Hải Hà, Xuyên Việt Oil bị dừng nhập khẩu xăng dầu: Lo thiếu hụt xăng dầu?

Kỳ Thư - 01/02/2024 23:08 (GMT+7)

(VNF) - Trước lo ngại về việc hai ‘ông trùm’ xăng dầu bị dừng thủ tục hải quan sẽ gây nên tình trạng thiếu xăng dầu, nhiều chuyên gia cho rằng: "không phải là vấn đề qua lo ngại"

VNF
Hai ‘ông trùm’ xăng dầu bị dừng thủ tục hải quan: Thị trường xăng dầu không lo thiếu hụt

Tổng cục Hải quan vừa có văn bản yêu cầu các Cục Hải quan dừng thực hiện thủ tục hải quan đối với xăng dầu và nguyên liệu xuất nhập khẩu của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà và Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil.

Theo Tổng cục Hải quan, 2 doanh nghiệp này đã bị Bộ Công Thương thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Đến thời điểm hiện tại, 2 doanh nghiệp này không đủ điều kiện thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu, gia công xuất khẩu xăng dầu và nguyên liệu để pha chế xăng dầu.

Đáng nói, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà và Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil đuợc cho là hai 'ông lớn' trong lĩnh vực xăng dầu. Nên khi hai doanh nghiệp này bị dừng thông quan, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về thiếu hụt xăng dầu.

Về vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa – Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, đây không phải là vấn đề đáng lo ngại.

“Đương nhiên, trước mắt khi 2 doanh nghiệp này bị dừng thủ tục thông quan thì thị trường sẽ thiếu mất đi một nguồn cung nhưng hạn gạch cho hai doanh nghiệp này được cấp không quá nhiều nên không thể gây nên tình trạng xáo trộn trên thị trường xăng dầu”, ông Thoả nói.

Đối với hạn mức đã cấp cho hai doanh nghiệp này, ông Thoả cho rằng hoàn toàn có thể chuyển sang cho doanh nghiệp khác để đảm bảo được việc cung ứng xăng dầu ra bình thường.

Ở góc độ là cơ quan quản lý nhà nước, bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, sau khi thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà và Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil, Bộ Công thương đã ban hành công văn về việc thu hồi chỉ tiêu tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 đã phân giao cho công ty để cân đối điều chỉnh tổng nguồn phù hợp.

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước cũng như các tỉnh, thành phố mà 2 công ty này có hệ thống phân phối, Bộ Công thương đã đề nghị Sở Công thương các tỉnh có phương án đảm bảo nguồn cung, trao đổi với các đầu mối kinh doanh xăng dầu khác và các thương nhân phân phối xăng dầu sẵn sàng cung ứng bù đắp cho thị trường.

Ngoài ra, Bộ cũng có văn bản gửi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam - Công ty cổ phần, Công ty TNHH MTV - Tổng công ty xăng dầu Quân đội đề nghị các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp, góp phần đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trên địa bàn các tỉnh, thành phố nêu trên, nhất là trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới.

Bộ Công Thương cũng giao Vụ Thị trường trong nước theo dõi chặt chẽ việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu phù hợp với tình hình thị trường, tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.

Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam bà Trần Tuyết Mai - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà - do không nộp số tiền trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và sử dụng tiền Quỹ Bình ổn giá trái quy định của pháp luật, gây thất thoát tài sản nhà nước hơn 317 tỷ đồng.

Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà gây chú ý trong thời gian gần đây khi liên tục bị điểm tên vì nợ thuế lớn. Ngoài ra, sau khi được cấp giấy phép, Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà không đảm bảo hệ thống phân phối theo quy định. Cụ thể, năm 2018 Hải Hà Petro có 36/40 đại lý bán lẻ xăng dầu; năm 2019 có 34/40 đại lý bán lẻ; năm 2020 có 39/40 đại lý bán lẻ và năm 2021 có 38/40 đại lý bán lẻ xăng dầu.

Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà cũng bị đề xuất xử lý về hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình kê khai và nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, cũng như việc sử dụng quỹ bình ổn giá không đúng mục đích.

Theo kết luận thanh tra, Hải Hà Petro đã trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với khối lượng xăng dầu vượt so với khối lượng trên sổ sách 110.242 m3. Từ đó dẫn đến trích lập Quỹ Bình ổn giá sai, vượt khối lượng. Ngoài ra, công ty này thường xuyên nợ thuế bảo vệ môi trường nhưng đến ngày 16/2/2023, Cục Thuế tỉnh Thái Bình mới có văn bản về việc nộp tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước. Qua đó xác nhận tại thời điểm 31/12/2022, công ty còn nợ ngân sách tiền thuế bảo vệ môi trường 1.114 tỷ đồng.

 

Cùng chuyên mục
Tin khác