Hạ lãi suất để tăng tín dụng: Nỗi 'ám ảnh' thu hồi nợ

Mai Dung - 03/04/2024 23:03 (GMT+7)

(VNF) - Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền gửi bình quân hiện ở mức 3,3% một năm. Lãi vay khoảng 6,4% một năm với các khoản vay mới. Các mức này hạ lần lượt 0,2% và 0,7% so với 2023… Tuy nhiên, đến ngày 29/2/2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Trong buổi làm việc mới đây với Thủ tướng, các ngân hàng bày tỏ hàng trăm nghìn tỷ đồng đóng băng là rất phí phạm; ngân hàng sẵn sàng cho vay nhưng vay có thu hồi được không và nỗi lo nợ xấu tăng cao là một rào cản.

VNF

Cho vay dễ nhưng đòi nợ thì quá khó

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank, cho biết mức giảm tín dụng trong 2 tháng đầu năm 2024 của Agribank sâu hơn mức bình quân của toàn hệ thống ngân hàng. Điều này cũng do đặc thù, tính chất mùa vụ trong nông nghiệp, khách hàng đến vụ thu hoạch bán sản phẩm trả nợ ngân hàng, vay bán hàng phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán có tiền bán hàng trả nợ. Thậm chí gửi tiền vào ngân hàng và chưa vào vụ gieo trồng nên chưa có nhu cầu về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên chưa có nhu cầu vay vốn.

“Ngoài ra, với sức cầu yếu cả trong và ngoài nước, người dân thận trọng, thắt chặt chi tiêu, ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ hàng hoá, từ đó tín dụng cũng không tăng trưởng được”, ông Ấn nói.

Cũng theo ông Ấn, đây là vấn đề kinh tế mang tính khách quan về quan hệ cung cầu, nhưng có thể còn có những nguyên nhân chủ quan từ NHTM như cơ quan quản lý nhà nước đã đề cập trong báo cáo về thủ tục cho vay, thiếu cởi mở, mạnh dạn trong cho vay, hoặc yêu cầu về tài sản bảo đảm, nhưng có lẽ đấy không phải là những nguyên nhân trọng yếu.

Theo ông Ấn, vấn đề Ngân hàng Nhà nước đề cập trong báo cáo về nguyên nhân chủ quan “cơ chế tài sản bảo đảm còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp” hay là vấn đề cho vay doanh nghiệp lỗ. Đây là vấn đề rất lớn, các NHTM vẫn e sợ khi không có được sự bảo đảm nào từ cơ quan bảo vệ pháp luật nếu không thu được nợ mà lại thiếu tài sản bảo đảm hay giải ngân cho doanh nghiệp đang lỗ.

“Vấn đề này thực tiễn hoạt động của các NHTM cũng đã trải nghiệm trên thực tế. Tâm lý “cho vay có thiếu sót nhưng thu hồi được nợ còn hơn cho vay đúng mà không thu hồi đủ nợ”, ông Ấn nói.

Tại BIDV, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT, cho biết, trong hơn 70 ngày đầu năm, BIDV đã giải ngân cho vay hơn 470.000 tỷ đồng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, mức cho vay này vẫn thấp hơn số tiền trả nợ của ngân hàng (gần 485.000 tỷ đồng) nên dư nợ đến 11/3 giảm xấp xỉ 1% so với cuối năm 2023 (nhưng vẫn tăng 13,5% so cùng kỳ 2023).

Dư nợ của nền kinh tế tăng trưởng thấp nhưng theo Chủ tịch BIDV: “Không quá quan ngại, vì điều này phù hợp với xu hướng diễn biến thị trường và các nguyên nhân hoàn toàn có thể khắc phục để thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho cả năm 2024 nếu nhìn từ quan hệ cung - cầu tín dụng và các giải pháp chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước”.

Tuy nhiên, Chủ tịch Agribank tiết lộ thông tin đáng chú ý: “Hiện đã có những doanh nghiệp đang được vay với lãi suất thấp hơn cả lãi suất huy động và không loại trừ có doanh nghiệp đang vay ngân hàng này để gửi vào ngân hàng khác”.

Hạ lãi suất: Có phải là nút thắt?

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group, đề xuất: “Mong muốn doanh nghiệp BĐS có khả năng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp hơn. Cụ thể là hiện nay sự chênh lệch giữa các khoản vay của NHTM cổ phần và NHTM nhà nước chênh khá là lớn (từ 4-5%), doanh nghiệp mong muốn có sự thu hẹp khoảng cách này và nếu được thì các chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi”.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cũng cho hay: "Nhìn chung hiện nay lãi suất của các quốc gia ở mức 3,5%. Tại Việt Nam, mức vay trung bình khoảng 7% với doanh nghiệp tốt và khoảng 9% đối với doanh nghiệp xấu. Riêng Banglades hiện nay lãi suất khoảng 8%, nhưng họ lại lạm phát trên 10%, nên xét về lãi suất thực dương thì Việt Nam đang là lãi suất thực dương cao nhất trong các nước xuất khẩu dệt may. Lãi suất cho vay vẫn cao quá”.

Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, kiến nghị: “Lãi suất vay vẫn cao và cũng rất khó tiếp cận. Chúng tôi rất mong muốn có thể hỗ trợ được lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất cho vay trung và dài hạn”.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, thẳng thắn: tiền đang thừa trong ngân hàng và thừa hàng chục nghìn tỷ đồng là phí phạm. Nếu nói rằng ngân hàng không muốn cho vay là không đúng. Ngân hàng rất muốn cho vay, nhưng điều kiện nào để cho vay? VPBank có hơn 40.000 doanh nghiệp, hạn mức cấp là 240.000 tỷ đồng nhưng hiện nay tổng giải ngân hơn 60.000 tỷ đồng, còn lại không giải ngân được do nhiều lý do.

“Đấy là những doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn nhưng không có đầu ra, không có phương án sản xuất. Vậy nên chăng, nhà nước có hẳn một chương trình riêng để hỗ trợ bằng các chính sách tài khóa, bởi riêng chính sách tín dụng không thì không thể đủ”, ông Vinh nói.

Chủ tịch Agribank cho rằng động lực cho tăng trưởng căn bản vẫn là giải quyết những vấn đề từ bên trong vốn đã được nhận diện. Đó là vấn đề đầu tư công và chính sách tài khoá, từ đó tạo động lực cho sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, thu nhập của người dân tăng lên cũng sẽ làm giảm tâm lý phòng thủ, kích thích tiêu dùng, từ đó nhu cầu tín dụng mới tăng lên…

“Xin đề nghị các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa: cần nỗ lực tìm kiếm thị trường, hợp đồng, đơn hàng; hoàn thiện thủ tục pháp lý, có phương án kinh doanh hiệu quả khả thi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần minh bạch hệ thống sổ sách kế toán tài chính, quản lý dòng tiền; cam kết thực hiện trách nhiệm, củng cố niềm tin giữa người đi vay và người cho vay”, Chủ tịch BIDV đề xuất.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nhận định, hai năm vừa qua, chúng ta tập trung quá nhiều vào câu chuyện hạ lãi suất nhưng thực tế cho thấy, lãi suất không giải quyết được tất cả mọi vấn đề. Lãi suất không phải là công cụ, là mũi tên để trúng nhiều đích. Giảm lãi suất đúng là sẽ có tác động nhưng mục đích hạ lãi suất để phục hồi kinh tế thì phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, kinh tế phục hồi rất chậm trong năm 2023 dù lãi suất đã hạ. TS Hiếu cho rằng cần phải có những công cụ khác thay vì chỉ là lãi suất như cung tiền cần được tăng, vòng quay tiền cần lớn hơn hay nói cách khác cần bơm tiền vào nền kinh tế, đẩy tiền trong lưu thông mạnh hơn.

Cũng theo TS Hiếu, đây là nút thắt cổ chai của nền kinh tế cần tháo gỡ trước bối cảnh các doanh nghiệp khó khăn, trầm lắng. Tất nhiên, bơm tiền cũng có mặt trái khi nền kinh tế, các ngân hàng sẽ đối mặt với rủi ro lớn. Để giải quyết vấn đề này, TS Hiếu cho rằng cần quay lại câu chuyện sử dụng quỹ bảo lãnh tín dụng, thúc đẩy đầu tư công và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu.

“Một nghịch lý trong bối cảnh hiện nay là khi các doanh nghiệp suy yếu và cần sự hỗ trợ của các ngân hàng thì cũng lại là lúc các ngân hàng buông tay vì sợ rủi ro tín dụng. Vậy để ngân hàng cho vay mà không sợ rủi ro thì quỹ bảo lãnh tín dụng (bảo lãnh cho số tiền ngân hàng đã cho doanh nghiệp vay, nếu doanh nghiệp mất khả năng trả nợ) là giải pháp phù hợp nhất mà Chính phủ phải cân nhắc”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác