Tiêu điểm

Gói hỗ trợ Covid-19 lần 1: 80% doanh nghiệp không tiếp cận được

(VNF) - Khảo sát của trường Đại học kinh tế Quốc dân cho thấy 80% doanh nghiệp không nhận được các gói hỗ trợ Covid-19 lần 1 của Chính phủ.

Gói hỗ trợ Covid-19 lần 1: 80% doanh nghiệp không tiếp cận được

Gói hỗ trợ Covid-19 lần 1: Ngành nào nhận được hỗ trợ nhiều nhất?

Ngành du lịch và dệt may được hỗ trợ nhiều nhất

Tại "Hội thảo chính sách vượt qua tác động của Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế", nhóm nghiên cứu của trường Đại học kinh tế Quốc dân cho biết khảo sát trên 450 doanh nghiệp về thực trạng nhận các gói hỗ trợ Covid-19 lần 1 cho thấy 80% doanh nghiệp không nhận được các gói hỗ trợ của Chính phủ; tính minh bạch của một số gói hỗ trợ rất đáng quan ngại.

Khảo sát được thực hiện trong thời gian từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 10, trên 450 doanh nghiệp thuộc 6 ngành nghề khác nhau về tác động của dịch bệnh tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Các ngành được khảo sát gồm du lịch, lưu trú, ăn uống, tài chính ngân hàng, bảo hiểm, logistic, dệt may, công nghệ thông tin.

Kết quả khảo sát được công bố cho thấy có tới 40% doanh nghiệp bị tác động bởi đại dịch Covid-19 (trong đó 30% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất và gần 10% doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động). Trong đó ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nhất là du lịch, lưu trú, ăn uống.

Cũng theo khảo sát, trong đầu tháng 10 có khoảng 80% doanh nghiệp không nhận được gói hỗ trợ Covid-19 lần 1 của Chính phủ. Lý do chủ yếu là do doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện, không có thông tin về chính sách.

Đáng chú ý là doanh nghiệp chủ yếu tiếp cận được với gói “gia hạn nộp thuế”, trong khi các gói hỗ trợ khác thì tỷ lệ tiếp cận thấp.

Ngoài ra, tính minh bạch của một số gói hỗ trợ rất đáng quan ngại như: cải cách thủ tục hành chính, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, vay không cần tài sản thế chấp... Nhiều chính sách được đánh giá là không có tác động tích cực như kỳ vọng như: hỗ trợ chi phí logistic, cải cách thủ tục hành chính,...

Theo báo cáo khảo sát, tỷ lệ các doanh nghiệp trong ngành du lịch và dệt may là nhận được hỗ trợ nhiều nhất. Ngành ít nhận được hỗ trợ là công nghệ thông tin. Tỷ lệ doanh nghiệp lớn được nhận gói hỗ trợ nhiều hơn so với các doanh nghiệp nhỏ. Trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ là những đối tượng rất dễ tổn thương bởi khủng hoảng dịch bệnh.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng báo cáo của nhóm nghiên cứu trường Đại học Kinh tế Quốc dân cần phải làm rõ khía cạnh tích cực vì sao các doanh nghiệp đứng được đến lúc này. Doanh nghiệp đứng được là nhờ các nhân tố nào.

Bà Lan cho rằng: “Rõ ràng đại dịch covid-19 đã loại bỏ rất nhiều doanh nghiệp ra khỏi thị trường nhưng cũng có một số tỷ lệ nhất định doanh nghiệp "trụ vững" đã giúp cho nền kinh tế của chúng ta đứng được trong thời gian qua. Vì vậy chúng ta cũng rất cần rút ra bài học từ họ”.

“Theo đánh giá của tôi, các doanh nghiêp đứng được trong thời gian qua phần lớn là họ đã có sự chuẩn bị trước đó (từ trước cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nổ ra), họ đã có ý thức tự chuẩn bị cho mình đối với các tình hướng khó khăn hơn”, bà Lan nói.

TS. Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) góp ý, nhóm nghiên cứu của trường Đại học kinh tế Quốc dân, cũng như là nghiên cứu của ADB và các tổ chức nên tiếp tục nghiên cứu bởi qua đánh giá đại dịch sẽ tiếp tục ảnh hưởng ít nhất đến hết năm 2020 và sẽ còn kéo dài đến năm 2021.

Ngoài ra, nghiên cứu cần chú ý đến một phần rất quan trọng khác của nền kinh tế Việt Nam đó là nông nghiệp và kinh tế phi hình thức.

Đề suất hướng đi cho gói hỗ trợ kinh tế hậu Covid-19 lần 2

Tại cuộc hội thảo, nhóm nghiên cứu của trường Kinh tế Quốc dân khuyến nghị Chính phủ cần hỗ trợ hơn nữa các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Cụ thể, về gói tiền tệ, cần phải nới lỏng các điều kiện tín dụng, miễn và giảm lãi suất. Gói hỗ trợ tài khóa khóa tiếp tục miễn, giảm thuế phí, giảm phí bảo hiểm xã hội, giảm các chi phí hạ tầng. Cần chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc các ngành bị tổn thương bởi dịch bệnh, có hệ thống quản trị tốt để có thể vượt lên sau đại dịch.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, Chính phủ cần kéo dài thời gian các gói hỗ trợ để doanh nghiệp có đủ thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh một cách bền vững. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch về thủ tục cũng như đối tượng được hưởng. Cần giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính.

Về việc đề xuất về giải pháp cho gói hỗ trợ Covid-19 lần 2, TS. Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng đại dịch Covid-19 sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng kéo ít nhất đến năm 2021.

Do đó giải pháp cần thiết hiện nay đó là cần đẩy mạnh sang chính phủ điện tử, đẩy mạnh sang kinh tế số hoá. Bởi chính đại dịch đã làm cho kinh tế số hoá và kinh tế số phát triển mạnh.

Bà Phạm Chi Lan đề xuất ngoài việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch thì rất nên hướng tới hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khả năng phát triển trong tương lai.

“Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tạo thuận lợi cho việc tái cơ cấu không phải của riêng nền kinh tế mà còn ở các doanh nghiệp nữa (các ngành có tương lai, các doanh nghiệp có tương lai, các doanh nghiệp đang cố gắng đi vào công nghệ có khả năng phát triển bền vững), chính vì vậy chúng ta cần quan tâm tới họ nhiều hơn, để họ có thể vượt qua đại dịch lần này”, bà Lan nói.

Xem thêm: Báo cáo về công tác năm 2020 của Kiểm toán Nhà nước tại kỳ họp thứ 10

Tin mới lên