EU âm thầm tăng nhập khí đốt Nga: Hà Lan ‘báo động’ sự lệ thuộc của châu Âu
(VNF) - Dữ liệu mới nhất cho thấy lượng khí đốt từ Nga vận chuyển đến các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã tăng gần một phần tư trong nửa đầu năm.
EU vẫn chưa hết lệ thuộc vào khí đốt Nga
Các thành viên Quốc hội Hà Lan mới đây đã gửi thư tới Bộ trưởng Ngoại giao để bày tỏ quan ngại về sự phụ thuộc ngày càng tăng của EU vào khí đốt của Nga.
Các nghị sĩ cho rằng khí đốt tự nhiên qua đường ống của Nga rẻ hơn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) được Mỹ và các nước khác vận chuyển đến EU và điều này đã cản trở tiến trình hướng tới các khoản đầu tư ổn định vào các lựa chọn bền vững hơn và cơ sở hạ tầng thay thế cho khí đốt của Nga.
Trước khi xung đột Ukraine leo thang, lượng khí đốt mà Nga cung cấp cho EU hàng năm lên tới khoảng 155 tỷ mét khối (bcm), chủ yếu thông qua đường ống.
Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga, từng là nhà cung cấp khí đốt chính của EU, đã giảm đáng kể lượng xuất khẩu sang khối này vào năm 2022, sau vụ phá hoại đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc). Đường ống Nord Stream 1, chạy dưới Biển Baltic và vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga đến EU, cùng với Nord Stream 2 mới xây dựng, đã bị vỡ do các vụ nổ dưới nước vào tháng 9/2022, khiến chúng không thể hoạt động.
Các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine do Brussels áp dụng đối với Nga cho đến nay vẫn chưa nhắm vào nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống, nhưng nhiều thành viên, bao gồm Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Hà Lan và Đan Mạch, đã tự nguyện dừng nhập khẩu. Tuy nhiên, một số quốc gia EU, bao gồm Áo, Slovakia, Cộng hòa Séc và Ý, vẫn đang nhập khẩu khí đốt qua đường ống của Nga.
Nga đã chuyển hướng phần lớn khí đốt xuất khẩu về phía đông, thúc đẩy mạnh mẽ doanh số bán sang Trung Quốc, qua đó tăng lượng khí đốt qua đường ống từ Nga thông qua đường ống Power of Siberia lên 22,7 bcm, tăng mạnh so với 15,4 bcm vào năm 2022.
Lượng khí đốt còn lại của Nga vận chuyển qua Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ hiện lên tới khoảng 15 bmc mỗi năm.
Thỏa thuận có thời hạn 5 năm giữa Gazprom và một nhà điều hành của Ukraine sẽ hết hạn vào cuối năm 2024. EU đang có kế hoạch loại bỏ hoàn toàn việc nhập khẩu năng lượng từ quốc gia này vào năm 2027.
Tuần trước, Reuters trích dẫn dữ liệu của Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt, cho thấy xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Nga sang các nước EU đã tăng vọt 24% trong nửa đầu năm so với cùng kỳ năm 2023. Đầu tháng này, cơ quan này tuyên bố rằng nguồn cung trong tháng 6 đã tăng gần 23% so với cùng kỳ năm trước.
EU cấm 'hoán đổi tài sản' với Nga
Ủy ban châu Âu mới đây đã ra thông báo nêu rõ các cá nhân và pháp nhân từ EU bị cấm tham gia vào chương trình "hoán đổi tài sản" bị đóng băng do Nga đề xuất.
Vào tháng 3, Nga đã triển khai một chương trình hoán đổi tài sản nhằm mục đích cho phép cả nhà đầu tư Nga và nước ngoài giải phóng các khoản tiền bị chặn do lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine của phương Tây và các biện pháp đối phó của Moscow.
Điện Kremlin hy vọng kế hoạch "hoán đổi tài sản" sẽ giải phóng khoảng 100 tỷ rúp (1,1 tỷ USD) chứng khoán châu Âu chủ yếu thuộc sở hữu của các nhà đầu tư cá nhân Nga. Theo đề xuất được đưa ra, nhà đầu tư phương Tây có thể mua lại tài sản này của nhà đầu tư Nga bằng chính tài sản của nhà đầu tư phương Tây đang bị kẹt ở Nga.
Chương trình này lần đầu tiên được đưa ra theo sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 11 năm ngoái, và Bộ Tài chính Nga sau đó đã bổ nhiệm Investitsionnaya Palata, một công ty môi giới không nằm trong danh sách trừng phạt của phương Tây, để tổ chức sàn giao dịch.
Tuy nhiên, các giao dịch hoán đổi tài sản sẽ liên quan đến Trung tâm lưu ký thanh toán quốc gia (NSD) của Sở giao dịch chứng khoán Moscow (MOEX), nơi tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch chứng khoán. Theo Ủy ban châu Âu, sự tham gia của NSD khiến nhà đầu tư EU không thể tham gia vào các giao dịch hoán đổi, do bên lưu ký này được liệt kê trong danh sách đen trừng phạt của EU.
“Các cá nhân và thực thể EU sẽ bị cấm tham gia vào một chương trình 'hoán đổi tài sản' do sự tham gia của NSD. Tất cả các quỹ và nguồn lực kinh tế thuộc về, sở hữu, nắm giữ hoặc kiểm soát của NSD phải bị đóng băng và không có quỹ hoặc nguồn lực kinh tế nào có thể được cung cấp cho NSD, dù trực tiếp hay gián tiếp”, cơ quan quản lý cho biết.
Đại diện của công ty môi giới Nga trước đó đã giải thích rằng cơ chế trao đổi sẽ được thiết kế theo cách giảm thiểu vai trò của NSD, với việc bên lưu ký bị cấm tính phí cho các khoản thanh toán như một phần của các giao dịch hoán đổi. Về cơ bản, NSD sẽ đóng vai trò kỹ thuật trong các giao dịch được đề xuất.
Theo Investitsionnaya Palata, các giao dịch hoán đổi tài sản dự kiến diễn ra vào ngày 12/8. Các nhà đầu tư bán lẻ của Nga đã đề nghị "hoán đổi" tổng cộng 35 tỷ rúp. Tổng cộng, khoảng 2.500 loại tài sản đã được đệ trình để trao đổi, phần lớn là cổ phiếu và chứng chỉ lưu ký cho cổ phiếu của các công ty phát hành nước ngoài như Alphabet, Tesla và Microsoft.
Chi tiêu cho chiến sự tăng vọt làm tổn hại nền kinh tế Nga
- Sự trỗi dậy và thoái trào của ‘gã khổng lồ’ năng lượng Nga Gazprom 27/07/2024 07:30
- Hungary âm thầm vay 1 tỷ USD từ các ngân hàng Trung Quốc 26/07/2024 03:43
- Bất chấp đòn giáng từ Mỹ, Trung Quốc tăng cường hợp tác năng lượng với Nga 25/07/2024 04:50
Cảnh đìu hiu ở Chợ trung tâm Móng Cái chuyên bán hàng Trung Quốc
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone