'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở đang được lấy ý kiến tại Quốc hội và dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2022. Dự thảo luật này quy định mới việc thực hiện dân chủ tại tổ chức có sử dụng lao động.
Doanh nghiệp có quyền tương tự như chủ thể khác trong thực hiện quyền dân chủ
Về Dự thảo Luật này, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bày tỏ sự nhất trí cao với sự cần thiết của việc thúc đẩy dân chủ ở cơ sở theo các kênh đa dạng, qua đó bảo đảm quyền dân chủ một cách thực tiễn và thực chất.
Tuy nhiên, cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, ban soạn thảo cần cân nhắc không mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật dân chủ ở cơ sở sang khu vực doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp ngoài nhà nước, được quy định tại các chương I và chương IV của Dự thảo Luật.
Làm rõ quan điểm này, TS Vũ Tiến Lộc đã đưa ra các các lý do chủ yếu sau đây:
Lý do thứ nhất, TS Vũ Tiến Lộc cho hay theo Cương lĩnh của Đảng (2011), “Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hoạt động của Nhà nước, của hệ thống chính trị và các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện”. Điều 2 Hiến pháp (2013) cũng khẳng định “Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân”.
“Có thể thấy trong cả hai văn bản tối quan trọng này, khái niệm dân chủ được xem xét trong phạm vi quan hệ giữa Nhà nước (bao gồm các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị) với Nhân dân; đồng thời, quyền làm chủ của người dân phải được thực hiện thông qua và gắn với Nhà nước cũng như hệ thống chính trị.
Trong khi đó, doanh nghiệp nói riêng và các tổ chức kinh tế nói chung là các thực thể được thành lập theo pháp luật doanh nghiệp, nằm ngoài bộ máy Nhà nước và cũng không thuộc hệ thống các tổ chức chính trị ở nước ta. Doanh nghiệp không có bất kỳ quyền lực hay chức năng nào của Nhà nước trong các quan hệ với người lao động của mình hay người dân, tổ chức khác.
Thậm chí, bản thân doanh nghiệp cũng là một chủ thể ngoài Nhà nước và cũng có quyền tương tự các chủ thể khác trong thực hiện quyền dân chủ trong mối quan hệ với các cơ quan Nhà nước và các tổ chức thuộc hệ thống chính trị.
"Trước Nhà nước và pháp luật, doanh nghiệp và người lao động trong doanh nghiệp là bình đẳng về vị thế và quyền dân chủ, không bên nào có quyền “làm chủ” hay giám sát bên nào”, Chủ tịch VIAC lập luận.
Lý do thứ 2, theo Chủ tịch VIAC, Cương lĩnh của Đảng (2011) cũng nhấn mạnh chủ trương “phân định rõ quyền của người sử hữu, quyền của người sử dụng tư liệu sản xuất và quyền quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, bảo đảm mọi tư liệu sản xuất đều có người làm chủ, mọi đơn vị kinh tế đều tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất kinh doanh của mình”.
Thể chế hoá chủ trương này, TS Vũ Tiến Lộc cho biết Hiến pháp (2013) quy định “mọi người đều có quyền tự do kinh doanh trong những lĩnh vực trong những ngành nghề pháp luật không cấm”, “Nhà nước xây dựng hoàn thiện thể chế điều tiết kinh tế trên cơ sở bảo đảm tôn trọng các quy luật thị trường”. Hệ thống pháp luật về dân sự, về doanh nghiệp và kinh doanh ở nước ta tiếp tục khẳng định quyền tự chủ kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
“Như vậy, nguyên tắc về “quyền làm chủ” ở đây là rất mạch lạc: Quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân, Quyền kinh doanh thuộc về doanh nghiệp. Trong doanh nghiệp, ngoại trừ các vấn đề liên quan trực tiếp tới quan hệ lao động với các thiết chế về đàm phán, thương lượng, tham vấn giữa hai bên đã được ghi nhận trong pháp luật lao động, người lao động không thể can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của chủ doanh nghiệp. Hơn thế nữa, về mặt thực tiễn, trong nhiều trường hợp sự can thiệp của người lao động vào các quyết định thuộc quyền của chủ doanh nghiệp là không khả thi, khi bản thân lãnh đạo trong doanh nghiệp có thể cũng chỉ là người lao động, không phải là chủ sở hữu doanh nghiệp”, TS Vũ Tiến Lộc nói.
Lo ngại phức tạp hơn mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp
Nguyên nhân thứ ba, theo TS Vũ Tiến Lộc, từ góc độ quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động, pháp luật về lao động và công đoàn đã xác định rõ công đoàn Việt Nam và các tổ chức đại diện khác của người lao động tại cơ sở là người đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động và là chủ thể có trách nhiệm tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ và ổn định trong doanh nghiệp. Các tiêu chuẩn và quy định về quan hệ lao động ở nước ta hiện nay cơ bản đã đạt chuẩn mực quốc tế theo các công ước quốc tế và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà chúng ta đã ký kết.
“Vì vậy, việc đưa thêm thiết chế dân chủ vào doanh nghiệp như dự kiến tại Dự thảo Luật có thể dẫn tới chồng chéo lên nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người lao động và các đoàn thể chính trị- xã hội khác trong doanh nghiệp. Đồng thời, việc thêm thiết chế này có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ lao động trong doanh nghiệp, nhất là khi không thể phân biệt rõ cách thức phối hợp với các thiết chế đã có cũng như biện pháp xử lý trong trường hợp có ý kiến khác nhau”, TS Vũ Tiến Lộc nói.
Từ góc độ hội nhập kinh tế quốc tế, ông Lộc cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt trong thu hút FDI như hiện nay, việc yêu cầu thiết lập thêm một thiết chế của người lao động trong doanh nghiệp, có quyền làm chủ và can thiệp ở các mức độ khác nhau vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, chắc chắn sẽ khiến các nhà đầu tư tiềm năng phải thận trọng hơn khi quyết định đưa vốn vào Việt Nam.
“Điều này cũng sẽ là trở lực đáng kể cho chúng ta trong thúc đẩy quá trình xem xét phê chuẩn hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU cũng như xúc tiến các hiệp định bảo hộ đầu tư và thương mại tự do khác”, ông Lộc nói.
Từ góc độ cộng đồng doanh nghiệp, ông Lộc nhấn mạnh trước và trong kỳ họp này của Quốc hội, các tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước như VCCI, 8 hiệp hội doanh nghiệp trong những ngành kinh tế trọng điểm đang tạo ra nhiều việc làm nhất trong nền kinh tế Việt Nam (như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ, ô tô xe máy…), và các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài (như hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam – Eurocham) đã liên tục kiến nghị với Quốc hội không đưa doanh nghiệp vào đối tượng áp dụng của Dự thảo luật, không bắt buộc thành lập ban thanh tra nhân dân tại các doanh nghiệp xuất phát từ các căn cứ pháp lý xác đáng cũng như các rủi ro thực tiễn đầy quan ngại.
Từ các lý do trên đây, Chủ tịch VIAC Vũ Tiến Lộc đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định không đưa chủ thể kinh doanh, các tổ chức sử dụng lao động ngoài công lập, nhất là các doanh nghiệp ngoài nhà nước, vào phạm vi điều chỉnh của dự Luật dân chủ ở cơ sở; và không yêu cầu thành lập ban thanh tra nhân dân tại các doanh nghiệp này.
“Đồng thời, để có thêm ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, tôi đề nghị Ban soạn thảo tổ chức các hội nghị tham vấn ý kiến rộng rãi của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức sử dụng lao động và chuyên gia trước khi hoàn chỉnh dự thảo trình Quốc hội vào cuối kỳ họp”, ông Lộc nói.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.