Italy có thể 'đóng băng' sản xuất công nghiệp 1 tháng nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt

Thuỷ Bình - 18/10/2022 16:15 (GMT+7)

(VNF) - Italy có thể tạm ngừng hoạt động sản xuất công nghiệp trong 30 ngày trong mùa đông sắp tới như một phần của kế hoạch tiết kiệm năng lượng khẩn cấp nếu nguồn cung cấp khí đốt của Nga bị cắt giảm, tờ Il Messagero đưa tin.

VNF
Italy có thể 'đóng băng' sản xuất công nghiệp 1 tháng nếu Nga cắt nguồn cung khí đốt.

Việc tạm ngừng sản xuất công nghiệp trong vòng 1 tháng để tiết kiệm nằm trong kế hoạch được đề xuất bởi Bộ trưởng Năng lượng Italy Roberto Cingolani, trong bối cảnh toàn EU có kế hoạch giảm tiêu thụ khí đốt 15% trong những tháng mùa đông sắp tới.

Kế hoạch khẩn cấp của Bộ trưởng Cingolani dựa trên hai tình huống giả định, theo nguồn tin của tờ Il Messagero.

Tình huống thứ nhất là trường hợp Nga ngừng hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho Italy từ ngày 1/11. Việc này sẽ khiến Italy thiếu hụt 6,45 tỷ m3 khí đốt. Trong trường hợp này, chính phủ Rome sẽ áp dụng biện pháp cắt giảm tiêu dùng bắt buộc và chuyển sang chế độ phân bổ lại năng lượng cho các lĩnh vực công nghiệp kéo dài trong 31 ngày.

Với kịch bản thứ 2, nguồn cung cấp khí đốt sẽ bị cắt bắt đầu từ ngày 1/1/2023. Với trường hợp này, Italy sẽ không nhất thiết phải ngừng hoạt động sản xuất công nghiệp.

Kế hoạch phân bổ mới tuân theo một loạt các biện pháp trên toàn quốc nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra tại châu Âu do thiếu hụt nguồn cung từ Moscow. Italy cùng với các nước EU khác đang phải chống chọi với lạm phát cao kỷ lục, phần lớn là do chi phí năng lượng ngày càng tăng.

Italy là quốc gia nhập khẩu 75% tổng năng lượng tiêu thụ. Vào đầu năm nay, nước này nhập khẩu 40% khí đốt từ Nga, nhưng đến tháng 7, con số này đã giảm xuống còn 25% do các lệnh trừng phạt.

Tuần trước, Bộ Chuyển đổi Sinh thái của nước này đã ký ban hành một sắc lệnh tiết kiệm năng lượng đưa ra các giới hạn chặt chẽ hơn đối với việc sử dụng khí đốt để sưởi ấm trong mùa đông. Luật sẽ giảm thời gian hoạt động hàng ngày trong nước xuống một giờ mỗi ngày, với mục tiêu giảm khoảng 15 ngày tiêu thụ năng lượng trong toàn mùa đông. 

Nghị định cũng sẽ thắt chặt giới hạn về mức nhiệt độ trong nhà, với các doanh nghiệp được yêu cầu không được vượt quá 18 độ C (giảm từ 19 độ C) và các công dân tư nhân phải đặt hệ thống sưởi ở mức tối đa là 19 độ C (giảm từ 20 độ C).

Xem thêm >> Quan chức EU: 'Ukraine không cần lo lắng về tiền bạc'

Theo Il Messagero, RT
Cùng chuyên mục
Tin khác