Kế hoạch phát miễn phí 15 tỷ USD cho người dân của tân thủ tướng Thái Lan hứng chỉ trích
Khánh Tú -
08/10/2023 11:53 (GMT+7)
(VNF) - Các cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã cùng nhiều chuyên gia kinh tế kêu gọi chính phủ nước này bãi bỏ chính sách phát 15 tỷ USD tiền mặt. Lý do đưa ra là lo ngại chính sách phát tiền mặt cho dân sẽ gây ra lạm phát và làm tổn hại đến kỷ luật tài chính dài hạn.
Theo nhận định của 81 chuyên gia kinh tế, chương trình phát 15 tỷ USD cho người dân thông qua ví kỹ thuật số sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi.
Ông Veerathai Santiprabhob và ông Tarisa Watanagase, hai cựu thống đốc Ngân hàng trung ương Thái Lan, cũng tham gia vào làn sóng phản đối kế hoạch kinh tế đầy tham vọng của Thủ tướng Srettha Thavisin.
Thống đốc Ngân hàng trung ương Thái Lan hiện tại, ông Sethaput Suthiwartnarueput, cùng từng lên tiếng phản đối và cho rằng khoản tiền 15 tỷ USD là “không phù hợp”.
Vào tuần trước, Ngân hàng trung ương Thái Lan đã tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2013 như một "hành động phủ đầu" nhằm tránh áp lực lạm phát có thể xảy ra bởi kế hoạch tham vọng của Thủ tướng.
Chương trình ví kỹ thuật số là lời hứa của Thủ tướng Srettha Thavisin và Đảng Pheu Thai trước khi bầu cử. Theo kế hoạch, chương trình này dự kiến sẽ được triển khai vào quý I/2024. Mỗi người dân Thái Lan từ 16 tuổi trở lên sẽ được nhận miễn phí 10.000 baht (tương đương 270 USD) để chi tiêu cho các dịch vụ và hàng hóa trong thời gian nhất định.
Kế hoạch này được cho là có thể giúp nâng mức tăng trưởng kinh tế lên tới 5% vào năm 2024, từ mức dự kiến 2,8% của năm nay.
Thế nhưng, những người phản đối kế hoạch này cho rằng “kỳ vọng khoản tiền 15 tỷ USD sẽ có tác động như một nhân tố kích thích tăng trưởng kinh tế là ảo tưởng vì tiền sẽ được chi tiêu tốt hơn dưới dạng chi tiêu công và đầu tư trực tiếp, thay vì phát thẳng cho người dân”.
“Không có tiền mọc trên cây hay từ trên trời rơi xuống. Cuối cùng thì người dân vẫn sẽ phải trả giá cho khoản trợ cấp này, dưới hình thức thuế cao hơn hoặc chi phí sinh hoạt cao hơn do lạm phát”, một chuyên gia kinh tế nhận định.
Trong khi đó, ông Anusorn Tamajai, giám đốc trung tâm nghiên cứu tại Đại học Phòng Thương mại Thái Lan, đề nghị chính phủ ít nhất nên thu hẹp danh sách những người được hưởng lợi từ chương trình ví điện tử này và chỉ nên hỗ trợ cho những người có nhu cầu.
Trước những ý kiến phản đối, Thủ tướng Srettha Thavisin cho biết ông sẵn sàng lắng nghe ý kiến đóng góp của mọi người và có thể sẽ điều chỉnh hoặc thay đổi để cho chương trình phù hợp hơn.
Chỉ sau ít tháng nhậm chức, Thủ tướng Srettha Thavisin, cựu ông trùm bất động sản, đang phải đối mặt với thách thức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nội địa trong bối cảnh nhu cầu đối với hàng hóa Thái Lan từ Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu và chi tiêu của khách du lịch nước, ngoài sụt giảm đáng kể.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.