TT Biden bỏ cuộc đua vào Nhà Trắng và ‘tương lai bất định’ của Ukraine
(VNF) - Sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Joe Biden vốn được xem là yếu tố then chốt giúp Ukraine có thể tự vệ trước Nga. Giờ đây, khi ông rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng và cựu Tổng thống Donald Trump là ứng cử viên hàng đầu, Ukraine dường như sẽ phải đối mặt với tương lai bất định.
Vị tổng thống "nặng lòng” với Ukraine
Trong thời gian giữ chức Phó tổng thống Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, ông Biden đã đến thăm Ukraine 6 lần. Ông Biden từng nói đùa rằng ông đã dành nhiều thời gian nói chuyện điện thoại với Tổng thống Ukraine khi đó là ông Petro Poroshenko hơn là với vợ mình.
Với tư cách là tổng thống Mỹ, ông Biden đã có chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine vào tháng 2/2023, một năm sau khi Moscow đưa quân tới Ukraine, để gặp người kế nhiệm ông Poroshenko là ông Volodymyr Zelensky và cam kết tăng thêm viện trợ quân sự và tài chính cho nước này.
Và ngay sau khi ông Biden công bố sẽ rời khỏi cuộc đua tổng thống Mỹ năm 2024, ông Zelensky đã có bài phát biểu kéo dài nhiều giờ.
“Chúng tôi tôn trọng quyết định khó khăn nhưng mạnh mẽ của ông ấy. Ông ấy đã ủng hộ đất nước chúng ta trong thời điểm kịch tính nhất trong lịch sử”, Tổng thống Ukraine Zelensky viết trên mạng xã hội X.
Hiện tại, khi ông Biden đã rút khỏi cuộc đua và cựu Tổng thống Donald Trump là ứng cử viên hàng đầu để tái đắc cử vào tháng 11, nhiều người dân Ukraine lo lắng về tương lai của viện trợ quân sự và sự ủng hộ chính trị từ Washington trong bối cảnh Nga đang giành được những thành công chậm nhưng ổn định trên chiến trường.
“Điều hiển nhiên là ông Trump sẽ khởi xướng các cuộc đàm phán với Nga về việc chấm dứt chiến sự, nhưng các điều kiện của các cuộc đàm phán này vẫn chưa rõ ràng”, nhà phân tích chính trị Ukraine Volodymyr Fesenko nói với hãng tin Al Jazeera.
Theo ông Fesenko, mấu chốt vấn đề hiện nay là “sự không chắc chắn”.
Ông Fesenko không nghĩ rằng ông Trump sẽ buộc Ukraine phải công nhận các khu vực bị chiếm đóng ở miền đông và miền nam Ukraine là một phần của Nga vì "điều đó có nghĩa là Mỹ sẽ thất bại, điều mà ông Trump không thể chấp nhận được".
Phần lớn sự không chắc chắn liên quan đến chính sách về Ukraine của đảng Cộng hòa và khả năng ra quyết định khó lường của ông Trump.
Trước đó, ông Trump đã tuyên bố rằng ông có thể chấm dứt chiến sự Ukraine trong vòng một ngày, và theo một số nguồn tin, điều đó có thể bao gồm việc thúc đẩy Ukraine nhượng lại lãnh thổ cho Nga.
Người đồng hành tranh cử của ông Trump là ông JD Vance đã nói rằng ông "không quan tâm đến Ukraine theo cách này hay cách khác" và muốn Washington ngừng hỗ trợ hoàn toàn cho nước này.
Tuy nhiên, có nhiều nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa hiện đang thúc giục Washington tăng viện trợ cho Ukraine.
"Ông Trump có thể sẽ tìm kiếm lập trường trung dung, một cách tiếp cận cân bằng. Nhưng lập trường thực sự của ông ấy sẽ chỉ có thể hiểu được sau cuộc bầu cử", nhà phân tích Fesenko nhận định.
“Tương lai bất định” với Ukraine
Cho đến nay, ông Trump nhiều lần tuyên bố rằng ông sẽ sử dụng nghệ thuật đàm phán của mình để chấm dứt xung đột Ukraine ngay lập tức.
“Tôi sẽ giải quyết cuộc chiến giữa Putin và Zelenskyy với tư cách là tổng thống đắc cử trước khi tôi nhậm chức tổng thống vào ngày 20/1”, ông tuyên bố trong cuộc tranh luận trên truyền hình với ông Biden vào ngày 27/6.
Tuy nhiên, ông Trump chưa bao giờ trình bày một kế hoạch chi tiết, cũng chưa nêu tên nhóm an ninh tương lai sẽ giúp làm trung gian cho cuộc xung đột.
Ông Zelensky và ông Trump đã đã có một cuộc điện đàm vào tuần trước, chỉ hai ngày trước khi ông Biden tuyên bố rời cuộc đua, nhưng nội dung về cuộc trò chuyện được giữ kín.
Một phụ tá của Tổng thống Ukraine Zelenskyy nói với Politico rằng cuộc gọi diễn ra "cực kỳ tốt", trong khi ông Trump đánh giá là "rất tốt".
Nhà phân tích người Đức Nikolay Mitrokhin của Đại học Bremen cho biết cuộc điện đàm này là khởi đầu tốt đẹp cho một mối quan hệ trong tương lai mà hiện tại chỉ là một "trang giấy trắng".
Ông Mitrokhin cho rằng dưới thời ông Trump, Ukraine có thể mất hỗ trợ tài chính từ Mỹ, nhưng sẽ nhận được vũ khí như xe bọc thép, thứ mà ông Biden vẫn miễn cưỡng từ chối.
Hơn một nửa người Mỹ vẫn kiên quyết ủng hộ việc hỗ trợ Ukraine vì vậy cách ứng xử với cuộc chiến của Ukraine và Nga là một bài toán quan trọng đối với bất kỳ tổng thống Mỹ nào trong tương lai.
Trung tướng Ihor Romanenko, cựu Phó Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Ukraine, nói với Al Jazeera rằng: "Góc nhìn về Ukraine có tầm quan trọng hàng đầu trong cuộc đua tổng thống này".
Theo các nhà quan sát, Phó tổng thống của ông Biden, bà Kamala Harris, người được ông ủng hộ để tranh cử tổng thống, có thể muốn tăng viện trợ cho Ukraine để cải thiện tỷ lệ ủng hộ của bà.
Trong cuộc gặp duy nhất giữa bà Harris và ông Zelenskyy bên lề hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ vào giữa tháng 6, Phó tổng thống Mỹ Harris đã "tái khẳng định" sự ủng hộ của Washington.
Tuy nhiên, ông Romanenko cho biết bất kỳ quyết định nào của Washington nhằm tăng cường viện trợ đều phải "nhanh chóng, mạnh mẽ và liên quan đến phần lớn vũ khí hiện đại".
Theo ông Romanenko, chỉ có điều này mới có thể giúp ích cho tình hình ở tiền tuyến, đặc biệt là ở miền đông Ukraine.
Ukraine bất giờ dịu giọng, tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Nga
- Ngành hàng không cần thêm 2,4 triệu nhân sự 24/07/2024 11:27
- Bất chấp đòn giáng từ Mỹ, Trung Quốc tăng cường hợp tác năng lượng với Nga 25/07/2024 04:50
- ‘Màn hình xanh chết chóc’ khiến các công ty Fortune 500 thiệt hại 5,4 tỷ USD 25/07/2024 03:28
'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.