Hẹp cửa IPO tại phố Wall, các công ty Trung Quốc chuyển hướng tới London
Quỳnh Lê -
21/05/2020 07:08 (GMT+7)
Bắc Kinh đang thúc đẩy các công ty Trung Quốc chuyển hướng niêm yết tại Sàn giao dịch London, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang, phố Wall có thể sẽ không còn là nơi huy động vốn chính của các doanh nghiệp đến từ Đại lục.
Trong nỗ lực vực dậy chương trình đầu tư xuyên biên giới, Bắc Kinh sẽ bắt đầu xem xét lại đơn đăng ký của các công ty Trung Quốc muốn bán Chứng chỉ lưu kí toàn cầu (Global Depositary Receipt - GDR) trên Sàn giao dịch chứng khoán London (LSE) thông qua kết nối với Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải, SMCP trích dẫn nguồn tin thân cận cho biết.
Theo nguồn tin, việc xem xét bắt đầu với các đơn đã bị hoãn lại trước đây, song có thể ban đầu, các cơ quan quản lý sẽ không đưa ra nhiều lời chấp thuận.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang làm dịu lập trường của mình về chương trình Kết nối chứng khoán Thượng Hải - London mang tên Stock Connect, vốn bắt đầu vào tháng 6/2019, song gần như đã dừng lại vì cách Vương quốc Anh phản ứng với các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Hồng Kông (Trung Quốc).
Tình hình bắt đầu thay đổi khi Washington cố gắng buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm cho sự bùng phát toàn cầu của đại dịch Covid-19 và chuyển hướng áp đặt các hình phạt thông qua thị trường tài chính.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cấm quỹ lương hưu chính phủ liên bang đầu tư vào các công ty Trung Quốc. Theo chính quyền Washington, doanh nghiệp Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của nước Mỹ.
"Cách xử lý đại dịch của chính quyền Trung Quốc cũng khiến Phố Wall phải suy nghĩ lại về các giao dịch với quốc gia này", ông Kyle Bass, nhà quản lý quỹ phòng hộ của Mỹ, nhận định.
Không những vậy, Sàn giao dịch Nasdaq mới đây đã thắt chặt các tiêu chuẩn niêm yết, được cho là sẽ gây khó khăn cho việc tiến hành IPO của các công ty Trung Quốc do những lo ngại xung quanh việc thiếu minh bạch trong kế toán và mối quan hệ chặt chẽ giữa các cổ đông nội bộ tại các doanh nghiệp đến từ Đại lục.
"Cho phép các công ty Trung Quốc bán cổ phần ở London có thể được coi là một động thái tiếp tục mở cửa thị trường vốn của chính quyền Bắc Kinh. Nhưng London tụt lại phía sau phố Wall về quy mô, tính thanh khoản và sự thuận tiện trong giao dịch. Vì vậy, vẫn chưa thể biết được liệu chiến lược này có cơ hội thành công hay không", Wu Kan, Giám đốc đầu tư của Soochow Securities tại Thượng Hải, cho biết.
Chương trình kết Kết nối chứng khoán Thượng Hải - London vốn đã phát triển chậm chạp hơn nhiều so với kỳ vọng kể từ khi bắt đầu. Cho đến nay, mới chỉ có một công ty Ttrung Quốc niêm yết trên sàn London là Huatai Securities thì thậm chí còn chẳng có công ty nào của Anh đến sàn Thượng Hải.
Trong khi đó, có tới 196 công ty Trung Quốc được niêm yết trên các sàn giao dịch Nasdaq và NYSE, bao gồm các gã khổng lồ công nghệ JD.com, Baidu và Alibaba Group Holding.
Anh hiện là thị trường chứng khoán lớn thứ năm trên thế giới, với mức vốn hóa thị trường là 2.400 tỷ USD, trong khi Mỹ là thị trường lớn nhất với mức vốn hóa 30.300 tỷ USD. Các vị trí ở giữa thuộc về các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và Hồng Kông.
Việc nguồn tài chính từ Mỹ bị cắt giảm thực sự sẽ là một trở ngại cho các công ty Trung Quốc, đặc biệt là các công ty công nghệ cao đã dựa vào thị trường chứng khoán Mỹ để gây quỹ một cách dễ dàng và nhanh chóng.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone