Ngân hàng

HDBank kỳ vọng lợi nhuận vượt 7.200 tỷ, muốn tăng vốn lên trên 20.000 tỷ

(VNF) - Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank, HoSE: HDB) vừa công bố tài liệu ĐHCĐ thường niên năm 2021 với tăng trưởng lợi nhuận mục tiêu là 25% so với mức thực hiện năm 2020.

HDBank kỳ vọng lợi nhuận vượt 7.200 tỷ, muốn tăng vốn lên trên 20.000 tỷ

HDBank kỳ vọng lợi nhuận năm 2021 vượt 7.200 tỷ đồng

Năm 2021, HDBank dự kiến tổng tài sản tăng 25% lên 399.320 tỷ đồng. Tổng huy động (từ tiền gửi khách hàng, giấy tờ có giá, vốn tài trợ ủy thác đầu tư, tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng) dự kiến đạt 359.851 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 236.768 tỷ đồng, lần lượt tăng 25% và 26% so với mức thực hiện năm 2020.

Tỷ lệ nợ xấu dự kiến duy trì dưới hoặc bằng 2%, ROA năm 2021 kế hoạch giảm nhẹ về 1,62%, ROE tăng nhẹ lên 21,1%.

HDBank kỳ vọng lợi nhuận trước thuế thu về năm đạt 7.281 tỷ đồng, tăng 25% so với mức thực hiện năm 2020.

Được biết, lãi trước thuế của HDBank vượt mức 1.000 tỷ đồng vào năm 2016 và đạt kỷ lục vào năm 2020, thu về hơn 5.800 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận mục tiêu cao ngất ngưởng trên 7.200 tỷ đồng, có thể thấy được tham vọng của HDBank trong năm nay là không hề nhỏ.

HĐQT HDBank trình ĐHCĐ phương án phân phối lợi nhuận năm 2020 thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu cho các cổ đông với tỷ lệ 25%.

Theo đó, HDBank dự kiến phát hành hơn 402 triệu cổ phiếu mới để phân phối cho các cổ đông với tỷ lệ 100:25, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 25 cổ phiếu mới.

Sau phát hành, vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng từ 16.088 tỷ đồng lên 20.111 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021 sau khi được đại hội và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Vốn điều lệ tăng thêm dự kiến bổ sung 2.000 tỷ đồng vào nguồn vốn trung dài hạn để cho vay trung dài hạn, phần còn lại sẽ được bổ sung vào nguồn vốn lưu động của HDBank.

Ngoài ra, HĐQT ngân hàng này còn trình đại hội phương án bán hơn 15 triệu cổ phiếu quỹ cho người lao động (ESOP). Thời gian thực hiện dự kiến trong vòng 3 năm kể từ năm 2021 đến hết năm 2023, được bán thành nhiều đợt và giá bán do HĐQT quyết định.

Các cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ ngày hoàn thành từng đợt phát hành.

Một nội dung khác mà HDBank xin ý kiến cổ đông là việc chấm dứt sáp nhập Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank).

Phía HDBank cho biết HĐQT đã triển khai các thủ tục có liên quan để thực hiện giao dịch sáp nhập, trong đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập PGBank vào HDBank. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan nên đến thời điểm hiện tại, NHNN vẫn chưa có chấp thuận chính thức việc sáp nhận giữa 2 ngân hàng này, dẫn đến việc 2 bên chưa thể hoàn thành phương án.

Phía HDBank cũng tiết lộ vào tháng 6/2020, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) – cổ đông lớn nắm giữ 40% vốn điều lệ của PGBank đã gửi công văn tới HDBank, thông báo sẽ thực hiện thoái vốn tại PGBank theo quy định trong trường hợp phương án sáp nhập không được chấp thuận trước ngày 31/8/2020.

Phía PGBank mới đây cũng đã có đề nghị chấm dứt việc sáp nhập này theo Công văn số 03/2021/CV-PGB ngày 22/2/2021.

Năm 2020, HDBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 11.897 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2019. Dù chi phí hoạt động và chi phí trích lập dự phòng đều tăng khá cao so với năm 2019, lãi trước thuế năm 2020 của HDBank vẫn đạt được tăng trưởng gần 16% so với năm 2019, thu về hơn 5.818 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2020, tổng tài sản của HDBank đạt hơn 319.127 tỷ đồng, tăng 39% so với thời điểm đầu năm 2020. Trong đó, tiền gửi của khách hàng là 174.620 tỷ đồng (tăng 39%), cho vay khách hàng là 178.323 tỷ đồng (tăng 22%).

Tổng nợ xấu của HDBank tại thời điểm cuối năm 2020 tăng 18% so với đầu năm, ghi nhận hơn 2.357 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ từ 1,36% (đầu năm 2020) xuống còn 1,32% (cuối năm 2020).

Tin mới lên