‘Không thể duy trì nghịch lý ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất nhưng cơ sở hạ tầng kém nhất’

Xuân Hải - 31/10/2019 16:58 (GMT+7)

(VNF) – Phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) nhấn mạnh: “Chúng ta không thể cứ mãi duy trì những cái rất mâu thuẫn và nghịch lý ở Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất, thủy sản nhiều nhất, trái cây phong phú nhất nhưng đồng thời cơ sở hạ tầng kém nhất, nhà ở tệ nhất”.

VNF
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình

Theo đại biểu Thạch Phước Bình, vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 57 cảng thủy nội địa, 3.988 bến thủy nội địa và 1.404 cảng bến. Tuy nhiên, 85% các cảng có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu phục vụ nhu cầu xếp dỡ hàng rời, thiếu các cảng chuyên dùng cho container. Vùng cũng chưa có bến gom hàng cho các cảng thủy nội địa lớn trong vùng.

Hiện nay, nhu cầu xuất khẩu hàng hóa của Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt khoảng 17 đến 18 triệu tấn/năm. Trong khi đó, cảng Cái Cui - cảng lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long - cũng chỉ mới tiếp nhận được tàu khoảng 3 - 5 ngàn tấn. Vì vậy, 70% - 80% lượng hàng hóa xuất khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long phải dồn hết lên cụm cảng TP. HCM bằng đường bộ, khiến áp lực giao thông đường bộ trên quốc lộ 1 và TP. HCM tăng cao.

Việc vận chuyển liên tỉnh cũng khiến chi phí tăng vọt. Theo đại biểu Bình, hiện chi phí vận chuyển xà lan từ Cần Thơ đến cảng TP. HCM bình quân là 3,6 triệu đồng/1 công 20 feet, khoảng 6 triệu đồng/1 công 40 feet, thời gian lưu chuyển là 24 giờ. Chi phí này đối với đường bộ là 8,2 triệu đồng/1 công 20 feet và 9,5 triệu đồng/1công 40 feet với thời gian là 8 giờ, chưa kể thời gian vận chuyển kéo dài bất lợi đối với hàng hóa nông sản của vùng.

Đại biểu Bình đề nghị Chính phủ quan tâm đến việc đầu tư xây dựng bến cảng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mà trước mắt là xem xét quy hoạch cảng Đình An - Trà Vinh vào hệ thống cảng biển Việt Nam.

Theo đại biểu Bình, cảng Đình An đã khởi công xây dựng vào tháng 7/2019 với quy mô 120 hecta, tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng gồm 3 bến cảng. Dự kiến bến số 1 sẽ hoàn thành vào tháng 6/2020, bến số 2 và bến số 3 sẽ hoàn thành trong năm 2021.

Khi hoàn thành đây sẽ là cảng vận chuyển hàng hóa lớn nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc nhóm cảng biển số 6, là cảng biển tổng hợp loại 2 của khu vực, bảo đảm cho tàu có trọng tải từ 30.000 tấn đến 50.000 tấn vào, với thiết kế hiện tại có độ âm khoảng 9,5m.

Thiết kế năng lực của cảng có thể nạo vét âm 16,5m, đáp ứng cho tàu có trọng tải từ 70 đến 160 nghìn tấn cập bến dễ dàng, năng lực thông quan năm 2030 khoảng 3,6 -5,4 triệu tấn/năm.

Bên cạnh cảng Đình An, đại biểu Bình cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ bố trí đầu tư một số dự án trọng điểm của khu vực như Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2 đoạn Cần Thơ - Cà Mau, cầu Rạch Miễu 2;

Sớm nâng cấp, mở rộng các trục quốc lộ ngang để kết nối Quốc lộ 1 và cao tốc trong tương lai ở phía Đông, như Quốc lộ 53, Quốc lộ 54, toàn tuyến từ Đồng Tháp - Vĩnh Long - Trà Vinh đạt chuẩn cấp 3 đồng bằng.

“Cử tri cũng tha thiết kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư cầu Đại Ngãi bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Công trình đã được khởi động vào tháng 12/2015 đến nay chưa được khởi công”, đại biểu Bình nói.

Vị đại biểu của tỉnh Trà Vinh tha thiết: cả nước chia thành 7 vùng kinh tế nông nghiệp thì Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đồng bằng châu thổ lớn nhất với 4 triệu hecta đất tự nhiên, 28.000 km sông rạch, 3 mặt giáp biển, dân số 18.000.000 người, là vùng kinh tế sản xuất nông nghiệp 50%, sản lượng lúa 70% lượng trái cây 52%, lượng thủy sản lớn nhất nước, đóng góp 90% lượng xuất khẩu, 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước.

“Tuy nhiên, đời sống tinh thần vật chất của người dân ở đây rất thấp so với cả nước. Một phần nguyên nhân là do kết cấu hạ tầng giao thông chưa hoàn chỉnh và chúng ta không thể cứ mãi duy trì những cái rất mâu thuẫn và nghịch lý ở Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất, thủy sản nhiều nhất trái cây phong phú nhất nhưng đồng thời cơ sở hạ tầng kém nhất, nhà ở tệ nhất”.

Ông Bình cũng nhắc nguy cơ trước mắt của Đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề biến đổi khí hậu. “Cửu Long cạn nguồn đó là báo động sốt, cấp bách và có thực”, ông nói và đề nghị cấp thiết phải quy hoạch tổng thể cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long bước vào thời kỳ hậu WTO và sớm hình thành một Ban Chỉ đạo thống nhất đặc trách phát triển cấp nhà nước cao nhất.

Cùng chuyên mục
Tin khác