Grab, Yamaha, Shopee, FPT Shop... chạy quảng cáo trong các video có nội dung độc hại, phản động

Trần Lưu - 10/06/2019 18:13 (GMT+7)

(VNF) - Một loạt các thương hiệu có tên tuổi như Grab, Samsung, Adayroi, Huawei, FPT Shop, Shopee, Yamaha... đang chạy quảng cáo gắn trong các video độc hại, phản động, chống phá Đảng và Nhà nước trên Youtube.

VNF
Nhiều thương hiệu lớn đang chạy quảng cáo gắn trong các video độc hại, phản động trên Youtube

Ngày 10/6, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi một số doanh nghiệp để cảnh báo về tình trạng tái xuất hiện quảng cáo của các nhãn hàng trong các video có nội dung vi phạm pháp luật trên mạng xã hội YouTube.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết qua theo dõi, rà soát thông tin trên mạng xã hội YouTube đã phát hiện tình trạng quảng cáo sản phẩm của các doanh nghiệp trên được gắn trong các video có nội dung xấu độc, phản động, vi phạm pháp luật Việt Nam, được phát trên YouTube, thông qua dịch vụ quảng cáo của Google.

Đặc biệt, dòng tiền quảng cáo này lại được Google chia sẻ cho các đối tượng sản xuất clip xấu độc, phản động, vô hình chung gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động chống phá nhà nước Việt Nam. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về quảng cáo, là nguy cơ đáng lo ngại, gây ảnh hưởng đến sự an toàn, uy tín của các thương hiệu, doanh nghiệp.

Thống kê ban đầu của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy có 21 nhãn hàng, thương hiệu lớn đang quảng cáo gắn với các clip xấu độc, trong đó có thể kể đến những cái tên như Huawei Việt Nam, PugGM, Grab, Travelloka, Công ty TNHH Yamaha Motor Vietnam, Shopee, Samsung, Adayroi, FPT Shop...

Trước tình trạng này, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các công ty này dừng ngay việc quảng cáo trong các video trên YouTube có nội dung xấu độc, phản động, chống phá Đảng và Nhà nước. Đồng thời chủ động rà soát, kịp thời cảnh báo các đối tác cung cấp dịch vụ nhằm đảm bảo hoạt động quảng cáo của doanh nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Các doanh nghiệp có quảng cáo như trên phải gửi báo cáo giải trình về Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 17/6/2019.

Được biết, tình trạng vi phạm quảng cáo này từng được Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử phát hiện và yêu cầu chấm dứt sau tháng 3/2017. Tuy nhiên thời gian gần đây đang có xu hướng tiếp tục tái diễn theo hướng phức tạp hơn.

Cùng chuyên mục
Tin khác