Hết thời 'dò đáy', lãi suất sẽ sớm tăng?

Minh Hạnh - 29/04/2024 08:00 (GMT+7)

(VNF) - Lãi suất huy động rục rịch đi lên khiến nhiều người lo ngại lãi suất cho vay sớm tăng trở lại. Nhiều chuyên gia dự báo, thời điểm cuối 2024, lãi suất sẽ trở lại mức trung bình trước đây.

Dấu hiệu đảo chiều tăng

Sau 1 năm giảm liên tục, đưa lãi suất huy động xuống đáy kỷ lục, trong tháng 4/2024, nhiều nhà băng đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm cả kỳ hạn ngắn và dài. Điều đáng nói, có một số nhà băng điều chỉnh tăng lãi suất huy động 2 lần liên tiếp.

Mới đây nhất, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) là “Big 4” đầu tiên tăng lãi suất huy động các kỳ hạn 1 - 11 tháng và từ 24 tháng trở lên với mức tăng 0,2%. Sau điều chỉnh, lãi suất các kỳ hạn trên tại VietinBank đang nhỉnh hơn so với 3 ngân hàng còn lại trong nhóm “Big4” (Agribank, Vietcombank và BIDV).

Trước đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) nâng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng thêm 0,1%/năm, lên mức 2,6%/năm. Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) cũng tăng thêm 0,2%/năm lãi suất tiền gửi ở một số kỳ hạn. Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) điều chỉnh tăng lãi suất từ 0,1% - 0,2% tại một số kỳ hạn.

Đầu tháng 4, Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) điều chỉnh tăng đồng loạt 0,2% lãi tiết kiệm kỳ hạn 6 - 36 tháng. Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank) cũng tăng 0,2 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn12 - 18 tháng.

Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) đã tiến hành tăng lãi suất huy động lần thứ hai liên tiếp. Đầu tháng 4, Eximbank tăng 0,2% lãi suất kỳ hạn 6 - 9 tháng. Trước đó, ngày 22/3, lãi suất huy động các kỳ hạn 1-3 tháng tại Eximbank bất ngờ được điều chỉnh tăng thêm 0,3%.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) vừa tăng lãi suất huy động các kỳ hạn 12 - 36 tháng thêm 0,3%. Trong tháng 3, VPBank cũng tiến hành tăng lãi suất tiền gửi đối với tất cả kỳ hạn với mức tăng 0,1% - 0,2%.

Trong tháng 3, Saigonbank cũng tăng lãi suất huy động các kỳ hạn 18 - 36 tháng với mức tăng 0,2% - 0,4% tùy kỳ hạn. Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng điều chỉnh tăng lãi suất 0,1% - 0,2% tại một số kỳ hạn.

Xu hướng tăng lãi suất bắt đầu từ đầu năm. Trong tháng 2, cũng có 4 ngân hàng là Techcombank, Sacombank, BVBank và ACB nâng lãi suất tiền gửi thêm 0,1% - 0,5%.

Dù mới chỉ nhích tăng lãi suất huy động tại một vài kỳ hạn và mức tăng cũng không quá lớn song đây là tín hiệu cho thấy hiện tượng "thừa tiền" và dư thanh khoản tại ngân hàng đã qua.

Động thái "quay xe" của lãi suất tiết kiệm đến từ việc tăng trưởng tín dụng thời gian gần đây khá nhanh trong khi huy động lại giảm. Việc tăng lãi suất tiết kiệm phần nào giúp kênh này trở nên hấp dẫn hơn đối với người dân trong bối cảnh lãi suất huy động giảm sâu một thời gian dài, lại thêm việc các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán ghi nhận dấu hiệu hút tiền.

Ảnh minh hoạ

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 25/3, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023 trong khi cùng thời điểm năm ngoái tăng gần 1,2%. Còn dư nợ tín dụng tính đến 28/3 tăng 0,9% so với đầu năm, đạt 13,79 triệu tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng từ cuối tháng 3 đến nay đã giúp lãi huy động chặn đà đi xuống và có xu hướng tăng trở lại.

Theo WiGroup, dư địa để các ngân hàng giảm lãi suất huy động sẽ không còn nhiều. Đây cũng là tín hiệu sớm cho thấy lãi suất huy động đã gần chạm "đáy".

Công ty Chứng khoán SSI dự báo, lãi suất tiền gửi 12 tháng vào cuối năm 2024 khoảng 5,5%/năm, tăng 0,5% so với năm 2023. Trong khi đó, lãi suất cho vay với các khoản vay hiện tại có khả năng giảm thêm 0,5% - 1% trong nửa đầu năm 2024.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng lãi suất đầu vào có khả năng tạo đáy trong quý II/2024 và cải thiện nhẹ trong bối cảnh khả năng kinh tế hồi phục và tín dụng dần cải thiện. Công ty này dự kiến lãi suất huy động sẽ tăng khoảng 0,3 - 0,5 điểm phần trăm.

TS Nguyễn Anh Vũ, Trưởng khoa Tài chính - Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM, cho rằng lãi suất cho vay phải duy trì ở mức thấp trong thời gian đủ lâu để doanh nghiệp có thể tính kế hoạch làm ăn. Nếu lãi suất chỉ thấp trong một thời gian ngắn rồi "giật cục" sẽ rất khó cho doanh nghiệp khi tính toán kế hoạch tài chính.

Lãi suất cho vay trở lại mức cũ?

Thời gian qua, các nhà băng đã tung ra nhiều gói vay ưu đãi với lãi suất thấp nhất chỉ 5 - 6%/năm. Đây là giai đoạn có lãi suất thấp nhất trong vòng 20 năm qua và nhiều doanh nghiệp mong muốn lãi suất duy trì ổn định để tính toán bài toán kinh doanh.

Anh Cao Huy Bằng, chủ một hộ kinh doanh tại quận Hà Đông, Hà Nội, cho biết anh đang được vay với lãi suất 7,5%/năm, giảm 3%/năm so với cuối năm ngoái. Lãi suất cho vay giảm khiến anh dễ thở hơn vì tiền lãi phải đóng hàng tháng giảm. Thế nhưng, gần đây, lãi suất tiền gửi có dấu hiệu quay đầu tăng trở lại. Việc này khiến nhiều người lo lãi suất cho vay khó giảm tiếp, thậm chí sẽ tăng lên. Lãi suất tăng là thách thức với hộ kinh doanh như anh Bằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Người dân đang có nhu cầu vay tiền mua nhà cũng lo ngại khi lãi suất huy động bắt đầu nhích tăng.

Trong khi đó, lãnh đạo một số nhà băng cho biết việc tăng lãi suất chỉ nhỏ giọt ở một vài kỳ hạn, do các kỳ hạn này có mức lãi suất thấp hơn mặt bằng chung nên điều chỉnh tăng. Mặt bằng chung lãi suất huy động vẫn ở mức thấp và xu hướng là ổn định.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (Trường Đại học Kinh tế TP. HCM) dự báo khả năng mặt bằng lãi suất tiết kiệm sẽ duy trì mức như hiện nay đến hết quý II/2024 và bắt đầu tăng trở lại trong nửa cuối năm nay, nếu nền kinh tế hồi phục, tín dụng cải thiện trở lại so với mức tăng trưởng âm 0,6% trong tháng 1.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cũng cho rằng các ngân hàng có thể tiếp tục hạ lãi suất, ít nhất là trong quý I/2024 để giảm thêm lãi vay, cho đến khi hoạt động kinh tế khởi sắc trở lại vào khoảng nửa sau của năm 2024. Mức nền lãi suất huy động thấp tạo tiền đề cho lãi suất cho vay tiếp tục giảm để khôi phục, phát triển kinh tế.

Còn các chuyên gia phân tích từ Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhìn nhận mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp trong hầu hết cả năm 2024. Trong bối cảnh đó, lãi suất cho vay bình quân sẽ có dư địa để giảm thêm 0,75% - 1% dựa trên sức cầu tín dụng phục hồi.

TS Châu Đình Linh - giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM - cho biết, các ngân hàng trong nhóm dẫn đầu vẫn điều chỉnh giảm, kéo theo xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất chung. Các ngân hàng tốp sau có xu hướng tăng lãi suất có khả năng do gặp khó khăn về thanh khoản trong ngắn hạn, khi đó các ngân hàng có thể vay qua thị trường liên ngân hàng. Nếu lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đắt hơn thì các ngân hàng này có thể tăng phần trăm lãi suất ở kênh huy động để đáp ứng thanh khoản.

Trong khi đó, TS Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng tuyệt nhiên không thể để cho mặt bằng lãi suất Việt Nam tăng cao để bù đắp cho việc biến động của tỷ giá hối đoái vì đó là sự đánh đổi đắt giá nhất.

Còn ông Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, nhìn nhận ngành ngân hàng không thiếu vốn và cần tiếp tục hạ lãi suất, nhất là cho vay đối với người mua nhà và xây sửa nhà.

Nhiều chuyên gia nêu ý kiến, lãi suất cho vay mua bất động sản cần giữ ổn định ở mức thấp như hiện nay ít nhất 3 - 5 năm để người mua nhà yên tâm vay vốn. Trường hợp thả nổi sau một năm thì biên độ lãi suất cho vay mua nhà chỉ cao hơn lãi suất tiền gửi 12 tháng 2 - 3%/năm.

Cùng chuyên mục
Tin khác