(VNF) – Có rất nhiều ý kiến trái chiều sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng sẽ dừng các cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân. Mỹ và Hàn Quốc hoan nghênh quyết định này, Nhật Bản cho rằng chưa tới lúc xóa bỏ áp lực lên Triều Tiên, giới phân tích thì phán đoán các cuộc phóng thử tên lửa sẽ tiếp tục diễn ra dưới chiêu bài phóng vệ tinh.
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 21/4 dẫn tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết Bình Nhưỡng sẽ dừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đồng thời đóng cửa một bãi thử hạt nhân ở miền Bắc đất nước.
Theo KCNA, phát biểu trong một cuộc họp của Đảng Lao động Triều Tiên ngày 20/4, nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố khi việc trang bị vũ khí hạt nhân đã được thực hiện, Bình Nhưỡng không cần phải thiến hành thêm bất kỳ vụ thử hạt nhân hoặc phóng thử tên lửa tầm trung, tầm xa cũng như tên lửa đạn đạo nào khác.
Tên lửa Hwasong 15 của Triều Tiên được cho là có thể nhắm tới "toàn bộ lục địa Mỹ".
Ông Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên sẽ không chuyển giao vũ khí hạt nhân và công nghệ hạt nhân cho các nước khác, đồng thời sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân nếu không có các hành động khiêu khích và mối đe dọa hạt nhân chống lại Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định rằng nước này sẽ tập trung mọi nỗ lực để xây dựng một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa vững mạnh, huy động các nguồn nhân lực, vật lực để nhanh chóng nâng cao đời sống nhân dân.
Mỹ, Hàn Quốc hoan nghênh
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Kim Jong-un sắp gặp Tổng thống Hàn Moon Jae-in ngày 27/4 và dự kiến họp với Trump vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.
"Quyết định của Triều Tiên là tiến bộ có ý nghĩa đối với việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên mà thế giới mong muốn. Nó sẽ tạo ra môi trường rất tích cực cho thành công của các hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ - Triều sắp tới", Văn phòng Tổng thống Hàn ra tuyên bố sau khi Bình Nhưỡng nói sẽ dừng thử tên lửa, hạt nhân và đóng cửa một điểm thử hạt nhân lớn.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gặp Tổng thống Hàn Moon Jae-in ngày 27/4.
Về phía Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông đã viết trên trang cá nhân Twitter rằng: "Triều Tiên đã đồng ý đình chỉ tất cả vụ thử hạt nhân và đóng cửa một điểm thử lớn. Đây là tin rất tốt cho Triều Tiên và cho thế giới. Đúng là một tiến bộ lớn".
Hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên dự kiến sẽ được tổ chức trong tháng 5 hoặc chậm nhất là đầu tháng 6/2018. Phía Mỹ thông báo đang sắp xếp chi tiết cho hội nghị lịch sử này, có 5 địa điểm tổ chức đang được cân nhắc lựa chọn, nhưng không bao gồm Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump còn thông báo, đầu tháng 4/2018, Giám đốc Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến thăm bí mật đến Triều Tiên thành công, khi đó ông Mike Pompeo đã có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Nhật Bản cẩn trọng
Trước tuyên bố của Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho rằng hiện chưa phải là lúc xóa áp lực lên Bình Nhưỡng. Tokyo chủ trương chính sách gây áp lực tối đa lên quốc gia láng giềng để Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí. Triều Tiên đã hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt từ Liên Hợp Quốc, Mỹ, EU, Hàn Quốc và các bên khác vì chương trình vũ khí.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đang trong chuyến công tác tới Washington để gặp gỡ người đồng cấp Mỹ Jim Mattis, với mục đích thảo luận về Triều Tiên và các vấn đề khác trước thềm hội nghị giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tới đây.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có chyến thăm chính thức tới Mỹ từ ngày 17 - 20/4/2018.
Trước đó, trong chuyến thăm chính thức tới Mỹ từ ngày 17 - 20/4/2018, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tỏ ra lo ngại bị cho "ra rìa" trong vấn đề Triều Tiên. Giới phân tích cho rằng những hoạt động tiếp xúc, đối thoại liên tiếp giữa Triều Tiên với Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ gần đây đã gây áp lực cho Nhật Bản.
Ông Abe và ông Trump đã nhất trí sẽ tiếp tục gây áp lực tối đa lên Triều Tiên cho đến khi Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa theo cách "hoàn toàn, có thể xác nhận và không thể đảo ngược".
Phía Mỹ nhấn mạnh rằng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không phải lo lắng gì, vì Tổng thống Donald Trump sẽ không nhượng bộ Triều Tiên. Bản thân ông Donald Trump cũng tuyên bố rằng nếu cảm thấy không đạt được kết quả gì trong hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sắp tới thì ông Donald Trump sẽ không tham dự hội nghị này.
Giới phân tích nghi ngờ
Trong khi tuyên bố của ông Kim Jong Un có thể là một bước đi tích cực giúp giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, nhưng nó chưa đủ sức nặng để giới phân tích có thể nghĩ rằng Triều Tiên sẽ loại bỏ hoàn toàn tên lửa và vũ khí hạt nhân.
Theo chia sẻ của Phó giáo sư Vipin Narang thuộc Viện Công nghệ Massachusett trên trang cá nhâ Twitter: "Cần phải phân tích những câu chữ trong tuyên bố của Triều Tiên. Việc đóng cửa các cơ sở thử nghiệm hạt nhân không có nghĩa là Triều Tiên sẽ ngừng thử vũ khí. Các cuộc phóng thử tên lửa sẽ tiếp tục diễn ra dưới chiêu bài phóng vệ tinh".
"Có lẽ họ đã đạt đến một cột mốc trong chu kỳ phát triển và thử nghiệm. Trên thực tế, những thử nghiệm vào tháng 11 năm ngoái cho thấy Triều Tiên đã hoàn tất quá trình thử nghiệm hạt nhân", ông nhấn mạnh.
Kim Jong Un bên cạnh vật được cho là đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên.
Từ khi trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên năm 2011, ông Kim Jong-un đã thực hiện chính sách Song hành (byungjin), vừa phát triển kinh tế vừa phát triển quân sự. Đặc biệt là từ năm 2013, các yếu tố quân sự của Triều Tiên ngày càng được củng cố. Tuy nhiên, việc Triều Tiên muốn có cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều cho thấy, Bình Nhưỡng cũng đang muốn ưu tiên phát triển kinh tế.
Ông Kim Hyung-suk nhận định, các quan chức quân sự và các giới chức chóp bu khác của Bình Nhưỡng có thể không mấy hài lòng với việc phi hạt nhân hóa. Họ nghĩ rằng, sẽ khó có thể đảm bảo an ninh của Triều Tiên chỉ với các lực lượng thông thường.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.