Hé lộ chuyển biến đáng chú ý về nợ xấu tại Sacombank sau 9 tháng

Minh Tâm - 18/10/2019 09:09 (GMT+7)

(VNF) - Tỷ lệ nợ xấu tại Sacombank đã cải thiện rõ rệt trong 9 tháng năm nay khi giảm cả ở nội bảng và ngoại bảng tại VAMC. Ngoài ra, nợ tiềm ẩn thành nợ xấu cũng ghi nhận dấu hiệu giảm đáng kể.

VNF
Hé lộ chuyển biến đáng chú ý về nợ xấu tại Sacombank sau 9 tháng

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2019 với lợi nhuận trước thuế 1.029 tỷ đồng, gấp gần 3 lần quý III/2018.

Lũy kế 9 tháng, Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 2.491 tỷ đồng, tăng tới 90% so với cùng kỳ năm ngoái.

Động lực tăng trưởng lợi nhuận chính của Sacombank tiếp tục đến từ mảng tín dụng. 9 tháng, mảng này đem về cho Sacombank 7.405 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng tới 34%.

Trong khi đó, mảng dịch vụ cũng ghi nhận đà tăng trưởng ấn tượng khi đem về 2.130 tỷ đồng lãi thuần, tăng 21%. Mảng ngoại hối đem về 422 tỷ đồng lãi thuần, tăng 35%. Mảng mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận 53,1 tỷ đồng lãi thuần, tăng nhẹ 5%.

Đáng chú ý, các hoạt động khác đem về tới 844 tỷ đồng, tăng 177%, nhiều khả năng do tăng thu từ các khoản nợ đã xử lý.

Về chi phí, tổng chi phí hoạt động của Sacombank ở mức 6.686 tỷ đồng, tăng 22%.

Kết thúc 9 tháng năm nay, Sacombank ghi nhận lợi nhuận thuần 4.174 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, lợi nhuận trước thuế còn lại là 2.491 tỷ đồng, tăng 90%.

Tính đến hết ngày 30/9/2019, tổng tài sản của Sacombank ở mức 450.200 tỷ đồng, tăng 11% so với hồi đầu năm. Dư nợ cho vay đạt 290.476 tỷ đồng, tăng 13,2%.

Xét sâu hơn về nợ xấu, có thể thấy những chuyển biến khá tích cực trong 9 tháng qua.

Thứ nhất, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến hết ngày 30/9/2019 ở mức 2%, cải thiện so với mức 2,2% hồi đầu năm.

Thứ hai, tính toán của VietnamFinance cho thấy, nợ xấu tại VAMC có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.

Cụ thể, mặc dù báo cáo tài chính quý III/2019 không thuyết minh chi tiết nợ xấu tại VAMC nhưng nợ xấu tại VAMC được hạch toán vào khoản mục "Chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn". Do đó, giá trị nợ xấu tại VAMC tối đa bằng giá trị của khoản mục "Chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn".

Số liệu từ báo cáo tài chính cho thấy, giá trị khoản mục "Chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn" đến hết ngày 30/9/2019 là 31.627 tỷ đồng, đồng nghĩa giá trị nợ xấu tại VAMC tối đa là 31.627 tỷ đồng.

Trong khi đó, giá trị nợ xấu tại VAMC hồi đầu năm là 37.663 tỷ đồng.

Như vậy, sau 9 tháng, nợ xấu tại VAMC của Sacombank đã giảm ít nhất 6.036 tỷ đồng.

Nếu tính gộp cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu tại VAMC, tỷ lệ nợ xấu đến hết ngày 30/9/2019 của Sacombank ở mức khoảng 11,6%, cải thiện đáng kể so với mức 14,7% hồi đầu năm.

Thứ ba, lãi dự thu - chỉ báo lượng nợ xấu tiềm ẩn - đã giảm khá mạnh trong 9 tháng qua. Cụ thể, tính đến hết ngày 30/9/2019, Sacombank ghi nhận 20.610 tỷ đồng lãi dự thu, giảm hơn 2.500 tỷ đồng so với đầu năm.

Như vậy, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank đã giảm ở cả 3 kênh: nội bảng, ngoại bảng tại VAMC và tiềm ẩn tại nơi khác.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.