Hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng nửa đầu năm 2019: Góc nhìn từ chi phí hoạt động

Minh Tâm - 05/08/2019 08:28 (GMT+7)

(VNF) - Thống kê của VietnamFinance đối với 25 ngân hàng trong nước với kỳ hoạt động là 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy về cơ bản, ngân hàng quy mô càng lớn càng tốn ít chi phí hoạt động để tạo ra mỗi đồng doanh thu.

VNF
Hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng nửa đầu năm 2019: Góc nhìn từ chi phí hoạt động (Ảnh minh họa)

Trong số nhiều tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của ngân hàng, có một chỉ tiêu đáng chú ý liên quan đến chi phí: tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập hoạt động (cost to income ratio – CIR).

CIR được tính bằng cách lấy chi phí hoạt động (không bao gồm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng) chia cho tổng thu nhập hoạt động (thu nhập từ tất cả các nguồn, bao gồm tín dụng, dịch vụ, ngoại hối, mua bán chứng khoán...).

Ở các ngân hàng trên thế giới, CIR là một chỉ số quen thuộc và quan trọng, thường được ban lãnh đạo ngân hàng đề ra lộ trình riêng nhằm giảm dần hoặc ít nhất là duy trì ở mức mục tiêu. Về cơ bản, CIR càng thấp càng cho thấy ngân hàng hoạt động hiệu quả, bởi tốn ít chi phí hoạt động hơn để tạo ra một đồng doanh thu.

Vài năm trở lại đây tại Việt Nam, chỉ số CIR ngày càng được coi trọng, không chỉ bởi bản thân các ngân hàng mà còn bởi giới phân tích lẫn các nhà đầu tư.

Thống kê của VietnamFinance đối với 25 ngân hàng trong nước với kỳ hoạt động là 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy, có sự phân hóa rõ rệt về chỉ số CIR theo quy mô.

Cụ thể, dựa trên chỉ số CIR, có thể chia các ngân hàng ra làm 3 nhóm: nhóm có chỉ số CIR dưới 40%, nhóm từ 40% đến 60% và nhóm trên 60%.

Nhóm CIR dưới 40% bao gồm các ngân hàng: BIDV (31%), Techcombank (35%), VietinBank (35%), VPBank (36%), Vietcombank (37%) và MB (38%).

Nhóm CIR từ 40% đến 60% bao gồm các ngân hàng: VIB (42%), TPBank (44%), SHB (46%), HDBank (47%), ABBank (49%), ACB (50%), PGBank (50%), SeABank - riêng lẻ (53%), MSB (55%), NamABank (56%), LienVietPostBank (58%).

Nhóm CIR trên 60% bao gồm các ngân hàng: VietBank (62%), Saigonbank (62%), VietABank (62%), Eximbank (70%), Kienlongbank (74%), VietCapitalBank (82%), NCB (84%).

Rất rõ ràng, nhóm CIR thấp nhất là những ngân hàng có quy mô lớn nhất thị trường. Trong khi đó, nhóm CIR cao nhất hầu hết là các ngân hàng có quy mô nhỏ.

Lý thuyết hiệu quả kinh tế nhờ quy mô (economics of scale) có thể giải thích phần nào cho thực trạng trên. Lý thuyết này được hiểu nôm na là sản xuất càng nhiều, chi phí bình quân càng giảm. Hiệu quả kinh tế nhờ quy mô tồn tại ở hầu hết các ngành và ngành ngân hàng cũng không phải ngoại lệ: doanh thu càng lớn, chi phí bình quân trên mỗi đồng doanh thu càng giảm.

CIR ngành ngân hàng được dự báo sẽ ngày càng phân hóa theo quy mô bởi thực tế hiện nay, các ngân hàng lớn đầu tư rất lớn vào công nghệ với tính đồng bộ rất cao, trong đó đặc biệt chú trọng đầu tư công nghệ thanh toán. Điều này một mặt giúp hệ thống vận hành hiệu quả hơn, một mặt giúp tăng doanh thu mảng thanh toán - mảng không tốn nhiều chi phí thường xuyên như nhân công, chi phí mở rộng và vận hành mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch...

Đó là bức tranh chung về CIR. Đi sâu vào từng ngân hàng còn có những điểm đáng chú ý khác.

Tại Việt Nam, về cơ bản, ngân hàng quy mô càng lớn thì CIR càng thấp

Ở nhóm CIR thấp nhất, VietinBank gây ấn tượng khi CIR giảm mạnh, từ mức 41% nửa đầu năm ngoái xuống mức 35% nửa đầu năm nay. Điều này phản ánh ban lãnh đạo ngân hàng này đã rất nỗ lực cắt giảm chi phí, trong bối cảnh tăng trưởng doanh thu bị hạn chế bởi hạn mức tăng trưởng tín dụng hạn hẹp do vướng chỉ tiêu an toàn vốn.

Bên cạnh VietinBank, Vietcombank cũng gây ấn tượng khi CIR giảm từ 41% xuống 37%, cho thấy "ông vua lợi nhuận ngân hàng" này ngày càng hoạt động hiệu quả.

Các ngân hàng lớn ghi nhận CIR giảm nhẹ là BIDV khi giảm từ 32% xuống 31% và MB khi giảm từ 39% xuống 38%.

Trong khi đó, Techcombank và VPBank ghi nhận CIR tăng đáng kể. Với Techcombank, chỉ số này tăng từ 28% nửa đầu năm ngoái lên 35% nửa đầu năm nay. Còn với VPBank, CIR tăng từ 32% lên 36%.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan đến từ việc tổng thu nhập nửa đầu năm 2018 tăng đột biến do ghi nhận thương vụ bán TechcomFinance, khiến CIR nửa đầu năm 2018 giảm đột ngột xuống mức rất thấp, một nguyên nhân khác khiến CIR nửa đầu năm 2019 của Techcombank tăng mạnh, theo chia sẻ của ban lãnh đạo ngân hàng này, là do Techcombank đang trong quá trình đầu tư lớn về mặt công nghệ và với mỗi quá trình vận hành công nghệ mới, chưa thể tối ưu ngay được chi phí hoạt động.

Tương tự Techcombank, VPBank cũng là ngân hàng đang đầu tư rất lớn vào công nghệ, đặc biệt là đầu tư phục vụ cho mảng ngân hàng số. Điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến CIR trong thời gian vận hành công nghệ mới.

Ở các nhóm có CIR thấp hơn, những "gương mặt" ấn tượng có thể kể đến như VIB (CIR giảm từ 49% nửa đầu năm ngoái xuống 42% nửa đầu năm nay), TPBank (giảm từ 47% xuống 44%), LienVietPostBank (giảm từ 66% xuống 58%), MSB (giảm từ 60% xuống 56%).

Ngược lại, phần nào gây hụt hẫng là ACB (tăng từ 45% lên 50%), Eximbank (tăng từ 54% lên 70%), VietABank (tăng từ 49% lên 62%) và VietCapitalBank (tăng từ 65% lên 82%).

Mặc dù về cơ bản, CIR phản ánh phần nào hiệu quả kinh doanh của ngân hàng nhưng cũng cần lưu ý rằng, khi xem xét chỉ số này nên đặt trong tương quan với các chỉ số khác cũng như liên hệ với bản chất hoạt động của từng ngân hàng, bởi CIR còn phụ thuộc vào mô hình kinh doanh.

Với các ngân hàng chấp nhận đánh đổi rủi ro để gia tăng doanh thu, CIR thường thấp hơn mặt bằng chung bởi doanh thu bình quân cao hơn mặt bằng chung. Tuy nhiên lợi nhuận lại chưa chắc cao hơn bởi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao.

Ngược lại, với các ngân hàng theo hướng ưa an toàn, CIR thường cao hơn mặt bằng chung do doanh thu bình quân thấp hơn, nhưng lợi nhuận có thể vẫn cao hơn mặt bằng chung do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng thấp.

Cùng chuyên mục
Tin khác