Khối ngoại đổi hướng: Bán mạnh cổ phiếu thép, mua vào cổ phiếu tiêu dùng

Thanh Long - 09/09/2024 11:16 (GMT+7)

(VNF) – Cổ phiếu thép bị bán ròng từ khối ngoại sau khi được mua ròng mạnh năm ngoái. Ngược lại, cổ phiếu tiêu dùng được mua ròng sau thời gian dài bán ròng.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vừa trải qua giai đoạn hồi phục nhanh sau đợt bán mạnh tuần đầu tháng 8, đồng pha với sự phục hồi TTCK thế giới.

TTCK Việt Nam vừa trải qua giai đoạn hồi phục nhanh sau đợt bán mạnh tuần đầu tháng 8

Nhìn vào biến động của các nhóm ngành qua 2 giai đoạn ngắn trong tháng 8, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI nhận định có một vài điểm nhấn chính:

Đầu tiên, thị trường có sự lan tỏa cao với sự tăng điểm trở lại từ vùng giá thấp ở tất cả các nhóm ngành. Điều này cho thấy đây là một nhịp hồi phục tích cực.

Thứ hai, các nhóm ngành tăng trưởng lại về giá cổ phiếu mạnh nhất sau đợt giảm là các nhóm được hỗ trợ bởi nền tảng tăng trưởng lợi nhuận trong quý II/2024 và triển vọng tích cực tiếp tục trong giai đoạn cuối năm như Bán lẻ, Bất động sản, Chứng khoán, Ngân hàng, Hóa chất, Công nghệ thông tin.

Thứ ba, cổ phiếu Thép là nhóm vẫn còn khá yếu khi chưa phục hồi đủ số điểm đã mất, chủ yếu do xu hướng giảm giá HRC. Trong khi đó, nhóm Vật liệu xây dựng gắn liền câu chuyện đầu tư công cho tín hiệu khởi sắc trở lại. Hai nhóm Thực phẩm và Dầu khí ít biến động trong nhịp chỉnh, nhưng cũng tăng tốc mạnh sau đó.

Một diễn biến đáng chú ý nữa là khối ngoại giảm tốc bán ròng. Lượng bán ròng ghi nhận ở mức 3.770 tỷ trong tháng 8, quy mô bán ròng đã giảm đáng kể so với các tháng trước

Bên cạnh đó, dòng tiền khối ngoại có tín hiệu ban đầu tái cơ cấu lại. Nhóm cổ phiếu Thép đang chịu áp lực bán ròng sau giai đoạn được mua ròng mạnh trong năm 2023. Trong khi các nhóm cổ phiếu Tiêu dùng bao gồm Bán lẻ và Thực phẩm đang được duy trì mua ròng tích cực sau khi bị bán ròng nhiều trong năm trước. Trong khi đó, cường độ bán ròng ở Nhóm bất động sản đang cho thấy dấu hiệu chậm lại.

Khối ngoại giảm tốc bán ròng trong những tháng gần đây

Nhìn sang triển vọng thời gian tới, các chuyên gia của SSI cho hay với tăng trưởng bình quân -0,6% trong 14 năm gần nhất, tháng 9 thông thường là tháng không nhiều biến động trên TTCK Việt Nam, trừ các năm bị tác động mạnh bởi tỷ giá như năm 2022 và năm 2023. Tuy nhiên, tăng trưởng VN-Index trong quý IV hàng năm, bình quân đạt mức tích cực 3,3%.

Lợi thế hiện giờ đối với TTCK Việt Nam là định giá thấp của VN-Index, dự kiến ở mức 11,6 lần cuối năm 2024. Theo SSI, trong bối cảnh khả năng các thị trường như Việt Nam hưởng lợi khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ thì yếu tố định giá hấp dẫn có thể là một điểm đến của dòng tiền.

“Nhìn chung, mặc dù có thể còn những biến động khi phải thận trọng theo dõi các dữ liệu về các kịch bản của nền kinh tế Mỹ, đã có nhiều hơn các yếu tố có thể tác động tích cực lên lên TTCK Việt Nam cho giai đoạn cuối năm khi tăng trưởng đi kèm với chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa theo hướng hỗ trợ. Chúng tôi kỳ vọng điểm số và thanh khoản của thị trường sẽ khởi sắc hơn trong 2 tuần cuối tháng 9 khi trọng tâm theo dõi sẽ quay lại tập trung vào các yếu tố nội tại trong nước”, phía SSI nêu quan điểm.

Công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục phân bổ danh mục cân bằng, nhưng vẫn đảm bảo hưởng lợi từ kỳ vọng hồi phục tăng trưởng ở các nhóm như Tiêu dùng (Thực phẩm, Bán lẻ), Xuất khẩu, Ngân hàng, Xây dựng/Vật liệu xây dựng.

Thông tư liên quan đến nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua chứng khoán mà không cần có đủ tiền sẽ được ban hành (kỳ vọng trong tháng 9) và sớm được triển khai trong quý IV. Theo đó, đánh giá tích cực của FTSE Russell trong kỳ tháng 9/2024 làm tăng triển vọng cho quyết định nâng hạng Việt Nam trong kỳ đánh giá tháng 9/2025

Công ty Chứng khoán SSI

Cùng chuyên mục
Tin khác