'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Ba trụ cột hấp dẫn FDI
Nhiều năm trở lại đây, Hải Phòng liên tục nằm trong top đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, Hải Phòng tập trung thu hút các nhà đầu tư sản xuất công nghệ cao, sử dụng ít năng lượng, thân thiện với môi trường có tiềm lực, đóng góp lớn cho thành phố theo 3 trụ cột phát triển công nghiệp công nghệ cao, cảng biển – logistics, du lịch - thương mại.
Trong năm 2023, thu hút FDI của Hải Phòng đạt kỷ lục mới, đứng thứ hai cả nước chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, Hải Phòng thu hút 3,6 tỷ USD với 62 dự án cấp mới và 37 dự án điều chỉnh tăng vốn, đạt 175% kế hoạch giao, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2022. Luỹ kế đến cuối 12/2023, Hải Phòng có 933 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 28,9 tỷ USD.
Trong năm 2023, có 16 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư dự án tại Hải Phòng. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đăng ký đạt 540,6 triệu USD, chiếm 36,67% tổng vốn đầu tư; Singapore đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đạt 454,8 triệu USD, chiếm 31,69% tổng vốn đầu tư; Trung Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đăng ký đạt 204,2 triệu USD, chiếm 14,23% tổng vốn đầu tư.
Cũng trong năm 2023 đã có nhiều dự án quy mô lớn chọn Đất Cảng để ‘đại bản doanh’ như: Dự án Nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance của chủ đầu tư Ecovance Co.Ltd (Hàn Quốc) có vốn đăng ký lớn nhất, đạt 500 triệu USD; Dự án nhà ở Nam Long – Thủy Nguyên của chủ đầu tư Công ty TNHH VSIP Hải Phòng (Singapore) với số vốn đăng ký là 93,4 triệu USD; Dự án nhà máy sản xuất, lắp ráp pin Vanani và pin dòng oxy hóa khử để lưu trữ năng lượng của chủ đầu tư VRB Energy International Pte. Limited (Singapore) với vốn đăng ký 83,7 triệu USD; Dự án khai thác tàu container của chủ đầu tư Zim Intergrated Shipping Services LTD (Isarel) với tổng vốn đăng ký 60 triệu USD.
Trong các dự án điều chỉnh tăng vốn năm 2023, lớn nhất là Dự án nhà máy của Công ty TNHH LG Innotek Việt Nam Hải Phòng, vốn đầu tư điều chỉnh tăng 1 tỷ USD; tiếp đến là Dự án sản xuất máy và thiết bị của Công ty TNHH Công nghệ máy văn phòng Kyocera Việt Nam điều chỉnh tăng 237,5 triệu USD và Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện nhựa, linh kiện điện tử của Công ty TNHH Hanmiflexible Vina điều chỉnh tăng 80 triệu USD.
Năm 2024, nhằm tiếp tục thu hút nhiều nguồn lực sớm đưa Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, Hải Phòng xác định đầu tư ngước ngoài là một nguồn vốn quan trọng và đặt mục tiêu thu hút 2 - 2,5 tỷ USD vốn FDI.
Ông Bùi Ngọc Hải - Phó trưởng Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng cho biết, Hải Phòng dự kiến sẽ thành lập một khu thương mại tự do, áp dụng luật pháp hoàn toàn mới, sẽ là động lực, sinh khí mới hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của thành phố
Sự lựa chọn để vươn tầm
Theo định hướng, Hải Phòng tập trung phát triển ba trụ cột nền kinh tế là: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển – logistics, du lịch – thương mại; chú trọng lựa chọn thu hút các dự án lớn, công nghệ cao có vai trò dẫn dắt, đóng góp lớn cho thành phố. Trong đó, thu hút vốn FDI theo bốn định hướng lớn là: chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững, có sự cam kết chuyển giao công nghệ, cùng với đó là phát triển các khu công nghiệp chuyên ngành, có tính liên kết theo chuỗi sản xuất, chuỗi hỗ trợ cung ứng.
Hải Phòng cũng khuyến khích các nhà đầu tư tập trung cho việc phát triển mô hình KCN sinh thái, phát triển KCN bền vững. Khuyến khích các nhà đầu tư tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng điện mặt trời áp mái, sử dụng các công nghệ sản xuất bảo vệ môi trường. Đặc biệt, ưu tiên các hoạt động đổi mới sáng tạo, đầu tư xây dựng các bộ phận, trung tâm nghiên cứu tại thành phố Hải Phòng phát triển các lĩnh vực mới: kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, sinh thái.
Với định hướng đó. Hải Phòng đã ban hành Danh mục các dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư, đầu tư có điều kiện và không chấp thuận đầu tư trên địa bàn thành phố giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 làm cơ sở xúc tiến, thu hút đầu tư vào thành phố.
Trong thời gian tới, Hải Phòng tiếp tục tập trung mở rộng thu hút đầu tư từ các thị trường chiến lược từ khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á. Tập trung thu hút hiệu quả hơn từ các quốc gia khác, đặc biệt là Mỹ và các nước châu âu để đa dạng hóa nguồn vốn FDI cũng như đẩy mạnh chuyển giao công nghệ liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong nước.
Để tăng tính hấp dẫn và hỗ trợ thiết thực cho các nhà đầu tư, Hải Phòng coi trọng việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng. Cùng với đó, Thành phố có nhiều chính sách khuyến khích phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistic, bố trí quỹ đất phù hợp thu hút đầu tư hệ thống trung tâm logistic đạt tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Đáng chú ý, Hải Phòng đang tập trung triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025 định hướng đến năm 2030; đẩy nhanh xây dựng các dự án nhà ở công nhân; nghiên cứu đề xuất thành lập khu thương mại tự do trong khu kinh tế biển ven biển phía Nam Hải Phòng…
Đại diện Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng nhấn mạnh, những nỗ lực trên nhằm nâng cao đồng bộ lợi thế vượt trội về kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, tập trung kiến tạo những lợi thế mới và hình thành các hệ sinh thái sản xuất và dịch vụ cho các sản phẩm chủ lực; tập trung giải quyết tốt nhà ở cho người lao động và đào tạo, thu hút lao động chất lượng cao… tạo nền tảng tốt để đón các nhà đầu tư chất lượng cao đến với Hải Phòng.
Đồng thời, Hải Phòng luôn coi trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thành phố cũng thường xuyên đối thoại, lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và người dân để có phản ứng chính sách kịp thời; giải quyết ngay và dứt điểm những vướng mắc, bất cập của môi trường đầu tư, kinh doanh.
Ghi nhận những nỗ lực của thành phố trong cải cách môi trường kinh doanh, ông Ko Tae Yeon - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Hải Phòng cho biết: “Hải Phòng đã thể hiện được sự thân thiện và hỗ trợ tối đa với nhà đầu tư nước ngoài. Các cơ quan quản lý, đặc biệt Ban Quản lý Khu Kinh tế (Heza) luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và đưa ra các giải pháp để cùng DN tháo gỡ các khó khăn để cùng phát triển.”
Việc xúc tiến đầu tư tại chỗ, đầu tư trực tuyến, thu hút các dự án lớn công nghệ cao có vai trò dẫn dắt, có đóng góp lớn cho thành phố được quan tâm.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.