Thị trường

Hòa Phát, Thế Giới Di Động bị chấm 0 điểm về công khai thông tin phòng chống tham nhũng

(VNF) – Có tới 24/45 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam bị chấm 0 điểm về mức độ công khai thông tin về các chương trình phòng, chống tham nhũng của doanh nghiệp.

Hòa Phát, Thế Giới Di Động bị chấm 0 điểm về công khai thông tin phòng chống tham nhũng

Sáng 21/8, Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT - cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch tại Việt Nam) đã công bố báo cáo “Đánh giá thực tiễn công bố thông tin của 45 doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam – TRAC Việt Nam 2018”.

Báo cáo xem xét mức độ thông tin được doanh nghiệp công bố trên trang thông tin điện tử của mình liên quan đến 3 lĩnh vực: chương trình phòng chống tham nhũng; thông tin về cấu trúc sở hữu; các thông tin tài chính cơ bản tại từng quốc gia nơi doanh nghiệp hoạt động.

Về lĩnh vực công khai thông tin chương trình phòng chống tham nhũng, báo cáo của TT cho thấy kết quả không mấy sáng sủa khi điểm trung bình của 45 doanh nghiệp chỉ là 15.

Trong số các nhóm doanh nghiệp tham gia khảo sát, các công ty con của doanh nghiệp nước ngoài đạt điểm số cao nhất với điểm trung bình là 31. Trong đó, Samsung Electronics Việt Nam, Unilever Việt Nam và Nestle Việt Nam dẫn đầu với 81 điểm.

Các doanh nghiệp trong nước có điểm cao nhất lần lượt là Vinamilk, VPBank, Vietcombank, EVN, Vinacomin, FPT…

Tuy nhiên, có tới 24/45 doanh nghiệp bị chấm điểm 0 gồm: Hòa Phát, Thế Giới Di Động, Sabeco, Vietnam Airlines, Mobifone, Tân Cảng Sài Gòn, Vicem, Viettel…

Đáng chú ý, so với báo cáo TRAC 2017, có 5 doanh nghiệp không có tiến bộ nào trong lĩnh vực công khai thông tin chương trình phòng chống tham nhũng (vẫn 0 điểm), gồm: Hòa Phát, Mobifone, Thế Giới Di Động, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. HCM và Viettel.

Về lĩnh vực minh bạch cấu trúc và tỷ lệ sở hữu, báo cáo của TT cho thấy kết quả khả quan với điểm trung bình của 45 doanh nghiệp là 66.

Một phần ba số doanh nghiệp được khảo sát đạt điểm tối đa (100 điểm). Các công ty niêm yết thể hiện kết quả tốt nhất với điểm trung bình là 88, tiếp theo là các doanh nghiệp nhà nước với 60 điểm. Các doanh nghiệp FDI đứng sau cùng với 32 điểm.

Báo cáo của TT dành lời khen ngợi cho các doanh nghiệp nhà nước với việc Agribank, Mobifone, Vinataba, SJC, VRG đều đạt điểm tối đa (100 điểm) và bày tỏ sự thất vọng với các doanh nghiệp FDI khi điểm trung bình của nhóm chỉ là 32.

Về lĩnh vực thông tin tài chính cơ bản tại từng quốc gia nơi doanh nghiệp hoạt động, báo cáo cho hay trong số 18 doanh nghiệp lớn nhất được khảo sát có hoạt động bên ngoài Việt Nam, không có doanh nghiệp nào công khai thông tin. Riêng Mobifone có cung cấp thông tin vè các đóng góp cho cộng đồng ở Việt Nam.

Với các kết quả, TT khuyến nghị Chính phủ cần đưa ra áp dụng và tăng cường các quy định về chương trình và chính sách phòng, chống tham nhũng cho các doanh nghiệp. Các nguyên tắc chung có thể tìm thấy tại “Các nguyên tắc chung phòng chống hối lộ trong kinh doanh của Tổ chức Minh bạch quốc tế”.

Bên cạnh đó, Chnhs phủ cần đưa ra các quy định về công khai thông tin kèm theo các biện pháp trừng phạt thích đáng, phù hợp cho các công ty niêm yết, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.

“Minh bạch là chìa khóa để thúc đẩy môi trường kinh doanh liêm chính tại Việt Nam. Công khai thông tin doanh nghiệp làm giảm thiểu nguy cơ tham nhũng. Các doanh nghiệp càng minh bạch thì càng được nhà đầu tư, đối tác và khách hàng tin tưởng. Nếu các doanh nghiệp xây dựng và công khai Chương trình chống hối lộ, đây sẽ là bước đi tích cực giúp họ đạt được điều đó”,  bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, sáng lập viên kiêm Giám đốc TT cho biết.

Tin mới lên