Google dẹp dự án công cụ tìm kiếm có kiểm duyệt ở Trung Quốc

Nhật Đăng - 18/12/2018 17:09 (GMT+7)

Sau nhiều khó khăn và vấp phải phản đối từ chính nhân viên của mình, Công ty Google quyết định dẹp dự án công cụ tìm kiếm Dragonfly, theo báo The Intercept.

VNF
Giám đốc điều hành của Google, ông Sundar Pichai (Ảnh: REUTERS)

Dragonfly là một hệ thống phân tích dữ liệu do Google tạo ra, nhằm phát triển công cụ tìm kiếm "có kiểm duyệt" cho thị trường Trung Quốc.

Các nhân viên trong dự án này đã sử dụng một website tìm kiếm của Trung Quốc có tên 265.com. Google đã mua lại 265.com từ năm 2008 từ tỷ phú Trung Quốc Cai Wensheng.

Website này trước đó đặt mục tiêu trở thành "trang chủ được dùng nhiều nhất Trung Quốc", hoạt động giống như Google với các mảng tìm kiếm, cập nhật tin tức, thị trường, chuyến bay, khách sạn…

Tuy nhiên, tất cả những yêu cầu tìm kiếm trên 265.com đều dẫn về nền tảng Baidu - một "Google của Trung Quốc".

Ít nhất một trong số các kỹ sư lập trình của Google được phép truy cập vào API - giao diện lập trình ứng dụng, để liên kết với 265.com nhưng các nhân viên còn lại trong đội bảo mật của Google đều không được thông báo điều gì về 265.com.

Về nguyên tắc, dự án Dragonfly sẽ dựa vào dữ liệu từ 265.com để tạo ra một "danh sách đen" cho công cụ tìm kiếm của mình. Danh sách này dùng để chặn truy cập, loại bỏ các kết quả tìm kiếm về nhân quyền, biểu tình hay vấn đề "dân chủ".

Nói cách khác, công cụ tìm kiếm mà Google muốn phát triển tại thị trường Trung Quốc có sự can thiệp về nội dung rõ ràng, và điều này đã gặp chỉ trích từ bên ngoài lẫn nội bộ.

Theo hai nguồn thạo tin của The Intercept, các lãnh đạo Google đã buộc phải giam dự án này lại "ít nhất trong ngắn hạn" và việc này bị xem như cú đánh trời giáng vào các giám đốc, bao gồm cả giám đốc điều hành (CEO) Sundar Pichai - người trong hai năm qua đã đặt dự án Trung Quốc làm ưu tiên.

Báo The Intercept cũng cho biết nhiều kỹ sư Google trong dự án Dragonfly đã được điều chuyển sang công tác ở những dự án khác ở Brazil, Indonesia và Nga.

Thất bại này của Google một lần nữa phản ánh khó khăn của các công ty công nghệ Mỹ trong việc khai thác thị trường màu mỡ ở Trung Quốc.

Cho đến nay, các công ty như Facebook hay Twitter vẫn bị cấm hoạt động tại Trung Quốc, ngoại trừ việc có văn phòng thực hiện giao dịch, quảng cáo.

Hồi giữa năm, Facebook tiếp tục nỗ lực (đã 10 năm qua) thông qua sáng kiến lập khu hỗ trợ cho những phát minh công nghệ.

Tuy nhiên chỉ một ngày sau khi có tin Facebook được chính quyền chấp thuận kế hoạch này, mọi thông tin về điều đó đã biến mất.

>>> Xem thêm: Nhiều ‘ông lớn’ công nghệ Trung Quốc vẫn phải phụ thuộc vào Thung lũng Silicon

Theo TTO
Cùng chuyên mục
Tin khác