Chi tiêu cho chiến sự tăng vọt làm tổn hại nền kinh tế Nga
(VNF) - Theo Ngân hàng Trung ương Nga, tăng trưởng kinh tế của nước này dự kiến sẽ giảm khi cơ quan này công bố mức tăng lãi suất đáng kể để kiềm chế lạm phát và “làm mát” nền kinh tế quá nóng sau khi chiến sự tại Ukraine nổ ra.
Tăng lãi suất chủ chốt để kiềm chế lạm phát
Ngân hàng Trung ương Nga ngày 26/7 đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 200 điểm cơ bản lên 18%, ghi nhận mức cao nhất trong hơn hai năm.
Mức lãi suất này không thấp hơn nhiều so với mức 20% mà Nga đã áp dụng khi chiến sự mới nổ ra và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, bà Elvira Nabiullina, không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ cho đến khi tỷ lệ lạm phát trong nền kinh tế quá nóng giảm xuống.
Bà Nabiullina đã góp công chèo lái nền kinh tế Nga vượt qua sự hỗn loạn do lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm bóp nghẹt cỗ máy chiến sự của nước này.
Trong khi Điện Kremlin thường “khoe” về dự đoán tăng trưởng GDP của Nga trong năm nay là 2,9%, thì các chuyên gia cho rằng bản chất của sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi chi tiêu quân sự kỷ lục cho cuộc chiến tại Ukraine. Việc mất quân số lớn và làn sóng di cư đã gây ra tình trạng thiếu hụt lao động, làm tăng tiền lương và lạm phát.
"Rủi ro lạm phát liên quan đến lệnh trừng phạt đã thành hiện thực", bà Nabiullina phát biểu tại một cuộc họp báo cuối tuần qua.
Bà Nabiullina đã bác bỏ một đề xuất trước đó từ tỷ phú Igor Sechin, CEO của "gã khổng lồ" dầu mỏ Rosneft, rằng hãy học theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc khi ngân hàng này vừa công bố đợt giảm lãi suất cho vay chính sách kỳ hạn 1 năm mạnh nhất kể từ tháng 4/2020.
Bà Nabiullina nhấn mạnh rằng điều kiện kinh tế ở Nga và Trung Quốc là khác nhau. "Hiện nay, Trung Quốc đang cân bằng quanh mức lạm phát bằng 0, họ đang theo đuổi một chính sách hoàn toàn trái ngược với chúng ta vì nhiệm vụ của chúng ta là giảm lạm phát, trong khi nhiệm vụ của họ là tránh giảm phát", bà nói.
Ngân hàng Nga đã tăng lãi suất thêm 850 điểm cơ bản vào nửa cuối năm 2023, bao gồm cả đợt tăng lãi suất khẩn cấp không theo kế hoạch vào tháng 8 khi đồng rúp giảm xuống dưới 100 rúp đổi 1 USD và Điện Kremlin kêu gọi chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn.
Ông Bartosz Sawicki, nhà phân tích thị trường tại Conotoxia fintech, chia sẻ với Newsweek rằng: "Kế hoạch ban đầu về việc bắt đầu cắt giảm lãi suất vào nửa cuối năm nay đã phải hủy bỏ vì lạm phát có dấu hiệu vượt khỏi tầm kiểm soát".
"Thay vào đó, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nữa phải được ban hành trong nỗ lực ‘làm mát’ nền kinh tế thời chiến đang quá nóng. Chi tiêu quân sự, chiếm khoảng 7% GDP, đã dẫn đến mất cân bằng kinh tế vĩ mô nghiêm trọng, bắt đầu gây ra hậu quả", ông Bartosz nhấn mạnh thêm.
Đi chệch khỏi con đường tăng trưởng cân bằng
Ngân hàng Trung ương Nga cũng lưu ý rằng "nền kinh tế Nga đang đi chệch khỏi con đường tăng trưởng cân bằng" và chỉ ra tình trạng thiếu hụt lao động cùng sự mở rộng liên tục của hoạt động cho vay bán lẻ và doanh nghiệp là những yếu tố chính dẫn đến lạm phát cao.
Ngay trước khi công bố lãi suất, Điện Kremlin cho biết có "nhiều quan điểm khác nhau về tình trạng nền kinh tế quá nóng". Điện Kremlin nói thêm rằng "các biện pháp cần thiết đang được thực hiện".
Bà Nabiullina dự đoán GDP của Nga sẽ tăng 4% trong năm nay nhưng sẽ giảm vào năm 2025 xuống mức tối đa là 1,5%, hoặc 0,5% trong kịch bản bi quan nhất, thấp hơn tám lần so với dự đoán cho năm 2024.
Bà cho biết: "Nền kinh tế vẫn đang trong tình trạng quá nóng", đồng thời nói thêm rằng lực lượng lao động và năng lực sản xuất dự trữ "gần như đã cạn kiệt".
Những yếu tố này có nghĩa là tăng trưởng có thể chậm lại bất kể mọi nỗ lực thúc đẩy nhu cầu. "Sự thúc đẩy này sẽ chỉ đẩy nhanh lạm phát hơn nữa. Đây thực sự là một kịch bản đình lạm mà chỉ có thể được ngăn chặn bằng cách suy thoái sâu", Bà Nabiullina nhận định.
Tình trạng đình lạm là sự xuất hiện đồng thời của tăng trưởng chậm, tỷ lệ thất nghiệp cao và giá cả tăng. Bà cho biết việc tăng lãi suất "sẽ giúp ngăn chặn một kịch bản như vậy".
Điều này xảy ra khi lạm phát giá tiêu dùng (CPI) đã tăng trong tháng thứ sáu liên tiếp. Mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Nga là giảm mức này xuống còn 4% vào cuối năm sau đang "bị đe dọa bởi các lệnh trừng phạt quốc tế dẫn đến chi phí thanh toán xuyên biên giới cao hơn và giá nhiên liệu tăng cao".
Ông nói thêm rằng "một phần nguyên nhân có thể là do tình trạng ngừng hoạt động của nhà máy lọc dầu do các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine", ám chỉ đến việc Kiev tăng cường các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động xuất khẩu chính của Nga.
Sự trỗi dậy và thoái trào của ‘gã khổng lồ’ năng lượng Nga Gazprom
- Apple bị ‘hất’ khỏi top 5 khi các hãng điện thoại Trung Quốc thống trị thị trường 26/07/2024 04:27
- Hungary âm thầm vay 1 tỷ USD từ các ngân hàng Trung Quốc 26/07/2024 03:43
- TT Biden bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng và ‘tương lai bất định’ của Ukraine 26/07/2024 07:00
Cảnh đìu hiu ở Chợ trung tâm Móng Cái chuyên bán hàng Trung Quốc
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone