Hà Tĩnh: Dự án chăn nuôi bò Bình Hà 4.500 tỷ đồng sẽ được tái cơ cấu?
Nguyễn Phượng -
17/07/2019 16:47 (GMT+7)
(VNF) - Kết luận tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII, Bí thư tỉnh ủy Lê Đình Sơn cho biết dự án chăn nuôi bò Bình Hà đã mang lại nhiều kỳ vọng cho Hà Tĩnh nhưng đến nay phải khẳng định dự án này không thành công. Hà Tĩnh sẽ xem xét việc tái cơ cấu dự án này.
Tại kỳ họp, thừa ủy quyền của UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) báo cáo các nội dung liên quan đến diện tích rừng thu hồi phục vụ dự án chăn nuôi bò Bình Hà, tình trạng người dân lấn chiếm rừng sau khi dự án ngưng triển khai.
Tuy nhiên, các nội dung mà dư luận quan tâm như: Dự án có được tiếp tục triển khai hay không? Nếu có thì theo phương án nào? Nếu không thì khi nào thực hiện trả lại đất rừng cho địa phương để người dân có đất sản xuất, chăn nuôi?... được tư lệnh ngành NN&PTNT tỉnh thông tin rằng phải chờ sau khi có kết quả điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra (CQCSĐT) Bộ Công an và chờ Công ty Bò Bình Hà tái cấu trúc.
“Hiện nay UBND tỉnh đang chờ kết quả điều tra của CQCSĐT Bộ Công an và chờ Công ty bò Bình Hà tái cấu trúc để có người chủ trì, điều hành. Khi có kết luận của cơ quan điều tra thì tỉnh mới có căn cứ để yêu cầu Công ty Bình Hà tiếp tục tái cơ cấu theo hướng nào”- ông Việt nói.
Ông Việt gợi mở một hướng xử lí đối với quỹ đất nằm trong quy hoạch cho dự án chăn nuôi bò Bình Hà nhưng chưa triển khai giao đất, đó là tỉnh đang nghiên cứu xem xét dành diện tích đất này để thu hút các dự án nông nghiệp công nghệ cao.
Phát biểu kết luận phần chất vấn, liên quan đến dự án bò Bình Hà, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết, đây là một dự án mang lại nhiều kỳ vọng nhưng đến hôm nay chúng ta phải khẳng định dự án này không thành công.
Hệ lụy của dự án kéo theo nhiều vấn đề phức tạp. Theo ông Sơn, dự án đang trong quá trình điều tra mà người dân đã tự tiện lấn đất, chiếm đất trên 200ha thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư cũ đó là công ty Bình Hà. "Đất giao cho anh thì anh phải quản lý", ông nói.
"Vừa qua tôi được biết là doanh nghiệp đã thuê đơn vị khác quản lý nhưng mà dân vẫn lấn chiếm", ông Sơn thông tin.
Tuy nhiên, việc dân lấn chiếm đất của doanh nghiệp thì trách nhiệm thứ 2 thuộc về chính quyền địa phương. "Dân là của chúng ta, vậy chúng ta phải tuyên truyền cho dân không được vi phạm pháp luật", ông Sơn nhấn mạnh.
Đồng thời, chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh cũng quy trách nhiệm đối với các sở, ngành liên quan và yêu cầu cần có giải pháp cụ thể để giúp dân hiểu được vấn đề tránh tự phát vi phạm pháp luật.
"Quan điểm nhất quán đó là chúng ta cần phải rà soát, ưu tiên người dân sản xuất nhưng đồng thời cần có doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp để phát triển", ông Sơn khẳng định.
Về hướng giải quyết vấn đề liên quan đến dự án, ông Sơn cho hay, UBND tỉnh Hà Tĩnh sẽ bàn và thống nhất về việc tái cơ cấu lại dự án. Tuy nhiên, nếu cứ tình trạng dự án như hiện nay, không tìm ra hướng giải quyết mà chúng ta bàn đến tái cơ cấu, thu hút các dự án lớn thì sẽ rất khó khăn.
Dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt do Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà làm chủ đầu tư là một "siêu dự án" trong lĩnh vực nông nghiệp, thuộc hàng các dự án nông nghiệp lớn nhất miền Bắc.
Theo quyết định bổ sung quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư và giới thiệu địa điểm khảo sát thực hiện dự án mà UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành vào ngày 15/4/2015, tổng diện tích dự kiến khảo sát của dự án khoảng 6.119,28 ha; quy mô đầu tư dự kiến là 150.000 con bò/năm; tổng mức đầu tư dự kiến là 4.223 tỷ đồng.
Để thực hiện dự án này, Công ty Bình Hà đã vay vốn từ BIDV. Theo thông tin từ BIDV, Công ty Bình Hà có kế hoạch vay ngân hàng này 2.190 tỷ đồng (tương ứng 76% tổng mức đầu tư) do BIDV – Chi nhánh BIDV Hà Tĩnh làm đầu mối cho vay, trong đó BIDV Hà Tĩnh sẽ đầu tư 1.200 tỷ đồng. Các chi nhánh trong hệ thống cho vay số tiền còn lại.
Dự án đã gây ô nhiễm môi trường và vấp phải phản ứng gay gắt của người dân địa phương ngay khi mới bắt đầu hoạt động. Sau 3 năm dự án nuôi bò khủng này chính thức đổ bể vào giữa năm 2018. Trong lúc ngắc ngoải, Công ty Bình Hà chuyển một phần đất trồng cỏ nuôi bò sang trồng chuối để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, do chắp vá, thiếu quản lí, thiếu vốn đầu tư nên nguồn thu từ chuối không đủ bù chi các hoạt động của công ty, nợ lương công nhân kéo dài nhiều tháng.
Liên quan đến dự án, ngày 29/3/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng BIDV và Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà. Cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt giam một số lãnh đạo công ty, trong đó có ông Trần Duy Tùng, con trai ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch BIDV).
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone