IMF: 3 nền kinh tế lớn nhất đang đình trệ, toàn cầu tiến tới suy thoái
Quỳnh Anh -
27/07/2022 14:28 (GMT+7)
(VNF) - Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết nền kinh tế toàn cầu có thể sớm nghiêng về bờ vực suy thoái trong bối cảnh bằng chứng cho thấy ba nền kinh tế lớn nhất thế giới đều đang đình trệ và lạm phát cao hơn dự báo trước đó.
Trong bản cập nhật triển vọng kinh tế thế giới mới nhất được công bố ngày 26/7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu một lần nữa do ảnh hưởng của mức lạm phát cao và chiến tranh Ukraine, có thể đẩy nền kinh tế thế giới đến bờ vực suy thoái nếu không được kiểm soát.
Theo báo cáo của của IMF, các vấn đề ở 3 nền kinh tế hàng đầu là Mỹ, Trung Quốc và khu vực eurozone đã dẫn đến sản lượng toàn cầu giảm trong quý II năm nay, mức giảm đầu tiên kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19.
Cố vấn kinh tế của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho biết: “Triển vọng kinh tế toàn cầu đã u ám đáng kể từ tháng 4. Thế giới có thể sẽ sớm tiến tới bờ vực của cuộc suy thoái toàn cầu, chỉ hai năm sau cuộc suy thoái gần đây nhất”.
Ông nói thêm: “3 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ, Trung Quốc và khu vực eurozone, đang đình trệ, với những hậu quả quan trọng đối với triển vọng toàn cầu”.
“Lạm phát cao hơn dự kiến, đặc biệt là ở Mỹ và các nền kinh tế lớn của châu Âu, đang dẫn đến việc thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu. Sự suy thoái của Trung Quốc còn tồi tệ hơn dự đoán trong bối cảnh Covid-19 bùng phát và các lệnh phong toả được thực hiện nghiêm ngặt, đồng thời có thêm những tác động tiêu cực từ cuộc chiến ở Ukraine”, ông Gourinchas nói về tình hình tăng trưởng toàn cầu.
IMF cho biết hiện dự kiến nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3,2% vào năm 2022, giảm 0,4 điểm kể từ mức dự báo được đưa ra hồi tháng 4. Sự suy thoái được dự đoán sẽ tiếp tục trong năm tới, khi mức tăng trưởng hiện được dự báo là 2,9%, thấp hơn 0,7 điểm so với mức dự báo của 3 tháng trước.
Vương quốc Anh được dự báo sẽ tăng trưởng 3,2% vào năm 2022 và chỉ 0,5% vào năm 2023, giảm lần lượt 0,5 và 0,7 điểm so với lần dự báo trước. IMF dự báo Vương quốc Anh sẽ tăng trưởng chậm lại rõ rệt trong nửa cuối năm nay và là nền kinh tế yếu nhất trong số các nền kinh tế G7 vào năm 2023.
Ông Gourinchas nói: “Nền kinh tế toàn cầu, vẫn đang quay cuồng với đại dịch và chiến sự Nga - Ukraine, sẽ phải đối mặt với một triển vọng ngày càng u ám và không chắc chắn”.
IMF cho biết vào quý IV/2022, lạm phát toàn cầu là 8,3%, tăng so với ước tính hồi tháng 4 là 6,9%. Quỹ cũng xác định Anh, nơi lạm phát hiện đang cao hơn 2,7 điểm ở mức 10,5% và khu vực đồng EUR (tăng 2,9 điểm lên 7,3%) là những nơi mà áp lực chi phí sinh hoạt đặc biệt gia tăng.
Một bản phân tích các dự báo đã được sửa đổi cho thấy mức giảm tăng trưởng vào năm 2022 là 0,8 điểm ở Mỹ, 0,9 điểm ở Đức và 1,1 điểm đối với Trung Quốc. Vào năm 2023, tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới ngoại trừ Nigeria và Ả Rập Xê-út, 2 quốc gia xuất khẩu dầu, dự kiến sẽ tăng trưởng chậm hơn.
Chỉ có Nhật Bản và Canada thuộc nhóm các quốc gia công nghiệp lớn được dự báo sẽ tăng trưởng hơn 1% trong năm tới, với IMF dự đoán mức mở rộng là 1% ở Mỹ và Pháp, 0,8% ở Đức và 0,7% ở Italy.
Theo ông Gourinchas, ngoài các yếu tố đang tồn tại, có nhiều yếu tố khác sẽ khiến triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên yếu hơn, bao gồm việc Nga dừng cung cấp khí đốt cho châu Âu, lạm phát cao kéo dài, khủng hoảng nợ, bùng phát dịch Covid-19 và các bất ổn địa chính trị khác.
“Trong một kịch bản thay thế hợp lý khi một số rủi ro này xảy ra, bao gồm việc ngừng hoàn toàn các dòng khí đốt của Nga đến châu Âu, lạm phát sẽ tăng và tăng trưởng toàn cầu giảm tốc hơn nữa xuống khoảng 2,6% trong năm nay và 2% trong năm tới”, ông Gourinchas nói.
“Theo kịch bản này, cả Mỹ và khu vực đồng EUR sẽ trải qua mức tăng trưởng gần bằng 0 trong năm tới, với những tác động tiêu cực đối với phần còn lại của thế giới”, theo cố vấn của IMF.
Cố vấn kinh tế của IMF cho biết chống lạm phát nên là ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách và ông ủng hộ các quyết định tăng lãi suất gần đây của ngân hàng trung ương. Các chính phủ có thể giảm bớt tác động của suy thoái đối với những người dễ bị tổn thương nhất thông qua hỗ trợ có mục tiêu, nhưng sự trợ giúp cần được chi trả bằng thuế cao hơn hoặc chi tiêu công thấp hơn để đảm bảo công việc của các ngân hàng trung ương không bị khó khăn hơn.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.