Hàng tỷ USD đầu tư xanh: Vẫn trông chờ tín dụng ngân hàng
(VNF) - Hiện nay, tín dụng xanh từ ngân hàng vẫn là công cụ huy động vốn chủ yếu cho đầu tư xanh và các dự án xanh. Còn thị trường trái phiếu xanh khá mới mẻ, quy mô chỉ chiếm khoảng 1% thị trường trái phiếu.
- Nắn dòng tín dụng xanh đến các 'mầm xanh' kinh tế 30/09/2024 07:00
Trái phiếu xanh còn khá mới mẻ
Số liệu công bố tại hội thảo 'Tài chính xanh: Chia sẻ lợi ích – rủi ro giữa doanh nghiệp và ngân hàng' mới đây cho biết, tính đến 30/6/2024 đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 650.300 tỷ đồng, tăng 4,71% so với cuối năm 2023, chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (chiếm gần 30%).
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh năm 2023, các hoạt động kinh tế xanh tại Việt Nam đã giúp tạo ra 6,7 tỷ USD vào năm 2020, chiếm khoảng 2% tổng GDP. Trong đó 83% đến từ các ngành: lĩnh vực năng lượng với 41%, các hoạt động nông - lâm nghiệp với 28%, và hoạt động công nghiệp với 14%; 17% còn lại đến từ các ngành giao thông và vận tải, xử lý chất thải và xây dựng. Ước tính vào năm 2020, nền kinh tế xanh đem lại được hơn 400.000 việc làm.
Theo Viện Nghiên cứu Tăng trưởng xanh toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 13/43 quốc gia châu Á về Chỉ số tăng trưởng xanh vào năm 2022. Tại báo cáo đầu tư toàn cầu 2022 của UNCTAD, Việt Nam đứng thứ 2 trong số các quốc gia đang phát triển về tỷ lệ vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo. Giai đoạn 2015-2022, vốn đầu tư cho các nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam đạt 106,5 tỷ USD, tương đương 31% tổng nguồn vốn đầu tư, xếp thứ 2 trong các quốc gia đang phát triển trên thế giới, chỉ sau Brazil.
Đối với nguồn vốn cho tín dụng xanh, dù đã nỗ lực huy động các nguồn vốn từ thị trường phi tín dụng, nhưng nhìn chung tín dụng xanh từ ngân hàng vẫn là công cụ huy động vốn chủ yếu cho các dự án xanh. Còn thị trường trái phiếu xanh khá mới mẻ, quy mô chỉ chiếm khoảng 1% thị trường trái phiếu.
Tín dụng xanh vẫn còn hạn chế bởi các giải pháp của ngành ngân hàng còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, Việt Nam chưa có quy định chung về danh mục phân loại xanh phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế để các tổ chức tín dụng có cơ sở đánh giá cụ thể đối với từng dự án trong quá trình thẩm định cho vay, tập trung, ưu tiên bố trí nguồn vốn hợp lý tài trợ cho các dự án thuộc danh mục phân loại xanh.
Theo TS. Trần Du Lịch từ năm 2015, Việt Nam đã bắt đầu quy trình sử dụng tín dụng xanh thông qua hoạt động của Ngân hàng Nhà nước. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước cùng IMF ban hành sổ tay hướng dẫn về tín dụng xanh, sau đó là một loạt hướng dẫn. Tốc độ tăng trưởng của tín dụng xanh Việt Nam khá cao, nhưng tỷ lệ tín dụng xanh trong tổng dư nợ tín dụng vẫn còn thấp. Chủ yếu ở nước ta mới có tín dụng xanh trong lĩnh vực năng lượng, còn các lĩnh vực khác khá khiêm tốn. Năm 2023 tín dụng xanh mới có khoảng 500.000 tỷ đồng trong tổng dư nợ tín dụng khoảng 14,7 triệu tỷ đồng, còn khá khiêm tốn.
Nhu cầu tín dụng xanh rất lớn
Theo TS. Trần Du Lịch, TP. HCM bước vào giai đoạn mới, kỷ nguyên mới trong phát triển kinh tế, trong đó trụ cột là chuyển đổi xanh và số. Riêng TP. HCM, nhu cầu tín dụng xanh, trước tiên là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, số trong KCN, ngoài KCN. Tập trung phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh trong đó có điện sinh khối, xây dựng chương trình giảm khí thải giao thông… Những việc này đòi hỏi lượng tín dụng rất lớn cho doanh nghiệp, rất cần chính sách.
Từ đó, TS Trần Du Lịch đặt vấn đề, hiện khung pháp lý đã có một số quy định nhưng để doanh nghiệp có thể tiếp cận tín dụng xanh, cần làm rõ tiêu chí xác định tín dụng xanh, thước đo môi trường. Đây là hạn chế vướng mắc lớn hiện nay.
Về nguồn vốn cho tín dụng xanh, không chỉ ngân hàng thương mại mà còn phải huy động được từ các tổ chức tài chính quốc tế. Đồng thời tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để tạo an toàn cho tổ chức tín dụng và cho người đi vay. Cùng với đó là đào tạo nguồn nhân lực và đề nghị các NHTM xây dựng đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp về tín dụng xanh để tiếp cận, tiếp cận tư vấn giảm rủi ro cho doanh nghiệp.
Cùng với đó là đa dạng hóa sản phẩm. Tín dụng xanh không chỉ tài trợ điện gió, điện mặt trời mà phải cho cả hệ sinh thái doanh nghiệp trong ngành. Dần dần các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn đều được tiếp cận tín dụng xanh. Cuối cùng, tư vấn cho doanh nghiệp giảm rủi ro. Trong đó, tăng nợ xấu là điểm rất quan trọng.
Theo TS Trần Du Lịch, chỉ khi nào con số tín dụng xanh của nền kinh tế, từ khoảng 3%, 4% lên 30-40% tổng dư nợ tín dụng thì sự chuyển biến kinh tế xanh mới được đánh giá là kết quả tốt. Đây là chỉ báo quan trọng đánh giá sự chuyển đổi xanh.
Xanh là xu thế tất yếu
Theo Ths. Nguyễn Thị Thu Hà, Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH), trong quá trình chuyển đổi xanh có cơ hội, nhưng có cả rủi ro. Bà lưu ý có 2 mục tiêu chính để hỗ trợ doanh nghiệp. Mục tiêu thứ nhất là hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi sang sản xuất xanh, ít phát thải. Mục tiêu thứ hai là nuôi dưỡng thế hệ doanh nghiệp mới. Đó là các startup công nghệ khí hậu để họ có thể tăng trưởng.
Ths. Nguyễn Thị Thu Hà phân tích, dòng vốn không chỉ đến từ ngân hàng mà còn từ quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà tài trợ tổ chức, nhà đầu tư thiên thần và các tổ chức tài chính phát triển (DFI). Đồng thời, nhìn nhận xu hướng hợp tác chéo giữa các nguồn vốn công và tư, giúp giảm rủi ro và thu hút đầu tư vào các dự án khí hậu.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn chia sẻ, mô hình kinh tế xanh trong lĩnh vực nông nghiệp cần phải có tầm nhìn dài hạn từ 10-20 năm. Bởi trong ngắn hạn, dự án có thể không có lãi, nhưng hiệu quả trong dài hạn là rất lớn. Các dự án của Hùng Nhơn đều ứng dụng công nghệ tiên tiến với quy trình khép kín từ con giống, thức ăn, cho đến chế biến giết mổ theo tiêu chuẩn, ISO, Global GAP và các tiêu chuẩn chuyên ngành quốc tế.
Đặc biệt, các dự án của Hùng Nhơn đều sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời nối lưới, sử dụng 30% điện sạch, giảm phát thải một lượng lớn CO2 so với sử dụng nguồn điện truyền thống. Doanh thu của mô hình này ước đạt 2 tỷ USD vào năm 2030.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, các thị trường lớn của dệt may Việt Nam như EU, Mỹ, Hàn Quốc hay Trung Quốc cũng bắt đầu đưa ra hàng loạt đòi hỏi về chứng chỉ xanh của ngành dệt may. Tiêu chuẩn xanh là khâu đầu tiên trong chuỗi dệt may và có đến 86 chỉ tiêu đánh giá để một đơn hàng. Chẳng hạn, theo quy định, các nhãn hàng lớn không còn được đốt nồi hơi bằng than, củi mà phải dùng nồi hơi điện để đốt vải vụn, làm tăng 15% chi phí trên giá sản xuất. Như vậy, xu thế xanh là xu thế tất yếu, doanh nghiệp phải đầu tư để đạt được 86 chỉ tiêu đánh giá.
Luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nhận xét rằng các doanh nghiệp vẫn chưa có sự chuẩn bị về mặt pháp lý trong bối cảnh chuyển đổi xanh. Nếu quản trị, chuyển đổi không tốt sẽ gây ra một số hệ quả. Điều này đòi hỏi DN phải có phương án xử lý rủi ro, trong đó có việc giải quyết các tranh chấp.
GS.TS Trần Ngọc Thơ, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cảnh báo luật chưa đề cập đến việc bảo vệ rủi ro liên quan đến khí hậu. Phát triển tín dụng xanh dài hạn thì rủi ro pháp lý lớn. Nếu Quốc hội không ghi vào Luật Ngân hàng Nhà nước về bảo đảm các 'cú sốc' trước biến đổi khí hậu thì khó để ngành cho vay xanh phát triển mạnh, bởi chỉ số rủi ro sẽ cao hơn.
TP. HCM có cơ hội ở kinh tế số, công nghệ xanh, tài chính xanh
- Trung tâm tài chính xanh: Lợi thế và điểm nghẽn của TP. HCM 28/09/2024 07:00
- Tìm nguồn tài chính xanh: Doanh nghiệp vướng từ khâu chuẩn bị 10/08/2024 07:00
- Khơi dòng tài chính xanh, hiện thực hóa mục tiêu lớn 06/08/2024 01:30
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.