KBSV: Tín dụng quý IV/2021 khó bật tăng mạnh như các năm trước

Minh Tâm - 09/10/2021 11:10 (GMT+7)

(VNF) - KBSV cho rằng nhu cầu tín dụng, dù được dự báo sẽ phục hồi trong mùa cao điểm quý IV, sẽ khó bật tăng mạnh như các năm trước do các tác động lan toả kéo dài của đợt giãn cách xã hội vừa qua, do đó mức tăng trưởng tín dụng có thể chỉ đạt 10% trong cả năm nay.

VNF
KBSV: Tín dụng quý IV/2021 khó bật tăng mạnh như các năm trước

Trong báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô quý IV/2021 vừa công bố, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 từ 5,8% xuống còn 2,5%, với điều kiện là dịch bệnh không bùng phát trở lại, các quy định giãn cách xã hội không bị thắt chặt trong bối cảnh tốc độ triển khai tiêm vaccine tại các thành phố lớn được đẩy nhanh.

Mức tăng này thấp hơn lạm phát - có thể ở mức 3% trong năm nay - theo dự báo của KBSV.

KBSV kỳ vọng Chính phủ sẽ có các phương án đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công với các cơ sở bởi xuất khẩu và tiêu dùng nội địa hiện nay đều tăng trưởng chậm lại do tác động của dịch bệnh. Tổng cục Thống kê ước tính nếu đầu tư công tăng thêm 1% thì GDP sẽ tăng thêm 0,058%.

Trong khi đó, xuất khẩu hàng hóa được dự báo sẽ tiến triển tích cực trong quý IV nhờ nhu cầu nhập khẩu hàng hóa ở các nền kinh tế lớn gia tăng, các hiệp định thương mại tự do dần có hiệu lực, giá hàng hóa xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam (như sắt thép, nông lâm thủy sản, gạo...) có xu hướng tăng, cùng với đó, sản xuất trong nước dần phục hồi.

Về thu hút FDI, theo quan điểm của KBSV, dù đợt dịch thứ 4 gia tăng sự bi quan về triển vọng ngắn hạn của môi trường kinh doanh tại Việt Nam nhưng niềm tin sẽ quay trở lại trong quý IV khi bệnh dần được kiểm soát, các quy định giãn cách xã hội được nới lỏng hoặc được gỡ bỏ. Việt Nam vẫn đang là điểm đến lý tưởng nhờ các yếu tố thuận lợi nhờ số lượng lớn các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, vị trí địa lý lý tưởng, cơ cấu dân số trẻ cùng các chính sách hỗ trợ của Chính Phủ.

Tuy vậy, công ty chứng khoán này dự báo tốc độ phục hồi tiêu dùng nội địa và sản xuất có thể chậm hơn do đợt giãn cách lần này có sự ảnh hưởng sâu rộng và kéo dài.

Về chính sách tiền tệ, KBSV nhận định chính sách tiền tệ nới lỏng thận trọng của Ngân hàng Nhà nước xuyên suốt từ thời điểm dịch mới bùng phát cho đến nay nhiều khả năng sẽ tiếp tục được duy trì trong quý IV, trong bối cảnh áp lực lạm phát trong năm 2022 là hiện hữu (dù lạm phát 2021 khả năng cao sẽ đạt được dưới mức mục tiêu 4% của Chính phủ).

Công ty chứng khoán này đánh giá mặt bằng lãi suất huy động, vốn đang ở mức thấp, sẽ khó có thể giảm thêm và nhiều khả năng sẽ đi ngang trong quý IV trong bối cảnh rủi ro lạm phát trong một vài quý tới là hiện hữu và chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước là tương đối thận trọng. Trên thực tế, mức lãi suất hiện nay đã làm giảm sức hấp dẫn của kênh gửi tiết kiệm, khiến một lượng tiền không nhỏ chảy vào các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán… Theo Tổng cục Thống kê, huy động vốn các tổ chức tín dụng 9 tháng đầu năm chỉ tăng 4,28% (cùng kỳ năm ngoái tăng 7,48%).

Song song, KBSV cho rằng nhu cầu tín dụng, dù được dự báo sẽ phục hồi trong mùa cao điểm quý IV, sẽ khó bật tăng mạnh như các năm trước do các tác động lan toả kéo dài của đợt giãn cách xã hội vừa qua, do đó mức tăng trưởng tín dụng có thể chỉ đạt 10% cả năm.

Trong bối cảnh cầu tín dụng còn yếu, các ngân hàng cũng có thêm điều kiện để hạ lãi suất cho vay khi mà mới đây Ngân hàng Nhà nước đã công bố Thông tư 14/2021 sửa đổi Thông tư 01 về cơ cấu nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi phí cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Dù vậy, mặt bằng lãi suất cho vay khó có thể giảm đáng kể bởi các ngân hàng cũng cần duy trì một mức thu nhập lãi thuần cao để có dư địa tăng trích lập dự phòng khi các khoản nợ xấu do giãn cách xã hội dần bộc lộ trong thời gian tới.

Cùng chuyên mục
Tin khác