'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Greenland là vùng lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch, nằm phía trên Canada và vươn ra Bắc Cực. Đây cũng là hòn đảo lớn nhất thế giới, rộng hơn 2 triệu km2, có dân số khoảng 57.000 người. 3/4 diện tích Greenland được bao phủ bởi lớp băng vĩnh cửu.
Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các nhà khoa học phát hiện băng tại Greenland đang tan chảy với tốc độ ngày càng nhanh. Theo một nghiên cứu công bố hồi tháng 2/2022, các nhà khoa học đã ghi nhận tốc độ tan băng “chưa từng có” ở đáy của dải băng Greenland. Một nghiên cứu khác cho thấy tốc độ tan băng trong những năm gần đây vượt quá những gì Greenland đã trải qua trong 12.000 năm qua, theo CNN.
Trước khi bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng khí hậu, mức nhiệt được ghi nhận tại Greenland thấp dưới mức 0 độ C. Tuy nhiên, tới giữa năm 2022, mức nhiệt tại hòn đảo này đã có lúc được ghi nhận hơn 15 độ C, khiến băng tan chảy với lưu lượng lên tới 6 tỷ tấn nước/ngày, đủ để lấp đầy hơn 7 triệu bể bơi theo tiêu chuẩn Olympic.
Theo các nhà khoa học, việc băng tan chảy nhanh ở Bắc Cực và Greenland là dấu hiệu đáng ngại. Giáo sư khoa học Bill McGuire từ Đại học London (Anh) cảnh báo rằng các tảng băng tan chảy sẽ làm đảo lộn lớp vỏ Trái đất, khiến trọng lượng trên vỏ trở nên ít hơn và có thể gây ra các sự kiện địa chấn. Tuy nhiên, xét theo góc độ kinh tế, băng biển tan chảy để lộ ra vùng đất đã bị chôn vùi dưới băng từ hàng thế kỷ đến hàng thiên niên kỷ, mở ra các tuyến vận tải biển mới và tạo điều kiện cho việc khai thác tài nguyên tại hòn đảo có 80% diện tích là băng.
Một trong những tuyến vận tải tiềm năng mới là tuyến đường biển xuyên cực cắt ngang trung tâm Bắc Băng Dương, tránh lãnh hải của các quốc gia Bắc Cực và nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương, dự kiến sẽ trở thành tuyến đường vận chuyển hàng đầu ở Bắc Cực vào năm 2030.
Tuyến đường này giúp cắt giảm đáng kể thời gian vận chuyển hàng hoá từ Trung Quốc tới châu Âu và mang lại cơ hội nâng cao cơ sở hạ tầng hàng hải của Greenland, khiến khu vực này trở thành trung gian quan trọng tiềm năng và được hưởng lợi từ việc tăng cường vận chuyển qua Bắc Cực.
Không chỉ vậy, một ước tính của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ năm 2008 cho rằng có thể khai thác tới 52 tỷ thùng dầu tại 3 lưu vực chính ngoài khơi Greenland. Trong khi một nghiên cứu khác năm 2015 ước tính rằng Greenland có thể sản xuất đủ thủy điện để đáp ứng nhu cầu của chính mình và xuất khẩu thặng dư. Ngoài ra, Greenland được biết đến là nơi có trữ lượng đáng kể đồng, kẽm, chì, sắt, coban, vàng, các kim loại nhóm bạch kim và các nguyên tố đất hiếm.
Sự thống trị của Trung Quốc đối với nguồn cung cấp đất hiếm toàn cầu đã gây ít nhiều khó chịu cho Mỹ và các đồng minh. Giờ đây, những tiềm năng được khai mở tại Greenland đã thu hút rất nhiều sự chú ý và ý định đầu tư của nhiều quốc gia, các tỷ phú trên thế giới.
“Trung Quốc đã tích cực theo đuổi các cơ hội đầu tư vào sân bay, cảng và cơ sở hạ tầng nghiên cứu của Greenland cũng như các lĩnh vực khai thác và năng lượng”, báo cáo của Polar Research and Policy Initiative (PRPI) cho biết.
Trong lĩnh vực khai thác, các công ty Trung Quốc như Shenghe Resources Holding Co và China National Nuclear Corporation đều có lợi ích ở Greenland. Năm 2016, Shenghe Resources đã trở thành cổ đông lớn nhất của công ty thăm dò Greenland Minerals, doanh nghiệp sở hữu địa điểm Kvanefjeld được cho là có mỏ đất hiếm thứ 2 thế giới và mỏ uranium lớn thứ 6 tại Greenland.
Theo báo cáo PRPI, mặc dù truyền thông đưa tin rầm rộ về việc Trung Quốc gia tăng dấu ấn tại Greenland, nhưng Anh, Canada và Australia cũng là những quốc gia đã bắt đầu thăm dò và phát triển tài nguyên ở Greenland từ lâu đời.
Tính đến tháng 2/2021, 41 công ty đã có giấy phép khai thác, thăm dò và chế biến khoáng sản tại Greenland, trong đó, 27 công ty “có trụ sở chính, được liệt kê tại hoặc có liên hệ đáng kể” với Anh, Canada và Australia.
Dưới mức độ cá nhân, một nhóm tỷ phú, bao gồm Jeff Bezos, Michael Bloomberg, Bill Gates và nhiều người khác cũng đang đặt cược vào tiềm năng bên dưới bề mặt những ngọn đồi và thung lũng trên đảo Disko và bán đảo Nuussuaq của Greenland. Họ tin rằng những khu vực này có đủ khoáng sản quan trọng để cung cấp năng lượng cho hàng trăm triệu chiếc xe điện.
Nhóm tỷ phú này đang hỗ trợ tài chính cho Kobold Metals, một công ty khai thác khoáng sản và công ty khởi nghiệp có trụ sở tại California. Kobold hợp tác với Bluejay Mining để tìm kiếm các kim loại quý hiếm ở Greenland cần thiết để chế tạo xe điện và pin lớn để lưu trữ năng lượng tái tạo.
Chia sẻ với CNN, Kurt House, Giám đốc điều hành của Kobold Metals cho hay: “Chúng tôi đang tìm kiếm những mỏ khoáng sản được kỳ vọng là mỏ niken và coban lớn thứ nhất hoặc thứ hai trên thế giới”. Công ty này đã gửi ít nhất 30 nhà địa chất, địa vật lý, phi công và thợ máy tới cắm trại tại địa điểm nơi Kobold và Blujay đang tìm kiếm kho báu bị chôn vùi, sử dụng máy móc và AI (trí thông minh nhân tạo) để lập bản đồ các lớp đất đá bên dưới và xác định vị trí các mũi khoan vào đầu mùa hè tới.
Giám đốc điều hành công ty khai thác khoáng sản Greenland Bluejay Mining, ông Bo Møller Stensgaard, cho biết những hậu quả và tác động từ cuộc khủng hoảng khí hậu tới Greenland là vô cùng đáng ngại, nhưng điều đó “đã làm cho việc thăm dò và khai thác tại Greenland trở nên dễ dàng hơn”. Không chỉ vậy, theo ông Stensgaard, việc khai thác các khoáng chất quan trọng sẽ là một phần giải pháp để tiến tới chuyển hoá năng lượng xanh và quay ngược trở lại giải quyết vấn biến đổi khí hậu.
Tháng 10/2021, Quốc hội Greenland đã thông qua đạo luật cấm khai thác và thăm dò uranium trong lãnh thổ Đan Mạch, ngăn chặn hiệu quả sự phát triển của dự án đất hiếm Kvanefjeld rộng lớn, một trong những dự án lớn nhất thế giới.
Đạo luật, chính thức có hiệu lực từ ngày 2/12/2021, cấm thăm dò các mỏ có nồng độ uranium cao hơn 100 phần triệu (ppm) và sẽ xử phạt nếu các công ty vi phạm. Luật cũng bao gồm các mục cấm thăm dò các khoáng chất phóng xạ khác, chẳng hạn như thori, tuy nhiên vẫn cho phép khai thác các khoáng sản khác như đồng.
Đây không phải là lần đầu tiên Greenland có lệnh cấm khai thác uranium. Trước đó, các lệnh cấm tương tự đã từng được đưa ra và Quốc hội Greenland mới chỉ dỡ bỏ lệnh cấm uranium vào năm 2013, chấm dứt lệnh cấm khai thác uranium và các khoáng chất khác được thông qua lần đầu tiên vào những năm 1950.
Đặt mục tiêu “hỗ trợ sự phát triển có trách nhiệm, bền vững và hiệu quả về mặt kinh tế đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bao gồm khai thác nhiều loại khoáng sản”, năm 2021, chính phủ Greenland cũng tham gia vào liên minh các quốc gia tập trung vào việc hạn chế tác động bất lợi của dầu và khí đốt đối với môi trường. Khi gia nhập liên minh, Greenland đã cam kết không cấp thêm bất kỳ giấy phép thăm dò dầu khí nào.
Với những hạn chế kể trên, việc tìm kiếm sự chấp thuận từ chính phủ Greenland chắc chắn không phải là điều dễ dàng với các “thợ đãi vàng” đang có ý định hoạt động tại đây. Mặc dù hoạt động thăm dò vẫn diễn ra sôi nổi, nhưng để đi tới bước khai thác, dường như vẫn còn một chặng đường dài.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.