Tiêu điểm

Góc nhìn VNF: Quốc mẫu, xe biển xanh và đạo đức công vụ

(VNF) - Cuối cùng thì Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã chính thức lên tiếng về vụ “xe biển xanh đón người nhà” dậy sóng dư luận mấy ngày qua. Nhưng liệu có đáng hài lòng với chỉ một lời xin lỗi?

Góc nhìn VNF: Quốc mẫu, xe biển xanh và đạo đức công vụ

Vụ “xe biển xanh đón người nhà” gợi nhắc một tích cũ: Sách Đại Việt sử kí toàn thư chép: “Đời Trần (thế kỉ XIII), Linh Từ Quốc Mẫu là vợ Thái sư Trần Thủ Độ, ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị người quân hiệu ngăn lại.

Linh Từ ấm ức, về dinh khóc với Thủ Độ rằng: "Mụ này làm vợ ông mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế". Thái sư Trần Thủ Độ liền sai bắt người quân hiệu kia toan trị tội, nhưng sau khi tra xét rõ mọi việc, bèn lấy vàng lụa mà ban thưởng. Đó là bởi vì người quân hiệu đã biết giữ phép nước".

Đường đường là Thái sư, phu quân “quốc mẫu”, quyền lực vô song mà từ thuở đó, Trần Thủ Độ đã biết đâu là lựa chọn của một “chính khách”, biết đặt lợi ích công lên trên chuyện “nữ nhi thường tình” của vợ mình.

Xin lỗi dường như là một giải pháp chẳng đặng đừng của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sau bốn ngày im lặng và chứng kiến sự bất bình ngày một lan nhanh trong công chúng. Nó cho thấy, ông có lẽ đã phải đắn đo thế nào để đưa ra một quyết định có thể ảnh hưởng đến chặng đường chính trị phía trước.

Ứng xử với đặc ân là điều hết sức nhạy cảm với giới chính khách. Đặc ân không phải là điều gì xấu nếu nó được minh bạch. Thế giới văn minh không thắc mắc vì sao Tổng thống Trump lại có chuyên cơ Air Force One hay ông Kim Yong Un xài Roll-Royce khi đất nước vẫn còn nghèo.

Khổ hạnh không phải là “tiêu chí” để “đánh giá cán bộ”, cho dù chúng ta đã được nghe về gương liêm khiết của cựu Tổng thống Uruguay Jose Mujica một đời chính khách mà vẫn nghèo, hay Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vẫn ngồi máy bay hạng thường mỗi khi thăm thú các quốc gia khác.

Chính khách cần được ưu tiên, không chỉ vì vấn đề thể diện quốc gia hay vấn đề an ninh mà còn vì hiệu quả của công việc. Nhưng đặc quyền, đặc ân mà đặt không đúng chỗ, rất khó để dân chúng trao gửi niềm tin. Không phải chỉ là chuyện thiệt hơn, nó còn là đạo đức công vụ.

Kể từ ngày ông Trần Tuấn Anh nhậm chức Bộ trưởng, Bộ Công Thương đã để lại ấn tượng rất tốt về mức độ cởi mở cũng như tốc độ phản ứng, xử lý công việc. Tuy nhiên lần này, chiếc xe biển xanh đã khiến dư luận bức xúc vì sự dối gạt đến trắng trợn của bức công văn mà Văn phòng Bộ Công Thương gửi tới 6 cơ quan hàng không. Văn bản phát đi ngày 3/1, nêu rõ Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ đi công tác tại TP. HCM vào ngày 3 - 4/1/2019; Bộ trưởng sẽ rời TP. HCM lúc 17h ngày 4/1 để về Hà Nội.

Thế nhưng điều trái khoáy trong hai ngày 3 - 4/1/2019, ông Trần Tuấn Anh lại đang ở Hà Nội, trực tiếp tham gia các công việc như: dự hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành nông nghiệp năm 2018; đón tiếp Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào; trao quyết định bổ nhiệm Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại.

Tháng 4/2016, ông Nguyễn Xuân Phúc chính thức được Quốc hội bầu làm Thủ tướng. Tháng 8 năm đó, ông Phúc về dự hội nghị ngành du lịch tại Quảng Nam. Khi ông đi bộ vào phố cổ Hội An, một số chiếc ô tô đã chạy theo, đi vào đường cấm.

Một chuyện rất nhỏ bé và hoàn toàn có thể thông cảm, nhưng tại Hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính nhà nước tổ chức sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn đứng ra xin lỗi người dân Hội An, dù cho ông không hề có lỗi.

Hồi tháng 10/2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã kí ban hành Quyết định 08/QĐ-TW quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Khoản 8, Điều 3 của quyết định này yêu cầu các cán bộ từ Ủy viên Trung ương Đảng trở lên phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống việc để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi.

Tiếc cho một lời xin lỗi muộn màng, dù còn hơn không…

Sinh năm 1964, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hiện vẫn là một trong những gương mặt sáng giá trong hàng ngũ lãnh đạo của Chính phủ. Ông cũng là người được tiếng là cởi mở, nhiệt thành cải cách, năng động, quyết liệt trong chỉ đạo xử lí sự vụ. Chặng đường cải cách phía trước vẫn rất gian nan và mong Bộ trưởng vẫn không mất đi hình ảnh của một ngôi sao cải cách.

Chiều 25/10/2018, Quốc hội đã công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên Chính phủ, theo đó Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận được 226 phiếu tín nhiệm cao, tương ứng 46,6%; 188 phiếu tín nhiệm, tương ứng 38,76% và 57 phiếu tín nhiệm thấp, tương ứng 11,75%.

Trong thư xin lỗi vừa được công bố, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói rằng vụ “xe biển xanh đón người nhà” thực sự là bài học cho ông. Mong cho Bộ trưởng, từ vụ việc này, thấm thía rằng khi đặc quyền, đặc ân đặt không đúng chỗ, hành trình trở thành một chính khách thực sự sẽ xa dần, trong khi bóng dáng quan lại sẽ luôn hiện hữu!

Tuy nhiên, điều đáng nói là, dường như đang có một chiến dịch nào đó tung hô lời xin lỗi và đưa câu chuyện theo hướng Bộ trưởng là người hùng đang đứng ra bảo vệ người phụ nữ của mình. Chúng tôi thì tin rằng, đạo đức công vụ và đạo lý cá nhân là hai phạm trù khác nhau và Bộ trưởng của chúng ta sẽ không bao giờ nhầm lẫn!

Tin mới lên