Kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam: 'Chiến hào' chung trong cuộc chiến với giấy phép con

Mạnh Quân - 18/06/2022 06:12 (GMT+7)

(VNF) - Lâu nay, người ta thường hay nói: “Báo chí là người bạn đồng hành của doanh nghiệp”. Có không ít người sẽ cho đó là một câu “sáo” và nghi ngờ ý nghĩa của câu nói này khi những năm gần đây, có không ít câu chuyện cho thấy báo chí cũng nhiều khi không đồng hành cùng các doanh nhân.

VNF

Tuy nhiên, có một lĩnh vực mà trong rất nhiều năm đã cho thấy, doanh nghiệp thực sự cần đến báo chí và rất nhiều tờ báo, nhiều nhà báo đã đứng cùng một “chiến hào”, cùng đồng hành với các doanh nghiệp: Đó là “cuộc chiến” với những thủ tục, điều kiện kinh doanh bất hợp lý, là “cuộc chiến” với vô vàn giấy phép “con”...

Nhiều năm trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, ai quan tâm đến việc thực thi 2 bộ luật: Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư tại Việt Nam đều thấy rất rõ, một trong những vấn đề lớn nhất cản trở việc thi hành một cách hiệu quả các quy định của các bộ luật này chính là tình trạng ban hành giấy phép “con”, các điều kiện kinh doanh rất tùy tiện, kéo dài rất nhiều năm ở nhiều bộ, ngành, địa phương. Tình trạng đó gây cản trở, khó khăn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của đông đảo người dân, doanh nghiệp.

Chính vì thế, khi ban hành mới và sau này còn nhiều lần sửa đổi, bổ sung các bộ luật quan trọng này, Chính phủ đều thành lập Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, trong đó thường có lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Tổ trưởng (trước đây là cựu Bộ trưởng Trần Xuân Giá, sau đó là cựu Bộ trưởng Võ Hồng Phúc), thành viên có nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện một số Bộ, ngành giàu năng lực, tâm huyết với việc cải cách môi trường kinh doanh, có tinh thần “chiến đấu” rất cao với thiên la địa võng các quy định, điều kiện bất hợp lý, cản trở thi hành việc thực thi các quy định mới, cởi trói sức sản xuất, kinh doanh từ 2 bộ luật này.

Trên thực tế, trong những năm đầu của quá trình triển khai Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, việc đấu tranh để xóa bỏ các giấy phép con, điều kiện kinh doanh đều được dư luận người dân, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất hiệu quả. Có hàng trăm giấy phép “con”, giấy phép “cháu”, những quy định kinh doanh “giời ơi”... đã được xóa bỏ hoặc sửa đổi hàng năm đã khiến môi trường kinh doanh ngày càng trở nên thuận lợi, góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế.

Trong quá trình đó, báo chí cũng được đánh giá rất tích cực khi đã phối hợp với Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và luật Đầu tư, cùng với cộng đồng doanh nghiệp “chiến đấu” không mệt mỏi để phát hiện, cung cấp cho cơ quan chức năng những bằng chứng, thông tin về những quy định bất hợp lý gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, những thể loại giấy phép “con” ban hành công khai hoặc ẩn trong trong văn bản, quy định từ Nghị định đến các văn bản hướng dẫn từ trung ương cho tới các địa phương để tổng hợp, báo cáo, xử lý.

Nhờ đó, Chính phủ đã quyết liệt yêu cầu những bộ, ngành, địa phương ban hành những giấy phép, điều kiện kinh doanh bất hợp lý phải bãi bỏ, hoặc sửa đổi. Đã có nhiều tờ báo lập ra các chuyên mục hoặc có các tuyến bài viết thường xuyên về lĩnh vực này. Các nhà báo, phóng viên cũng đã thường xuyên tiếp xúc, tìm hiểu thông tin từ các doanh nghiệp đến lên tiếng, phản ánh không mệt mỏi với từng loại giấy phép “con”, giấy phép “cháu” hành doanh nghiệp và đó thực sự là quá trình “đồng hành” của cả báo chí và doanh nghiệp mà ai cũng đã nhận thấy hiệu quả của sự hợp tác ấy.

Tuy nhiên, sau một thời gian cùng “chiến đấu” chống hệ thống giấy phép “con”, những điều kiện kinh doanh bất hợp lý, đặc biệt hơn 2 năm qua, trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng nổ, “con quái vật” có tên “giấy phép con” dường như lại ngóc đầu dậy và tác oai, tác quái, gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và việc làm ăn nhỏ của người dân.

Không chỉ đối diện với những khó khăn rất lớn do hậu quả của đại dịch này, nhiều doanh nghiệp hiện còn khó khăn hơn do những quy định bất hợp lý mới nhân danh những cái gọi là “biện pháp phòng chống dịch”.

Điều này tự nhiên đã thúc đẩy doanh nghiệp tìm đến báo chí như một kênh nhanh và hiệu quả nhất để nói lên những vấn đề khó khăn mới của họ để từ báo chí, lãnh đạo Nhà nước lắng nghe, thấu hiểu để ban hành những chính sách mới, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - người cũng từng giữ vị trí Tổ trưởng Tổ thư ký trong Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp thì gần đây, khi đi công tác địa phương, ông nhận thấy sau nhiều năm cả nước kiên trì cải cách cắt giảm các quy định bất hợp lý để doanh nghiệp có môi trường lành mạnh để phát triển thì nay, hàng loạt những quy định không cần thiết, bất hợp lý lại đang xuất hiện.

Ông Cung lấy ví dự như dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất do Bộ Công Thương dự thảo. Dự thảo này bổ sung thêm yêu cầu về thời hạn của Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất và Bộ Công Thương là người thẩm định và cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép này.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, không cần phải có thời hạn của giấy phép này nên việc bổ sung thêm quy định về thời hạn của giấy phép sản xuất, kinh doanh là tăng thêm điều kiện kinh doanh, tạo rào cản cho doanh nghiệp.

Cũng rất lo lắng với sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn những dạng giấy phép con, những điều kiện kinh doanh đang được cài cắm trong các thông tư, nghị định và các văn bản hướng dẫn là bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh quốc gia của CIEM và ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế của VCCI. Các vị này cùng cho rằng xu hướng siết chặt quản lý ở một số ngành, lĩnh vực là nghịch lý tồn tại trong soạn thảo chính sách gần đây.

Không chỉ có những “giấy phép con”, điều kiện kinh doanh bất cập mới, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế đều cho biết họ nhận thấy có nguy cơ những điều kiện bị bãi bỏ lại hồi sinh. Nhiều quy định “cài cắm” mới trong một số Nghị định, Thông tư do một số bộ, ngành xây dựng đã có hướng phục hồi lại một số quy định bất hợp lý trước đây đã bị xóa bỏ.

Ví dụ như việc mở rộng các đối tượng, danh mục hàng chế biến phải kiểm dịch trong Thông tư số 11/2021/TT-BNNPTNT. Hay như dự thảo nghị định về kinh doanh vận tải nội bộ yêu cầu xe ô tô vận tải nội bộ phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Dự kiến có khoảng 400.000 xe phải lắp. Như vậy, chỉ riêng về chi phí cho thiết bị, tổng chi phí cho số xe phải lắp ước tính khoảng 600 tỷ đồng.

Trong khi doanh nghiệp đang nỗ lực gượng dậy sau hơn 2 năm suy sụp vì đại dịch Covid, trong khi cả nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi, thì việc có thêm những rào cản như những giấy phép, những điều kiện kinh doanh bất hợp lý thực sự khiến cả cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội và các chuyên gia lo lắng.

Chính vì vậy, một lần nữa, cộng đồng doanh nghiệp lại cần đến sự vào cuộc của giới báo chí, để tiếp tục đồng hành phát hiện, phản ánh tình trạng gia tăng các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, tiếp tục thúc đẩy quá trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh không để giấy phép con hồi sinh, không để điều kiện kinh doanh được cài cắm.

Và chính với việc gắn kết, hợp tác này giữa báo chí và khối doanh nhân càng thể hiện sự cần thiết của báo chí đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, để 2 bên luôn luôn là những người bạn đồng hành, vì sự phát triển chung của cả nước.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.