Hà Tĩnh: Một doanh nghiệp điêu đứng vì chính quyền… đòi lại tiền tạm ứng sau 8 năm
Anh Hùng -
15/08/2019 13:28 (GMT+7)
(VNF) - Một nhà thầu ở Hà Tĩnh vừa bị… cơ quan quản lý nhà nước đòi lại tiền tạm ứng cho một gói thầu đã được triển khai từ cách đây 8 năm.
Gói thầu hy hữu
Ngày 15/11/2011, Công ty Cổ phần tư vấn và xây dựng Hồng Lam (Công ty Hồng Lam) ký hợp đồng số 01 về việc tư vấn khảo sát địa hình, địa chất công trình cho Trụ sở làm việc của một cơ quan thuộc UBND tỉnh Hà Tĩnh với giá trị hợp đồng là 711.769.535 Công ty Hồng Lam đã hoàn thành công việc khảo sát ở hiện trường và lập hồ sơ báo cáo công tác khảo sát địa hình, địa chất để nộp cho chủ đầu tư.
Đến tháng 12/2011, đơn vị tư vấn được Chủ đầu tư cho tạm ứng số tiền là 200.000.000 đồng (Hai trăm triệu đồng). Sau đó đơn vị tư vấn lập hồ sơ nghiệm thu thanh toán gửi Chủ đầu tư nhưng Chủ đầu tư trả lời là chưa có vốn nên chưa lập hồ sơ nghiệm thu thanh toán.
Đến năm 2013, tỉnh Hà Tĩnh có quyết định bố trí nguồn vốn trả nợ công tác chuẩn bị đầu tư cho công trình nói trên. Lúc này, Công ty Hồng Lam đến đề nghị thanh toán nhưng Chủ đầu tư làm công văn xin chuyển nguồn sang công trình sửa chữa cải tạo cổng và hàng rào trụ sở. Và sau đó UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn cân đối ngân sách địa phương năm 2013 nên hồ sơ thanh toán vẫn chưa được xác lập.
Sự việc kéo dài đến tháng 10/2018, cơ quan nói trên có công văn xin quyết toán dự án gửi UBND tỉnh, Sở Tài chính và đã được chấp thuận. Ngày 17/01/2019 các bên tổ chức họp thống nhất chủ trương đồng ý cho Công ty Hồng Lam hoàn thành hồ sơ để quyết toán. Công ty Hồng Lam đã hoàn thành hồ sơ thanh toán chi phí tư vấn khảo sát địa hình, địa chất công trình (04 bộ) nộp cho Chủ đầu tư vào ngày 13/3/2019 (có biên bản bàn giao hồ sơ), theo đó số tiền cần được thanh toán là 511.769.535 (ngoài phần đã tạm ứng).
Tuy nhiên, đến ngày 10/6/2019 đơn vị tư vấn nhận được thông báo đến… nhận lại hồ sơ thanh quyết toán mà không rõ lý do. Đồng thời, cơ quan này cũng yêu cầu Công ty Hồng Lam phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng cách đây đã 8 năm.
“Kiến tạo” ở đâu?
Trao đổi với PV, ông Trần Hậu Phước, Giám đốc Công ty Hồng Lam cho hay việc thực hiện một hợp đồng là trách nhiệm của mỗi bên. Tuy giá trị hợp đồng không lớn nhưng sự việc quá kéo dài và cơ quan nhà nước hành xử như vậy là rất tùy tiện, vô cảm với doanh nghiệp.
Ông Phước cho hay sẽ không chấp nhận hoàn trả số tiền đã tạm ứng để thực hiện hợp đồng. Nếu sự việc không được giải quyết, theo điều 17 của hợp đồng, Công ty Hồng Lam sẽ đưa vụ việc ra Tòa án.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những vấn đề mấu chốt của vụ việc là tại cơ quan này đã có sự thay đổi lãnh đạo cao nhất trong thời gian qua, dẫn tới việc lãnh đạo mới không muốn thực hiện các nghĩa vụ hợp đồng mà lãnh đạo cũ đã ký.
Trong các phát biểu gần đây, thông điệp “kiến tạo” vẫn luôn được các lãnh đạo Hà Tĩnh nhấn mạnh mỗi khi phát biểu về môi trường đầu tư, kinh doanh.
Hiện tại, Công ty Lam Hồng cũng đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động. Dù rất bức xúc nhưng Công ty Hồng Lam cũng đang hy vọng UBND tỉnh Hà Tĩnh sẽ có sự chỉ đạo đầy đủ, quyết liệt để xử lý sự việc, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.