địa lý và dân số)? Tại sao Việt Nam vẫn cứ nghèo dù không thiếu tài nguyên và nguồn lực? Làm sao đưa đất nước trở thành một quốc gia hùng cường, có tầm ảnh hưởng? Nước khác đã làm được, vì sao nước ta chưa làm được?”.

Cách đây 4 năm, người viết từng có dịp ngồi trò chuyện với ông chủ Trung Nguyên tại Hà Nội sau khi ông tham dự buổi ra mắt bản dịch tiếng Việt cuốn sách “Quốc gia khởi nghiệp”. Ấn tượng đọng lại sau hơn 2 giờ lắng nghe doanh nhân này tâm sự là đôi mắt rực sáng khi nói về tinh thần làm giàu và một nước Việt hùng cường.

Ông tự vấn: “Trên bình diện quốc gia, Việt Nam có đủ các điều kiện nào để trở thành một “nước lớn”. Một quốc gia muốn lớn mạnh cần có 5 yếu tố cơ bản: vị trí địa lý; điều kiện tự nhiên và hạ tầng; dân số; văn hóa và thiết chế. Trong 5 yếu tố này, ba yếu tố đầu tiên của nước ta đã có đủ. Phải chăng yếu tố chúng ta thiếu chính là sức mạnh tinh thần, nhất là tinh thần quật cường và đoàn kết trong thời bình?”.

Chuyện lên trang trại riêng ở M’Drắk thiền định trong 49 ngày của Đặng Lê Nguyên Vũ cũng khiến dư luận xôn xao suốt một thời gian dài. Kết quả của khóa thiền đầy bí ẩn ấy là cuốn sách “Thiên mệnh Việt” mà ông viết trong lúc nhịn ăn và thiền, tạm để lại phía sau gia đình và doanh nghiệp của mình. Ông cũng tự xưng là “Qua”, tự cho mình là người được Thượng đế chọn để gửi gắm những sứ mệnh đặc biệt ở cõi đời này. Thực hư ra sao có lẽ chỉ riêng ông và số ít thân hữu của ông biết, song một lần nữa dư luận lại có dịp kết luận ông là kẻ vĩ cuồng.

Không ngại đối đầu với các “ông lớn”

Nếu ngoài đời Đặng Lê Nguyên Vũ từng gây sốc với những phát ngôn nằm ngoài sự hiểu biết của nhiều người thì trong kinh doanh ông cũng gây bão khi lần lượt tuyên chiến với các tập đoàn đa quốc gia lớn ở vị trí David đấu với Goliath. Đầu tiên là Tập đoàn Nestle nổi tiếng với sản phẩm cà phê Nescafe.

Ngày 23/11/2003, Trung Nguyên cho ra mắt sản phẩm cà phê hòa tan G7 với màn “thử mù” (blind test) với chính cà phê Nescafe. Sau đó, Trung Nguyên tuyên bố kết quả có 89% người tiêu dùng lựa chọn cà phê G7 so với 11% số người chọn Nescafe. Đi kèm với những gói cà phê G7 là các bức “tâm thư” được mở đầu bằng dòng chữ nhắm vào tinh thần dân tộc của người tiêu dùng Việt Nam – “Kính gửi đồng bào”.

Đối với ông Vũ, đòn tấn công trực diện táo bạo này đã đánh gục niềm kiêu hãnh của Nestle, buộc tập đoàn Thụy Sỹ phải nhìn nhận G7 là đối thủ thực sự trong phân khúc cà phê hòa tan 3in1. Chưa dừng ở đó, phía Trung Nguyên còn chủ động công bố các số liệu thống kê minh chứng cho thị phần vượt trội của G7 3in 1 so với sản phẩm cùng phân khúc của đối thủ, buộc Nestle phải khiếu nại.

Tại sao Trung Nguyên coi G7 là sản phẩm mang đậm hồn Việt Nam mà lại được đặt tên là G7? Theo lý giải của người sáng lập tập đoàn: “Tôi chọn tên G7 vì tôi nghĩ làm sao phải có một thương hiệu Việt chinh phục được ít nhất nhóm 7 nước phát triển, giàu có, quyền lực nhất thế giới này.”

Khi thương hiệu cà phê số 1 thế giới Starbucks Coffee đặt chân vào Việt Nam năm 2013 với sự kiện khai trương cửa hàng đầu tiên rầm rộ tại khách sạn New World, TP. HCM, rất nhiều tín đồ cà phê tỏ ra phấn khích. Nhưng, ngay lập tức “Vua cà phê Việt” tung đòn phủ đầu với đối thủ khổng lồ đến từ Mỹ. Ông Vũ không ngần ngại tuyên bố: “Những gì mà Starbucks đang làm dở tệ. Họ không bán cà phê, mà đang bán nước có mùi cà phê pha với đường”. Trung Nguyên cũng công bố kế hoạch chinh phục thị trường rộng lớn nhất Bắc Mỹ với kế hoạch mở chi nhánh tại Mỹ vào cuối năm 2013, đầu năm 2014.

Sự tự tin đến ngạo nghễ của Chủ tịch Trung Nguyên một mặt khiến nhiều người hả hê trong một tinh thần tự hào dân tộc, tuy nhiên mặt khác cũng gây ra sự nghi ngại liệu vị doanh nhân này nói được nhưng có làm được? Liệu những câu nói mạnh bạo ấy có đồng nghĩa với hành động?

Gần đây trên mạng xuất hiện câu chuyện trong một chuyến đi của Thủ tướng tới Trung Quốc trước đây có mặt Chủ tịch Trung Nguyên, buổi đêm Đặng Lê Nguyên Vũ không ngủ được vì đau đáu ý nghĩ vì sao nước bạn phát triển mạnh quá còn nước mình vẫn chậm chạp.

Sáng hôm sau, ông hỏi một số người cùng đoàn đêm qua ngủ có ngon không và khi họ đáp ngủ rất ngon, ông cảm thấy vô cùng buồn tại sao là người gánh vác sứ mệnh kinh doanh mà họ có thể ngủ ngon được? Đặng Lê Nguyên Vũ là vậy, luôn nghĩ về hiện trạng đất nước, luôn lo lắng cho tương lai dân tộc, luôn ngủ rất ít và suy nghĩ rất nhiều.

Có thể sau này khi có một khoảng lùi đủ lớn, người ta sẽ có đủ điều kiện để cắt nghĩa đầy đủ hơn về một Đặng Lê Nguyên Vũ-người-suy-tưởng trong hình hài một phiên bản của bức tượng nổi tiếng thế giới của Godin. Có thể thiên hạ rồi sẽ hiểu hơn về một Đặng Lê Nguyên Vũ đêm đêm chong đèn đối chất với các bức tượng vĩ nhân, và khoan dung hơn với ông thay vì phán xét các câu nói nghịch nhĩ của ông. Có thể cộng đồng mạng xã hội sẽ nhìn ông khác đi chứ không phải như một “người trời” nhưng vẫn chiến đấu không khoan nhượng với người vợ của mình trong cuộc chiến phân chia tài sản và quyền sở hữu công ty nữa.

Với một người có thừa độ ngông cuồng và không cần ai hiểu mình như Vũ, có lẽ đã từ lâu ông không sống cho bản thân mình mà gánh lên vai tảng đá lý tưởng “Thiên mệnh Việt”, dưới góc độ nào đó giống như vị thần Atlas bị thần Zeus phạt bắt gánh bầu trời trên vai trong truyện Thần thoại Hy Lạp. Có đáng thương hơn là đáng giận không, Đặng Lê Nguyên Vũ?

Cùng chuyên mục
Tin khác