Kết nối Việt Nam - Campuchia: Xin cơ chế đặc thù đẩy nhanh cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

Trần Lê - 09/04/2023 07:30 (GMT+7)

(VNF) - Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP. HCM đề xuất UBND TP. HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các cơ chế đặc thù đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc TP. HCM - Mộc Bài.

VNF
Cao tốc TP. HCM - Mộc Bài dài khoảng 50 km, trong đó đoạn qua địa bàn TP. HCM 23,7 km, qua Tây Ninh 26,3 km (ảnh minh họa)

Mục tiêu Ban Giao thông hướng đến là sớm hoàn thành dự án vào năm 2027 để đồng bộ với tiến độ dự án cao tốc Bavet - Phnom Penh (Campuchia) đang triển khai.

Tại điểm kết nối thông tuyến với cao tốc Phnom Penh - Bavet, Bộ Giao thông Vận tải sẽ thành lập một tổ công tác phối hợp với Campuchia để hai bên bàn bạc các điểm kết nối. Tổ công tác sẽ có sự tham gia của các địa phương, bộ ngành (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao) do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì. Các điểm kết nối này mang tầm cỡ quốc gia, cũng như quan trọng nhất là tận dụng được hạ tầng cửa khẩu hiện hữu.

Sau khi thông tuyến, thời gian đi lại từ TP. HCM, Tây Ninh và Campuchia sẽ rút ngắn rất nhiều, tạo sự thuận lợi về giao thương, phát triển kinh tế...

Về nguồn vốn, Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP. HCM kiến nghị ngân sách trung ương hỗ trợ 2.900 tỷ đồng (chiếm 29% tổng phần vốn nhà nước tham gia dự án), chi cho bồi thường giải phóng mặt bằng của hai địa phương để đảm bảo giải ngân trong năm 2025, trong đó Tây Ninh 1.532 tỷ đồng và TP. HCM 1.368 tỷ đồng.

TP. HCM và Tây Ninh sẽ cân đối nguồn ngân sách địa phương đảm bảo phần vốn còn lại cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của TP. HCM khoảng 4.132 tỷ đồng và chi phí hỗ trợ, xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật dự án PPP khoảng 2.900 tỷ đồng.

Tuyến cao tốc TP. HCM - Mộc Bài dài khoảng 50 km, trong đó đoạn qua địa bàn TP. HCM 23,7 km, qua Tây Ninh 26,3 km. Dự án bắt đầu từ Vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, điểm cuối kết nối vào Quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu Mộc Bài.

Ở giai đoạn 1, dự án sẽ đầu tư 4 làn xe, theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng vốn khoảng 16.729 tỷ đồng (bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng). Trong đó, vốn ngân sách nhà nước 7.433 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, còn lại là vốn nhà đầu tư huy động. Nhà đầu tư sẽ thu phí hoàn vốn dự kiến khoảng 18 năm 1 tháng.

Cùng chuyên mục
Tin khác