Kết quả kinh doanh bán niên 2019: Điểm sáng lợi nhuận ngân hàng?
Minh Tâm -
09/07/2019 16:07 (GMT+7)
(VNF) - Lợi nhuận ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019 đang ghi nhận những tín hiệu khả quan ban đầu.
Ngay khi kết thúc tháng 6/2019, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã "hồ hởi" công bố kết quả kinh doanh khả quan nửa đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 1.620 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ năm 2018, đạt 50,6% kế hoạch đại hội đồng cổ đông đã đề ra.
"Mức lợi nhuận này được ghi nhận sau khi ngân hàng trích đầy đủ dự phòng rủi ro theo quy định. Ngoài ra, TPBank còn trích thêm dự phòng cho trái phiếu đặc biệt VAMC là 224 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu xử lý xong toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC trong năm nay", phía TPBank thông tin thêm.
Riêng mảng dịch vụ đem về thu nhập lãi thuần lên đến 605 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018.
Tính đến hết ngày 30/6/2019, tổng huy động vốn của ngân hàng này đạt gần 130.000 tỷ đồng, tăng hơn 11.300 tỷ đồng so với đầu năm. Dư nợ cho vay đạt 95.400 tỷ đồng, tăng 11.100 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của TPBank ở mức khoảng 1,47%.
TPBank là trường hợp tăng trưởng nhanh tiêu biểu trong nhóm ngân hàng cỡ vừa và nhỏ. Ở nhóm ngân hàng cỡ lớn, Vietcombank tiếp tục là "cánh chim đầu đàn" với lợi nhuận trước thuế ước đạt 11.300 tỷ đồng, tăng tới 41% so với cùng kỳ năm 2018.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) - đơn vị đưa ra thông tin ước tính trên - cho biết tăng trưởng tín dụng của Vietcombank trong 6 tháng đầu năm 2019 ở mức khá, cùng với đó, việc chuyển sang tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ giúp ngân hàng này có kết quả kinh doanh tích cực. Ngoài ra, thu nhập từ phí, đặc biệt là bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng) cũng là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng.
Với trường hợp của ngân hàng MB, Agriseco ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 4.670 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2018. Công ty chứng khoán này đánh giá, MB còn khá nhiều dư địa để tăng trưởng đến từ việc cải thiện lợi suất tín dụng và các công ty con có tốc độ tăng trưởng cao.
Trong khi đó, ACB được ước tính đạt lợi nhuận trước thuế 3.600 tỷ đồng, tăng 14,2% nhờ tăng trưởng mạnh mẽ của thu nhập lãi thuần và thu nhập từ phí, đặc biệt là từ phí bancassurance với hãng bảo hiểm AIA.
Một ngân hàng khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tương đối khả quan trong 6 tháng đầu năm 2019 là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Mặc dù lợi nhuận trước thuế vẫn ở mức thấp, chỉ 93 tỷ đồng nhưng điểm sáng nằm ở mảng kinh doanh chứng khoán và đặc biệt là mảng dịch vụ đem về thu nhập lãi thuần với thu nhập lãi thuần đem về lần lượt 290 tỷ đồng và 503 tỷ đồng, tăng trưởng 22% và 58% so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng tài sản đến cuối tháng 6/2019 của SCB đạt 537.616 tỷ đồng, tăng 29.466 tỷ đồng, tương đương tăng 5,8% so với đầu năm. Huy động vốn trên thị trường 1 của SCB đạt 457.717 tỷ đồng, tăng 38.671 tỷ đồng, tương đương tăng 9,2%; dư nợ cho vay đạt 329.763 tỷ đồng, tăng trưởng 17.871 tỷ đồng, tương đương tăng 5,92% so với đầu năm.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.