'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Phát biểu kết luận hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội diễn ra ngày 16/3, Thủ tướng đánh giá việc phát triển nhà ở xã hội so với mục tiêu, yêu cầu, mong muốn thì chưa đạt được và còn một số tồn tại, khó khăn.
Nhiều địa phương chưa có sẵn quỹ đất sạch để làm nhà ở xã hội. Một số dự án nhà ở xã hội tại một số địa phương có quy hoạch nhưng lại cấp cho các nhà đầu tư còn yếu về năng lực, trong khi có doanh nghiệp lại thiếu động lực triển khai vì hiệu quả không cao dẫn đến chậm triển khai dự án. Mức lợi nhuận quy đinh tối đa chỉ 10% theo Luật Nhà ở năm 2023 với chủ đầu tư nhà ở xã hội không phải là cao nếu mất thêm các chi phí tuân thủ khác...
Bên cạnh đó, thời gian triển khai thành công một dự án khá lâu (từ 3-5 năm), dẫn tới không hấp dẫn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có khả năng triển khai. Thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng cơ bản giống dự án đầu tư thông thường. Còn một số khó khăn khác liên quan điều kiện đối tượng được mua nhà ở xã hội.
Nhiều tỉnh, thành phố lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp có tỷ lệ thực hiện nhà ở xã hội so với mục tiêu của Đề án còn thấp, thậm chí nhiều địa phương chưa có dự án nhà ở xã hội khởi công từ năm 2021 đến nay (như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Long An, Vĩnh Long…) theo báo cáo của Bộ Xây dựng.
Việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn (mới cam kết cấp tín dụng được 5,8%, giải ngân chưa được 1%).
Vẫn còn vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhất là: trong tiếp cận đất đai (quy hoạch bố trí quỹ đất, công khai dự án); nguồn vốn và khả năng tiếp cận tín dụng; thủ tục hành chính (trong đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà đầu tư, phê duyệt giá bán nhà)…
Nhấn mạnh nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như loại nhà ở khác, Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, bảo đảm hạ tầng về y tế, giáo dục, xã hội và các dịch vụ khác, bảo đảm điện nước, nhưng điểm khác là có cơ chế, chính sách phù hợp cho người mua và người bán.
"Không phải những nơi xa xôi, vắng vẻ, những nơi không làm được nhà ở thương mại thì làm nhà ở xã hội, hay nhà ở xã hội thiếu hạ tầng y tế, giáo dục, điện nước, không bảo đảm vệ sinh môi trường… Nhà ở xã hội ngoài hình thức mua thì phải có thuê và thuê mua", Thủ tướng nói.
Để phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng yêu cầu các Bộ Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Ngân hàng nhà nước tập trung xây dựng, sớm ban hành các Nghị định, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn liên quan đến việc triển khai các dự án nhà ở xã hội như Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Trong đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trên tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền để giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện dự án nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng có trách nhiệm chủ trì xây dựng quy trình rút gọn các thủ tục hành chính lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án nhà ở xã hội để tiết kiệm thời gian, khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội.
Ngân hàng nhà nước được yêu cầu chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua với thời gian 10-15 năm với lãi suất thấp hơn từ 3-5% so với cho vay thương mại; nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện cho vay nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng chính sách xã hội giai đoạn 2024 - 2025 theo quy định pháp luật về nhà ở.
Bộ Tài chính được giao nghiên cứu thành lập Quỹ Nhà ở xã hội, chính sách thuế phù hợp.
Với các địa phương, Thủ tướng đề nghị đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt. Trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn các chủ đầu tư khác thực hiện.
Đối với các doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lập tiến độ, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, tài chính, áp dụng công nghệ mới nhằm rút ngắn thời gian thi công.
Đối với các dự án đã lựa chọn chủ đầu tư, Thủ tướng đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng theo các đồ án quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư đã được phê duyệt; khẩn trương triển khai khởi công, đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình trên quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội; sau khi khởi công dự án cần nhanh chóng cung cấp, công bố công khai, đầy đủ các thông tin liên quan đến dự án để người dân biết đăng ký mua, thuê mua, thuê.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.