Hội nghị Cấp cao APEC: Mỹ ‘chĩa mũi nhọn’ vào Trung Quốc trên mọi mặt trận
Minh Đăng -
18/11/2018 10:46 (GMT+7)
(VNF) - Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 26 đang diễn tại Papua New Guinea, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã có loạt động thái nhằm thể hiện sự đối đầu căng thẳng với Trung Quốc.
Bắt tay Úc lập căn cứ hải quân ở Thái Bình Dương
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 17/11 cho biết ba nước Mỹ, Úc và Papua New Guinea sẽ hợp tác cùng nhau để xây dựng căn cứ hải quân trên đảo Manus (thuộc Papua New Guinea).
Trước đó, Thủ tướng Úc Scott Morrison ngày 1/11 thông báo rằng Úc sẽ tài trợ cho việc phát triển căn cứ Lombrum trên đảo Manus với sự hỗ trợ của chính phủ Papua New Guinea, một động thái được xem là để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại vùng Thái Bình Dương.
Phó Tổng thống Pence không tiết lộ chi tiết về kế hoạch của Mỹ đối với căn cứ đảo Manus hay liệu các tàu Mỹ có đồn trú thường trực tại đây hay không. Ông cho biết căn cứ này cho thấy cam kết của Mỹ đối với một “Ấn Độ - Thái Bình Dương mở cửa và tự do”.
"Các bạn có thể tự tin, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì tự do trên biển và trên không", ông Pence nói.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence và Thủ tướng Papua New Guinea Peter O'Neill gặp nhau bên lề APEC ngày 17/11.
Mỹ và Úc đều có chung lo ngại về sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Các nguồn tin hồi năm nay cho biết Trung Quốc đã và đang xem xét xây dựng một căn cứ quân sự thường trực tại Nam Thái Bình Dương, điều khiến hai nước lo ngại.
Hồi đầu tháng này, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã công bố một quỹ trị giá nhiều tỷ USD cho các quốc gia đảo Thái Bình Dương để xây dựng cơ sở hạ tầng - một nỗ lực khác nhằm đối trọng với Bắc Kinh. Ông Morrison nói dự án nhằm đưa Thái Bình Dương thành trung tâm chính sách đối ngoại của Úc.
Đảo Manus từng là căn cứ hải quân lớn của Mỹ trong Thế chiến II, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược Thái Bình Dương của Washington. Các nhà phân tích cho rằng sự hiện diện của Trung Quốc trên đảo Manus có thể ảnh hưởng đến khả năng điều hướng của phương Tây ở Thái Bình Dương trong khi giúp cho Bắc Kinh tiếp cận gần với căn cứ của Mỹ tại Guam, cách Papua New Guinea vài nghìn km.
Họp song phương với người đứng đầu phái đoàn Đài Loan
Trong một động thái khác nhằm thách thức Trung Quốc, cũng trong ngày 17/11, Phó tổng thống Mỹ đã có cuộc họp song phương với đại diện của Đài Loan, ông Trương Trung Mưu (Morris Chang), bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC.
Đây là cuộc họp song phương đầu tiên giữa một nhà lãnh đạo hàng đầu của Mỹ và một phái viên của Đài Loan bên lề hội nghị kinh tế cấp cao của khu vực trong những năm qua.
Theo các quan chức Mỹ, ông Pence không có kế hoạch tổ chức một cuộc họp song phương riêng biệt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người cũng đang dự APEC.
Nội dung cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Mỹ và đại diện Đài Loan chưa được công bố chi tiết, tuy nhiên chỉ riêng động thái này cũng đã có thể khiến Trung Quốc giận dữ.
Đại diện của Đài Loan tại APEC Trương Trung Mưu (trái) hội kiến Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trên một du thuyền bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC.
Mỹ không có quan hệ chính thức với Đài Loan, nhưng lại là nước ủng hộ Đài Loan mạnh nhất trên trường quốc tế.
Phát biểu với các phóng viên sau khi cuộc gặp song phương diễn ra, Phó tổng thống Mỹ cho biết: "Cuộc trò chuyện với họ là về vấn đề kinh tế. Họ trình bày những luận điểm để chứng minh cho việc vì sao họ nên được cân nhắc tham gia một thỏa thuận thương mại tự do, và tôi đảm bảo với họ rằng chúng tôi sẽ nghiên cứ kỹ hơn về việc đó”.
Trong một dòng tweet trên Twister sau đó, chính quyền Đài Loan cho biết cuộc hội đàm giữa Mỹ và Đài Loan "sẽ củng cố các kết nối khu vực trong việc thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và định hình tương lai kĩ thuật số."
"Vì Đài Loan là thành viên đầy đủ của APEC nên không có gì bất thường khi có các cuộc gặp gỡ giữa trưởng phái đoàn của Mỹ và Đài Loan, nhưng với chính sách yếu kém của các chính quyền Mỹ trước đây, cuộc gặp gỡ này được xem là một bước đột phá," Steve Yates, cố vấn cao cấp của cựu Phó Tổng thống Dick Cheney cho hay.
Tuy nhiên ông Yates cũng cho rằng việc gặp gỡ người đứng đầu phái đoàn Đài Loan không phải là một bước đi nhằm chống lại Trung Quốc hay thể hiện thái độ hung hăng của Mỹ.
"Việc này là một sự khẳng định tích cực về những lợi ích và giá trị của Đài Loan nhất quán với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ và các đồng minh của Mỹ”, ông cho biết thêm.
Dọa tăng gấp đôi thuế với hàng Trung Quốc
Cũng trong ngày 17/11, trong bài phát biểu tại Hội nghị Cấp cao APEC, ông Pence cho biết: "Chúng tôi đã áp thuế lên 250 tỷ USD hàng Trung Quốc và chúng tôi có thể tăng hơn gấp đôi con số đó".
"Mỹ sẽ không thay đổi cách giải quyết cho đến khi Trung Quốc thay đổi bản thân", ông nhấn mạnh.
Tuyên bố này của ông Pence nhằm đáp trả lại bài phát biểu trước đó của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng bóng tối của chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương đang đe dọa sự tăng trưởng toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo APEC mặc áo truyền thống của New Guinea chụp hình chung tại Hội nghị Cấp cao APEC.
Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lịch sử đã cho thấy, tham vọng dựng lên những rào cản và phá vỡ các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ là đi ngược lại với các quy tắc kinh tế và xu hướng lịch sử. Đây là một cách tiếp cận ngắn hạn và cuối cùng sẽ thất bại.
Những tháng gần đây, Mỹ và Trung Quốc trả đũa lẫn nhau bằng cách liên tiếp áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của bên kia. Không bên nào chịu “xuống nước”, khiến các tranh cãi thương mại này làm rung chuyển các thị trường tài chính và phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu.
Mỹ từ hồi tháng 7 áp thuế với hàng nhập khẩu Trung Quốc để gây áp lực khiến Bắc Kinh thu hẹp 375 tỷ USD thâm hụt thương mại và dừng các hoạt động mà Washington cho là không công bằng như trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước, ép công ty Mỹ chuyển giao công nghệ nếu muốn vào thị trường.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.